BÀN VỀ TINH BỀN VỮNG TÀI CHÍNH CỦA CÁC TỔ CHỨC XÃ HỘI (CSO)
TRẦN TIẾN ĐỨC
CHUYÊN GIA ĐỘC LẬP
Có khá nhiều định nghĩa về tính bền vững tài chính của các tổ chức xã hội (Civil society organizations – CSO) . Trong bài này, chúng tôi sử dụng định nghĩa của tổ chức Management Systems International (MSI), theo đó: “Tính bền vững về tài chính của các tổ chức xã hội được định nghĩa như là năng lực (ability) của những tổ chức đó trong việc đảm bảo nguồn lực họ cần có để thực hiện sứ mệnh của mình trong một thời gian dài”.
Tính lâu bền trong tồn tại và hoạt động được coi là rất cơ bản để có thể góp phần làm cho xã hội chuyển biến và chuyển hóa theo hướng mở rộng dân chủ cho người dân và cho toàn xã hội.
Theo một nghiên cứu toàn cầu do MSI đã thực hiện, thì những yếu tố sau đây đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo tính bền vững tài chính của các CSO:
- Môi trường thuận lợi: trước hết để cho CSO phát triển bền vững, trong đó có sự bền vững tài chính thì khuôn khổ (cũng có thể gọi là khung hoặc môi trường) pháp lý và chính sách là cực kỳ quan trọng, không thể thiếu được, giúp cho họ hoạt động hiệu quả với sự can thiệp tối thiểu của nhà nước. Trong số những quy định luật pháp và chính sách hỗ trợ cho sự bền vững tài chính của CSO có:
- Khung pháp luật cho phép các CSO tham gia vào các hoạt động thu phí (fee-generating) như một nguồn bổ xung cho thu nhập để thực hiện sứ mạng phi lợi nhuận
- Luật về thuế cho phép miễn trừ thuế đối với CSO đối với thu nhập từ các khoản tài trợ (grant, donations v.v…) và trong một số trường hợp đối với cả thu nhập có được từ các hoạt động thu phí
- Luật về thuế cho cá nhân hoặc tổ chức hưởng lợi khi họ đóng góp cho CSO nhằm tăng nguồn lực của CSO, tăng cường mối liên hệ giữa CSO với cộng đồng, và củng cố văn hóa làm từ thiện
- Một hình ảnh tích cực đối với công chúng: kinh nghiệm cho thấy chỉ có những tổ chức nào có những hoạt động hiệu quả và có uy tín, với sự vững vàng về mặt tổ chức, có hệ thống quản trị tốt, đảm bảo sự minh bạch và trách nhiệm giải trình cao, gắn kết với cộng đồng và tạo nên sự khác biệt trong lĩnh vực họ hoạt động thì mới có khả năng thu hút thêm sự đống góp của các nhà tài trợ trong và ngoài nước và có được cơ sở quần chúng rộng rãi và bền chắc
- Kết hợp chặt chẽ và hài hòa các hoạt động cũng như việc thu hút nguồn lực ở cả cấp trung ương và cấp địa phương. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những tổ chức hoạt động trong lĩnh vực vận động chính sách, trong xu thế phi tập trung hóa và giao nhiều quyền lực hơn cho địa phương. Ngòai ra cũng cần nhấn mạnh rằng những tổ chức triển khai các hoạt động can thiệp ở cấp địa phương và cộng đồng thường nắm bắt tốt hơn nhu cầu và nguyện vọng của người dân ở cộng đồng, và nếu có những can thiệp đáp ững được những nhu cầu ấy, thì sẽ có được sự ủng hộ bền vững và rộng rãi của cộng đồng, giúp nâng cao hình ảnh của họ và thu hút sự quan tâm của các nhà tài trợ trong và ngoài nước cũng như sự đóng góp của cộng đồng
- Đa dạng hóa các nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế, đồng thời phải tập trung thu hút nguồn lực trong nước. Kinh nghiệm cho thấy tài trợ của các tổ chức quốc tế là quan trọng, nhất là trong thời kỳ đầu, khi các tổ chức CSO mới hình thành. Song mỗi tổ chức quốc tế cũng theo duổi những sư mang khác nhau, có thể thay đổi theo thời gian. Họ cũng có thể đặt những ưu tiên cho các lĩnh vực khác nhau. Do đó, CSO trong nước cần nắm rõ thong tin về các ưu tiên và lĩnh vực hoạt động của các đối tác quốc tế, để có một sách lược huy động nguồn tài trợ phù hợp. Và rất quan trọng là phải làm cho nhà nước thấy rằng đầu tư nguồn lực hoặc cho phép các CSO thu hút nguồn lực trong và ngoài nước sẽ là yếu tố đảmảo sự phát triển và sự vững mạnh của chính những lĩnh vực mà họ quan tâm.
