Ấn Độ mới đây đã thông qua Luật chống phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, đây là bước ngoặt nhằm bảo đảm quyền công bằng cho những người phải sống chung với HIV/AIDS.
Luật Phòng, chống HIV/AIDS vừa được Quốc hội Ấn Độ thông qua nêu rõ, hành động phân biệt đối xử với những người bị nhiễm và sống chung với HIV/AIDS sẽ bị coi là phạm pháp. Với dự luật mới này, Ấn Độ đã trở thành quốc gia Nam Á đầu tiên ban hành luật bảo vệ quyền lợi của những người chung sống với căn bệnh thế kỷ.
Dự luật mới cấm các hành vi phân biệt đối xử với bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS ở nơi làm việc hay không cho họ hưởng các dịch vụ giáo dục, nhà ở, chăm sóc y tế cũng như quyền đại diện, mở các văn phòng. Ngoài ra, các doanh nghiệp và những cơ sở công cộng sẽ bị coi là vi phạm pháp luật nếu từ chối tiếp nhận người lao động bị nhiễm HIV. Luật mới còn có các điều khoản quy định người nhiễm HIV/AIDS không phải trải qua các xét nghiệm, nghiên cứu, điều trị y tế nếu họ không đồng ý. Bệnh nhân cũng có quyền giữ kín tình trạng bệnh của bản thân trừ trường hợp được tòa án yêu cầu khai báo hay tự nguyện tiết lộ.
Theo Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), năm 2015 tại Ấn Độ có hơn 2,1 triệu người nhiễm HIV hiện còn sống. Chỉ riêng trong năm 2015, tại quốc gia này đã có hơn 68.000 người chết vì AIDS. Mặc dù kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV ở các thành phố lớn như New Delhi và Bombay đã giảm nhiều nhưng nó vẫn còn khá nặng nề tại các thành phố nhỏ và khu vực nông thôn do thiếu hiểu biết hoặc lý do mê tín.
UNAIDS gọi luật mới này là một mốc pháp lý quan trọng không chỉ chống phân biệt đối xử tại nơi làm việc, trường học, tại gian đình mà còn chống phân biệt đối xử trong việc tiếp cận các cửa hàng, nhà hàng, khách sạn và công cộng.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Ấn Độ, J.P Na-đa (J. P. Nadda), đây là dự luật mang tính “lịch sử” và là hành động mạnh mẽ của Chính phủ nhằm chống lại sự phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS. Dự luật mới này ngay lập tức đã được nhiều tổ chức bảo vệ người sống chung với HIV/AIDS hoan nghênh. Bà Hui-đrôm Râu-xơ-na-ra (Huidrom Rosenara), một quan chức thuộc Liên minh HIV/AIDS Ấn Độ cho biết, đã có nhiều vụ phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS ở bệnh viện, trường học và trong cộng đồng. Mặc dù gần đây số vụ phân biệt đối xử đã giảm so với vài chục năm trước, song tình trạng này vẫn tiếp diễn. “Chúng tôi rất lạc quan về dự luật mới vì nó thể hiện cam kết chính trị của Chính phủ Ấn Độ”, bà Hui-đrôm Râu-xơ-na-ra nhấn mạnh.
Bà Hui-đrôm Râu-xơ-na-ra cũng cho rằng, luật mới này sẽ không thể giúp thay đổi nhận thức của công chúng trong một sớm một chiều, nhưng là một bước đi đúng hướng, bởi nó sẽ bảo vệ quyền lợi của bệnh nhân HIV/AIDS và giúp họ nhận được sự tôn trọng trong cuộc sống thường ngày.
Vấn đề phân biệt đối xử với bệnh nhân HIV/AIDS đã được thảo luận tại Ấn Độ từ năm 2002 và phải trải qua 15 năm, đến nay vấn đề này mới được đưa vào luật. Dự luật nói trên đã được lưỡng viện Quốc hội Ấn Độ thông qua và đang chờ Tổng thống phê chuẩn để chính thức trở thành luật.
BP