Vị trí: Kiểm soát nội bộ, Ban QLDA VUSTA, Dự án Quỹ Toàn cầu phòng chống HIV/AIDS. Địa điểm làm việc: Hà Nội và các tỉnh của Dự án.
DỰ ÁN THÀNH PHẦN VUSTA DỰ ÁN QUỸ TOÀN CẦU PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS |
Bản mô tả công việc
Vị trí: Kiểm soát nội bộ, Ban QLDA VUSTA, Dự án Quỹ Toàn cầu phòng chống HIV/AIDS.
Địa điểm làm việc: Hà Nội và các tỉnh của Dự án.
Thời gian làm việc: Hợp đồng toàn thời gian 01 năm và có thể gia hạn đến 03 năm tùy thuộc vào kết quả làm việc.
Báo cáo : Cán bộ kiểm soát nội bộ sẽ báo cáo trực tiếp với Quản lý Dự án và phối hợp chặt chẽ với các cán bộ dự án trong Ban QLDA và các đơn vị thực hiện dự án (SRs) để thực hiện nhiệm vụ được giao.
Thời gian dự kiến bắt đầu: 01/4/2015
Nhiệm vụ chính:
Kiểm soát nội bộ chịu trách nhiệm kiểm tra, đánh giá về hệ thống quản lý Dự án báo gồm: tài chính và kế toán, nhân sự, mua sắm đấu thầu, quản lý tài trợ phụ v.v đảm bảo các hoạt động của Ban QLDA VUSTA và các đơn vị thực hiện dự án (SRs) tuân thủ những thủ tục, qui trình và qui định của Quỹ Toàn cầu cũng như của Chính phủ Việt Nam về quản lý và thực hiện nguồn vốn ODA. Đưa ra những kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả của các hệ thống, qui trình, qui định về quản lý Dự án góp phần đảm bào cho Ban QLDA hoạt động an toàn, hiệu quả đúng pháp luật.
Nhiệm vụ và trách nhiệm cụ thể
- Xây dựng /cập nhật các quy định về thủ tục và quy trình thực hiện kiểm soát nội bộ (bao gồm cả kiểm toán nội bộ). Xây dựng kế hoạch kiểm toán nội bộ theo Tiêu chuẩn trong nước và quốc tế về thực hành nghiệp vụ Kiểm toán nội bộ.
- Thực hiện kiểm soát nội bộ: Rà soát, đánh giá những qui định, qui trình, thủ tục mà Ban QLDA đang áp dụng để triển khai các hoạt động đảm bảo tuân thủ theo qui định của nhà tài trợ và Chính phủ Việt Nam. Đề xuất, kiến nghị những sửa đổi, bổ xung (nếu có) những qui định nói trên để Dự án hoạt động có hiệu quả, an toàn và đúng pháp luật.
- Thực hiện việc kiểm toán nội bộ
- Đảm bảo việc tuân thủ việc quản lý, thủ tục, qui trình hoạt động và tài chính để đáp ứng các quy định và chính sách nội bộ của dự án;
- Kiểm tra, rà soát và đánh giá hệ thống kế toán tài chính gắn với hoạt động của Ban QLDA VUSTA, các đơn vị thực hiện dự án (SR), các tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO) thuộc dự án VUSTA;
- Xác định các rủi ro trong hệ thống kế toán và quản lý tài chính, xác định các điểm quan trọng cần chú ý và đề xuất các biện pháp kiểm soát nhằm giảm thiểu rủi ro;
- Báo cáo định kỳ (và ngay khi có vấn đề cần lưu ý) việc kiểm toán để đảm bảo hệ thống kế toán và quản lý tài chính của dự án:
(i) tuân thủ các chính sách và thủ tục;
(ii) hoàn thành các mục tiêu quản lý;
(iii) độ tin cậy và tính toàn vẹn của thông tin;
(iv) sử dụng hiệu quả các nguồn lực, và
(v) quản lý và bảo hành tài sản.
- Đưa ra các khuyến nghị điều chỉnh về các nội dung trong công tác kế toán tài chính không đúng hoặc chưa hợp lý nhằm nâng cao tính hiệu quả của hệ thống quản lý tài chính.
- Đánh giá việc thực hiện các khuyến nghị do kiểm toán nội bộ, thanh tra và kiểm toán độc lập đưa ra.
- Hỗ trợ Ban QLDA VUSTA và các đơn vị thực hiện (SR) thuộc Ban QLDA VUSTA tăng cường kiểm soát và cải thiện quy trình quản lý tài chính kế toán của dự án.