MỘT SỐ ĐẶC TRƯNG CỦA CÁC TỔ CHỨC CSO BỀN VỮNG VỀ TÀI CHÍNH:
- Có sứ mệnh và hệ thống giá trị cũng như định hướng rõ rang, có khả năng xác định những rào cản và cơ hội trong môi trường hoạt động mang tính lâu dài và chiến lược
- Nguồn tài trợ đa dạng, bao gồm cả phần đóng góp quan trọng từ trong nước
- Nguồn tạo thu nhập đa dạng, bao gồm phí dịch vụ, phí thành viên, các hoạt động taọ lợi nhuận, tài trợ quốc tế v.v…
- Có kế hoạch về bền vững tài chính như là một phần của chiến lược phát triển và là cơ sở để đề ra các quyết định chiến lược cũng như tác nghiệp
- Có một hệ thống quản trị và tài chính phù hợp cho việc lập kế hoạch và theo dõi dữ liệu; có năng lực giám sát và đánh giá để đảm bảo hiệu quả hoạt động và hiệu quả đầu tư, đảm bảo trách nhiệm giải trình trước cộng đồng cùng các nhà đầu tư, các nhà tài trợ
- Tạo được hình ảnh tích cực qua chất lượng và tác động của các hoạt động được triển khai
- Có khả năng thu hút, quản lý và duy trì đội ngũ nhân viên và tình nguyện viên có năng lực
LÀM THẾ NÀO ĐỂ THÚC ĐẨY SỰ BỀN VỮNG VỀ TÀI CHÍNH CỦA CÁC CSO:
- Ngay từ đầu phải tạo sự quan tâm của các thành viên trong tổ chức mình về tầm quan trọng và sự cần thiết của việc đảm bảo tài chính bền vững
- Đưa thành tố bền vững tài chính vào chiến lược phát triển cũng như kế hoạch hoạt động của CSO. Định kỳ đánh giá và có những điều chỉnh phù hợp với sự thay đổi của môi trường pháp lý, môi trường chính sách và môi trường tài trợ
- Tạo một môi trường pháp lý và chính sách thuận lợi
- Đa dạng hóa các nguồn tài trợ, tăng dần nguồn tài trợ trong nước và có kế hoạch ứng phó sớm với sự rút lui của các nhà tài trợ ngoài nước
- Đa dạng hóa các nguồn thu nhập cho tổ chức mình:
- Phát triển hệ thống phí dịch vụ và các hoạt động thu lợi nhuân
- Bán các sản phẩm do mình phát triển (sách, tài liệu, tranh ảnh, các sản phẩm nghe-nhìn, T-shirt v.v…
- Thu hút các hợp đồng cung cấp dịch vụ cho nhà nước
- Tạo sự lien kết giữa các CSO hoạt động trong những lĩnh vực liên quan để tận dụng nguồn lực (cả nhân lực và tài lực cũng như nhân rộng kết quả và tầm ảnh hưởng)
Tóm lại cần đặt sự bền vững tài chính trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố khác của phát triển và duy trì các tổ chức CSO, bao gồm cả môi trường pháp lý và chính sách, thậm chí có thể coi là yếu tố quyết định. Một CSO hoạt động dưới dạng bán chính thức như nhiều CSO ở Việt nam hiện nay, khó có thể đạt được sự bền vững về tài chính.