Trang Chủ Tin tức Kiến thức HIV ARV có làm giảm trí nhớ đối với trẻ em...

ARV có làm giảm trí nhớ đối với trẻ em nhiễm HIV hay không?

349
0

Được một doanh nhân trẻ tại Hà Nội hỗ trợ, trong tháng 10 năm 2014, nhóm chuyên gia làm việc tình nguyện vì trẻ em nhiễm HIV  đã  gặp mặt các thành viên đến từ các nhóm tự lực

Được một doanh nhân trẻ tại Hà Nội hỗ trợ, trong tháng 10 năm 2014, nhóm chuyên gia làm việc tình nguyện vì trẻ em nhiễm HIV  đã  gặp mặt các thành viên đến từ các nhóm tự lực của những người sống chung với HIV như Mặt Trời Của Bé, Mái Ấm Mỹ Đức, Bồ Câu,  Tình Thân, Sắc Màu Nhân Ái có con đang điều trị ARV. Nhóm đã đánh giá nhu cầu cho việc lập kế hoạch hoạt động  đối với các hỗ trợ tiếp theo.

Buổi thảo luận diễn ra hết sức sôi nổi với hàng loạt các vấn đề của trẻ em nhiễm HIV hiện nay: tâm lý, dinh dưỡng, giao tiếp, kỳ thị tại trường học, nhu cầu học hành, đào tạo kỹ năng sống, hoà nhập với bạn bè, xã hội, sức khoẻ sinh sản và sức khoẻ tình dục vì rất nhiều em đáp ứng tốt với liệu pháp điều trị kháng virus (ART) đã và đang trở thành thanh thiếu niên trong những năm tới. Vấn đề đặt ra ở đây là tình dục an toàn và  làm thế nào dự phòng để không lây nhiễm HIV sang  bạn tình.

Tuy nhiên hầu hết các ông bố bà mẹ và cả ông bà là những người có kinh nghiệm hoạt động cộng đồng và xã hội về lính vực phòng, chống HIV/AIDS và hỗ trợ người nhiễm HIV lâu năm đều tin rằng do điều trị ARV nên các em bị giảm trí nhớ, ảnh hưởng tới việc học tập. Có chị còn nói trước trước mặt con mình rằng: “Do uống thuốc nên nó bị giảm trí nhớ, gần đây nó học kém hẳn đi. Tôi đã chuẩn bị đẩy đủ cho nó về vật chất rồi nếu tôi có ốm đau thì nó vẫn có thể sống được. Tôi chỉ mong nó lập gia đình thật sớm để sinh thật nhiều cháu cho tôi”.

Nhóm chuyên gia làm việc tình nguyện trong đó có Tiến sỹ David Stephens, một công dân Úc đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Ông là người sống chung với HIV 30 năm đã có nhiều kinh nghiệm áp dụng khá thành công nguyên tắc GIPA vào thực tiễn (Nguyên tắc tăng cường sự tham gia đầy đủ và có ý nghĩa của những người sống chung với HIV trong các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS). Ông cho rằng: “Đây là vấn đề nghiêm trọng cần được làm rõ và cung cấp thông tin khoa học một cách chính xác và đầy đủ. Có thể nó sẽ tác dụng không tốt đến tâm trí và sự phát triển bình thường của trẻ em nhiễm HIV vì cuộc sống của các em còn rất dài, tương lai của các em đang ở phía trước. Tốt nhất nên hỏi các bác sỹ chuyên khoa về HIV  có  kinh nghiệm về lĩnh vực này. Đồng thời,   mời họ đến chia sẻ trong các chủ đề tiếp theo”.

Một thạc sĩ, doanh nhân trẻ là người hỗ trợ cho chương trình tình nguyện này cả về tài chính và kỹ thuật cũng  có con gái nuôi  khoảng 8 tuổi nhiễm HIV. Ông cũng cho rằng: “Con người có phát triển được hay không một phần  là do môi trường, trong đó có môi trường gia đình và xã hội. Nếu người lớn nói các em là đần độn dẫn tới hệ quả là các em thiếu tự tin và không có động lực phấn đấu và có thể các em sẽ trở nên đần độn thật”.

Tôi cũng là một người sống chung với HIV 20 năm và đã điều trị ARV được 10 năm từ khi Việt Nam chưa có các chương trình thuốc miễn phí như hiện nay.  Trong ba loại thuốc tôi uống có một loại có tên thương mại là  Efavirenz. Loại thuốc này có tác động đến thần kinh trung ương và có tác dụng phụ như ác mộng, sợ hãi vô cớ, hoa mắt, chóng mặt,  suy nhược thể lực nhưng không thấy nói đến có bị giảm trí nhớ hay không.Tôi nghĩ có thể trao đổi với bác sỹ chuyên môn để có giải pháp khắc phục như là bổ sung vitamine B như B6, B1 và B12, tập thể dục nhẹ nhàng làm việc theo khả năng.

Thạc sỹ, BS Cao Thanh Thuỷ, hiện nay là Giám đốc kỹ thuật Quỹ Clinton, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết: “Đúng là chưa có bằng chứng nào cho thấy thuốc ARV gây giảm trí nhớ  nhưng cũng có nghiên cứu chỉ ra rằng: Nếu điều trị muộn, khi đó hệ thống miễn dịch  của cơ thể ( CD4) quá thấp  dẫn tới cơ thể bị suy yếu trong đó có hệ thần kinh. Điều này, cũng ảnh hưởng đến trí não”.

Đồng Đức Thành