- Tham gia các hoạt động khác:
(i) Tham gia trong các hoạt động nâng cao năng lực: tập huấn, hỗ trợ trực tiếp, thúc đẩy việc nâng cao nhận thức về rủi ro trong công tác quản lý tài chính, kế toán đảm bảo tuân thủ các quy định của Quỹ toàn cầu.
(ii) Tham gia xây dựng kế hoạch công tác năm của dự án theo phân công
(iii) Tham gia phiên dịch, biên dịch tài liệu của dự án (báo cáo tài chính, các báo cáo hoạt động v.v) cũng như các buổi làm việc của Dự án với Quỹ Toàn cầu.
(iv) Các nhiệm vụ khác mà Dự án yêu cầu
Yêu cầu trình độ
- Có bằng thạc sĩ về tài chính, kế toán (ưu tiên ứng viên được đào tạo đại học và thạc sĩ ở nước ngoài);
- Có 1-3 năm kinh nghiệm làm việc về kiểm toán nội bộ /độc lập của các tổ chức quốc tế, cơ quan chính phủ, các công ty, kinh nghiệm làm việc với cơ quan chính phủ trong các dự án được tài trợ bằng nguồn vốn ODA;
- Hiểu biết sâu về hệ thống tài chính kế toán Việt Nam;
- Quen thuộc với các nguyên tắc kiểm soát nội bộ, thực hành tiêu chuẩn, quá trình ứng dụng và thanh tra;
- Có kỹ năng xây dựng kế hoạch/chương trình kiểm toán;
- Thành thạo tiếng Anh, tiếng Việt và các phần mềm ứng dụng;
- Kỹ năng tổng hợp, tư duy, phân tích logic, giao tiếp tốt;
- Chủ động và khả năng làm việc độc lập;
- Có khả năng đi lại trong nước để tiến hành các hoạt động kiểm toán tại các đơn vị thực hiện dự án.
Cán bộ kiểm soát nội bộ làm việc toàn thời gian tại Ban QLDA VUSTA, Dự án Quỹ Toàn cầu phòng chống HIV/AIDS.
Phụ lục 1: Thông tin cơ bản về dự án và hoạt động dự phòng
1. Tên dự án: | Tăng cường sự tham gia của các tổ chức khoa học và kỹ thuật và các tổ chức cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS |
2. Tên nhà tài trợ |
Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét (QTC) |
3. Cơ quan chủ quản
a. Địa chỉ liên lạc b. Số điện thoại c. Số Fax |
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) 53 Nguyễn Du, Hà Nội, Việt Nam (84 4) 39438108 (84 4) 39437785 |
4. Chủ dự án
a. Địa chỉ liên lạc b. Số điện thoại c. Số Fax |
VUSTA
53 Nguyễn Du, Hà Nội, Việt Nam (84 4) 39438108 (84 4) 39437785 |
5. Thời gian dự kiến thực hiện dự án |
3 năm, 1/7/2015- 31/12/2017 |
6. Địa điểm thực hiện dự án | 15 tỉnh/thành phố, bao gồm: Hà Nội, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Nghệ An, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa -Vũng Tàu |
7. Tổng vốn dự kiến của dự án
|
6,795,712 USD trong đó: – Vốn ODA: 6,795,712 USD – Vốn đối ứng tiền mặt: Không có – Vốn đối ứng hiện vật: Cán bộ các phòng ban của VUSTA tham gia quản lý và hỗ trợ thực hiện dự án nhưng không trực tiếp làm việc cho dự án |
8. Hình thức cung cấp ODA | ODA không hoàn lại |
Mục tiêu tổng quát
Tăng cường sự tham gia của các tổ chức khoa học và kỹ thuật (KH&KT) và các tổ chức cộng đồng (CBO) vào việc thực hiện Luật PC HIV/AIDS và Chiến lược Quốc gia PC HIV/AIDS trong việc giảm lây nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3% vào năm 2020, giảm tác động của dịch đối với sự phát triển kinh tế – xã hội.
