Trang Chủ Tin tức Sự kiện AFGHANISTAN QUAY CUỒNG TRONG CƠN LỐC MA TUY

AFGHANISTAN QUAY CUỒNG TRONG CƠN LỐC MA TUY

120
0

Với nhiều gia đình ở Afghanistan, thói quen sử dụng thuốc phiện được truyền từ đời này sang đời khác. Nhiều gia đình đã phải bán đất, cầm cố tài sản, bán cả con gái để lấy tiền thỏa mãn cơn nghiện. Trong điều kiện trang thiết bị y tế thiếu thốn, giao thông khó khăn, thuốc phiện được người dân sử dụng như một vị thuốc chữa bách bệnh.

Với nhiều gia đình ở Afghanistan, thói quen sử dụng thuốc phiện được truyền từ đời này sang đời khác. Nhiều gia đình đã phải bán đất, cầm cố tài sản, bán cả con gái để lấy tiền thỏa mãn cơn nghiện. Trong điều kiện trang thiết bị y tế thiếu thốn, giao thông khó khăn, thuốc phiện được người dân sử dụng như một vị thuốc chữa bách bệnh.

Thuốc phiện là bác sĩ của chúng tôi

Mới 8 giờ sáng nhưng căn nhà của Islam Beg đã nồng nặc khói thuốc, các thành viên trong gia đình lần lượt truyền tay nhau tẩu thuốc phiện. Cậu bé mới 1 tuổi được mẹ phả một bụm khói vào miệng. Căn nhà trống rỗng không có vật dụng gì đáng giá, vì họ đã cầm tất cả đồ đạc để mua ma túy. Đây là cảnh tượng phổ biến trong các gia đình ở vùng quê hẻo lánh Sarab, Afghanistan.

069-2015-anh3

Cảnh hút thuốc phiện tại gia đình Islam Beg (Ảnh: Theguardian)

Beg chia sẻ:  “thuốc phiện là bác sĩ của chúng tôi. Khi đau dạ dày, thử dùng một tý, rồi thêm tý nữa, sau đó thì đã nghiện. Chúng tôi không có thuốc men,và không biết xoay xở thế nào”. Beg kể, một lần cháu trai 1 tuổi của Beg bị mất một ngón tay do kẹt vào cửa, ông đã cố gắng xoa dịu cơn đau bằng cách phả khói thuốc phiện vào miệng đứa trẻ. Ông cho biết bản thân không muốn đứa cháu ngoại đi vào vết xe đổ của các thành viên trong gia đình, nhưng ông không còn lựa chọn nào khác.

Theo lời Beg, ông được thừa hưởng khá nhiều đất đai do tổ tiên để lại, ở tỉnh Badakhshan, Đông Bắc thủ đô Kabul. Ông từng sở hữu trong tay 1.200 con cừu, tuy nhiên từ khi bập vào thuốc phiện, ông đã lần lượt bán từng con một.

Hết cừu, để tiếp tục thỏa mãn cơn nghiện ông quay ra bán đất. Đến khi còn mảnh đất cuối cùng để trồng khoai tây – nguồn sống chính của cả gia đình, đến vụ thu hoạch Beg đứng giữa hai lựa chọn: để dành làm thực phẩm cho cháu, hay bán để mua thuốc phiện? Tuy vậy, bao giờ người ông nghiện ngập cũng chọn thuốc phiện, mặc kệ đứa thường xuyên phải nhịn đói.

“Nếu chúng tôi có 50 cen, chúng tôi sẽ dành tất cả để mua thuốc phiện. Sẽ chẳng ai dành 50 cent ấy để mua xà phòng về giặt quần áo. Tôi có thể nhịn ăn nhưng thuốc phiện thì không”, con gái của Beg – mẹ đứa trẻ 1 tuổi cho biết.

069-2015-anh2

Ông Beg đưa tẩu thuốc phiện vào miệng cháu mình (Ảnh: Theguardian)

Thiếu thốn trang thiết bị y tế nên người dân ở đây xem thuốc phiện là dược liệu vì thị trấn có một vài cửa hàng tuy nhiên đến cả một viên aspirin cũng không có. Giao thôngkhông thuận lợi nên người dân muốn đến bệnh viện phải mất một ngày đường đi bộ bằng đường mòn xuyên núi.

Do số lượng người nghiện ngày một gia tăng nên các trung tâm cai nghiện bắt đầu trở nên quá tải. Một trung tâm cai nghiện ở tỉnh Takhar gần Sarab với tổng số 2.000 người tham gia trị liệu nhưng chỉ có 30 giường.

Gia đình ly tán vì thuốc phiện

Trả lời phỏng vấn báo chí, Dalar đến từ gia đình có 7 người nghiện thổ lộ: Tôi đã từng là một người giàu có, tôi có một lâu đài, khá nhiều đất đai. Tuy nhiên khi bắt đầu bập vào thuốc  phiện, tôi bán mọi thứ. Bây giờ, tôi tay trắng”. Ở nhà, Dalar mặc một chiếc áo choàng rách nát và bẩn thỉu. Trong khi đó, vợ ông phô hàm răng đã bị hủy hoại ghê gớm do nghiện thuốc phiện lâu năm. Theo lời kể của Dalar, khi ông quyết định bán lâu đài, cả gia đình không còn được ăn miếng thịt nào nữa. Khi mảnh đất cuối cùng ra đi đồng nghĩa với việc không còn bánh mỳ, khoa tây, rau xanh. Thực đơn của họ nay chỉ còn trà, một vài mẩu bánh mỳ được người hàng xóm tốt bụng  mang cho.

Sau khi bán tất cả đất đai, một vài gia đình ở Afghanistan bắt đầu tìm kiếm những phương pháp tồi tệ để thỏa mãn cơn nghiện. Họ bắt đầu bằng những khoản vay của những tay buôn ma túy.Thậm chí có người bán luôn cả con gái để gán nợ. Đến con đường cùng, một số người nghiện buộc con trai của mình đi ở cho các chủ buôn bán ma túy.

Jan Begum, người vừa mới bắt con trai mình làm thuê gán nợ cho một tay buôn ma túy ngậm ngùi: “tôi biết nó rất giận dữ. Nhưng tôi phải làm gì. Tôi không còn gì để bán. Tôi đã cố gắng từ bỏ, nhưng không thể. Nếu tôi ngừng, cơn vật vã khiến tôi không tài nào chịu nổi”.

Theo kết quả khảo sát của Chính phủ Afghanistan công bố vào đầu tháng 5-2015, hiện tại có khoảng 3,3 triệu người sử dụng ma túy bất hợp pháp. Tuy những cánh đồng hoa anh túc trải dài bất tận là nguyên nhân của nhiều thảm kịch nhưng vẫn là nguồn sống của nhiều người dân nơi đây. Hiện đất nước này là đầu mối cung cấp đến 90% sản lượng thuốc phiện và heroin trên toàn thế giới, trong số 32 tỉnh có đến 28 tỉnh trồng hoa anh túc. Chiến tranh, nghèo đói, bệnh tật là những mối đe dọa lớn đối với Afghanistan, nhưng sức hủy diệt của ma túy còn ngấm ngầm và dai dẳng hơn nhiều. Ma túy không chỉ đầu độc đầu độc thế hệ hiện tại, mà còn âm thầm gieo rắc cái chết cho thế hệ tương lai.

Bình Nguyên

Theo The guardian; Stripes