Mục tiêu cụ thể:
Mục tiêu 1: Cung cấp các dịch vụ dự phòng (DVDP) nhằm giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm NCMT, PNMD, MSM tại 15 tỉnh của dự án
Mục tiêu 2: Củng cố hệ thống cộng đồng nhằm nhằm tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia một cách hiệu quả và bền vững vào hoạt động PC HIV/AIDS
Mục tiêu 3: Gỡ bỏ các rào cản về mặt pháp lý nhằm tạo môi trường thuận lợi cho cho các nhóm chính tiếp cận các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV và tăng cường sự tham gia của các tổ chức KH&KT và tổ chức cộng đồng (CBO) vào công cuộc PC HIV/AIDS ở Việt Nam
Mục tiêu 1: Cung cấp DVDP nhằm giảm ty lệ lây nhiễm HIV trong các nhóm NCMT, PNMD và MSM tại 15 tỉnh của dự án
Dự án đóng góp trực tiếp vào các chỉ tiêu mà Việt nam đã cam kết với QTC trong Đề xuất về Lao và HIV/AIDS, giai đoạn 2015-2017, cụ thể như sau:
v 66.570 người NCMT, 22.880 PNMD, 46.080 MSM, được tiếp cận với với gói DVDP
1.1.Cung cấp các gói DVDP lây nhiễm HIV
Chiến lược Quốc gia PC HIV/AIDS[4] đã chỉ rõ:
– Kết hợp các biện pháp xã hội và biện pháp chuyên môn kỹ thuật y tế trên nguyên tắc phối hợp dự phòng với chăm sóc, điều trị toàn diện, trong đó dự phòng là chủ đạo
– Mở rộng phạm vi và nâng cao chất lượng các dịch vụ can thiệp giảm tác hại dự phòng cho nhóm người dễ bị lây nhiễm HIV
– Tiếp tục mở rộng phạm vi triển khai chương trình cung cấp, sử dụng bơm kim tiêm (BKT) sạch, chương trình khuyến khích sử dụng bao cao su (BCS) trong quan hệ tình dục, chương trình điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, các mô hình can thiệp dựa vào cộng đồng
– Kết hợp giữa truyền thông đại chúng với truyền thông trực tiếp. Đa dạng hóa về nội dung, phương thức thực hiện thông tin, giáo dục truyền thông đảm bảo tính thân thiện, có chất lượng, phù hợp với đặc điểm của từng nhóm đối tượng
Các biện pháp dự phòng bao gồm: Tuyên truyền, vận động, khuyến khích sử dụng BCS, BKT sạch, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế và các biện pháp can thiệp giảm tác hại khác nhằm tạo điều kiện cho việc thực hiện các hành vi an toàn.
15 tỉnh tham gia dự án là những địa phương có số lượng người thuộc nhóm chính cao, đó là: Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Nam Định, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hoá, Ninh Bình, Nghệ An, Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cần Thơ.
Nền tảng cơ bản của tiếp cận giảm tác hại là quan điểm cho rằng, các hành vi có nguy cơ cao như tiêm chích ma túy hay quan hệ tình dục không an toàn, chưa thể loại bỏ triệt để trong ngắn hạn, nên cần quan tâm giải quyết những hậu quả không mong muốn của các hành vi này.
Đặc điểm thứ hai của tiếp cận giảm tác hại là tính thực tế và hướng đến các mục tiêu ngắn hạn (ví dụ giảm hành vi không an toàn) thay vì các mục tiêu dài hạn không dễ đạt được (ví dụ loại bỏ hành vi). Vì vậy tiếp cận giảm tác hại phải dựa trên nhiều giải pháp đa dạng, bổ sung lẫn nhau và triển khai đồng bộ, thay vì chỉ dựa vào một giải pháp duy nhất.
Đặc điểm cuối cùng nhưng rất quan trọng của việc tiếp cận giảm tác hại chính là sự nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc vượt qua và xóa bỏ vị thế bên lề xã hội của các nhóm có hành vi nguy cơ cao, nhất là sự kỳ thị và phân biệt đối xử với các nhóm này. Chương trình can thiệp giảm tác hại không thể có thành công bền vững nếu như không có các biện pháp vận động chính sách hoặc các biện pháp khác để tạo ra khung pháp lý và môi trường xã hội trong đó thành viên của các nhóm dễ bị lây nhiễm HIV được công nhận đầy đủ các quyền và nghĩa vụ như những thành viên khác trong xã hội. Việc cung cấp dịch vụ y tế và xã hội cho các nhóm này không chỉ có ý nghĩa bảo vệ sức khỏe cho họ mà còn cho cả cộng đồng.
Tình hình dịch HIV/AIDS ở Việt Nam vẫn trong giai đoạn tập trung, chủ yếu ở nhóm có hành vi nguy cơ cao. Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chương trình can thiệp, trong đó áp dụng các mô hình tư vấn xét nghiệm tự nguyện nhằm phát hiện sớm các đối tượng nhiễm trong cộng đồng để sớm đưa vào chương trình chăm sóc và điều trị. Đây được coi là một trong những hướng tiếp cận hiệu quả ở Việt Nam và trên thế giới.
Truyền thông thay đổi hành vi được hiểu là biện pháp tiếp cận truyền thông ở nhiều cấp độ nhằm khuyến khích thay đổi hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV, với những thông điệp có tính định hướng hành động được chuyển đến công chúng bằng nhiều phương tiện truyền thông khác nhau, đồng thời có sư phối hợp với việc cung ứng hoặc giới thiệu các dịch vụ hỗ trợ việc thực hiện và duy trì thực hiện hành vi an toàn.
Như vậy, ngoài việc cung cấp đủ thông tin, truyền thông thay đổi hành vi còn cần chú trọng đến tạo môi trường hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi để hướng dẫn các đối tượng loại bỏ hành vi nguy cơ và thực hiện hành vi an toàn.
Truyền thông trực tiếp giữa các cá nhân giúp cho việc đưa ra các thông điệp trong khung cảnh quen thuộc với đối tượng hơn. Nó có tính tương tác cao, thường tạo được sự tin tưởng và mức độ ảnh hưởng cao với đối tượng. Truyền thông trực tiếp bao gồm các hình thức sau: nói chuyện chuyên đề, thảo luận nhóm nhỏ, tư vấn, thăm hộ gia đình
CBO sẽ cung cấp các DVDP sau cho người NCMT:
– Truyền thông thay đổi hành vi
– Phát miễn phí và khuyến khích sử dụng BKT sạch
– Khuyến khích tham gia vào chương trình Methadone
– Hỗ trợ tiếp cận xét nghiệm HIV
– Hỗ trợ tiếp cận và tuân thủ điều trị
– Khuyến khích dự phòng và điều trị viêm gan virus B và C
Nội dung chính của truyền thông thay đổi hành vi:
– Thông tin cơ bản về HIV/AIDS
– Khả năng lây nhiễm HIV khi dùng chung dụng cụ tiêm chích
– Các biện pháp giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh qua tiêm chích ma túy và quan hệ tình dục
– Lý do và lợi ích của việc xét nghiệm HIV
– Tư vấn hỗ trợ tinh thần, tâm lý cho người có kết quả xét nghiệm HIV dương tính
– Tư vấn về cai nghiện và dự phòng tái nghiện
– Vai trò của gia đình và cộng đồng trong việc giúp đỡ làm thay đổi hành vi, tìm kiếm việc làm, hòa nhập với gia đình và cộng đồng
CBO sẽ cung cấp các DVDP sau cho PNMD:
– Truyền thông thay đổi hành vi
– Phát và khuyến khích sử dụng BCS
– Khuyến khích và hỗ trợ tiếp cận xét nghiệm HIV
– Hỗ trợ tiếp cận và tuân thủ điều trị
– Khuyến khích dự phòng và điều trị các bệnh bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI)
Nội dung chính của truyền thông thay đổi hành vi:
– Thông tin cơ bản về HIV/AIDS và STI
– Nguy cơ lây nhiễm bệnh khi quan hệ tình dục không an toàn
– Tác dụng của BCS và hướng dẫn sử dụng đúng cách
– Nguy cơ lây nhiễm HIV khi tiêm chích ma túy
– Lợi ích của xét nghiệm HIV
– Tư vấn hỗ trợ tinh thần, tâm lý cho người có kết quả xét nghiệm HIV dương tính
– Vai trò của gia đình và cộng đồng trong việc giúp đỡ thay đổi hành vi, tìm kiếm việc làm, hòa nhập với gia đình và cộng đồng
CBO sẽ cung cấp các DVDP sau cho nhóm MSM:
– Truyền thông thay đổi hành vi
– Phát và khuyến khích sử dụng BCS, CBT
– Hỗ trợ tiếp cận xét nghiệm HIV/STI
– Hỗ trợ tiếp cận và tuân thủ điều trị
Nội dung chính của truyền thông thay đổi hành vi
– Nguy cơ lây nhiễm HIV/STI qua quan hệ tình dục đồng giới nam
– Các hình thức tình dục an toàn và các biện pháp giảm nguy cơ lây nhiễm
– Tác dụng của BCS, CBT và hướng dẫn sử dụng
– Lợi ích của xét nghiệm HIV/STI
– Tư vấn hỗ trợ tinh thần, tâm lý cho người có kết quả xét nghiệm HIV dương tính
– Giới thiệu chuyển tiêp tới dịch vụ chăm sóc và điều trị
Việc phân phát BCS, BKT, CBT miễn phí nhằm khuyến khích việc thực hiện các hành vi an toàn