Trang Chủ Tin tức Bão càng lớn tôi càng giữ chặt túi đựng ARV

Bão càng lớn tôi càng giữ chặt túi đựng ARV

335
0

Bão số 10 đã làm 6 người chết. Cơn bão khiến hơn 200.000 ngôi nhà ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên – Huế bị sập, tốc mái, hư hỏng, ngập. Tuy nhiên với những bệnh nhân đang điều trị HIV/AIDS, họ có thể bỏ lại nhiều thứ để đi tránh bão, nhưng túi thuốc kháng vi rút (ARV) vẫn như vật bất ly thân bởi họ hiểu rằng nếu không có thuốc ARV là sẽ chết.

Mặc dù bão đi qua nhưng tâm trạng những “Người Bạn” trong vùng ảnh hưởng bởi hoàn lưu bão Doksuri vẫn còn nặng trĩu khi họ nhìn lại những mất mát, đau thương mà họ đã chịu đựng trong những ngày trốn bão.

Chị Lê Thị K., sống ở thị xã Ba Đồn, Quảng Bình, kể qua điện thoại: “Suốt đêm 14/9, tôi không thể nhắm mắt được vì lo sợ sập nhà khi tôi nghe tiếng gió gầm rú suốt đêm từ biển thổi vào, điện cúp, điện thoại không liên lạc được và đến gần trưa ngày 15/9 tôi nghe tiếng ầm ầm của tôn vang như mìn nổ, trong nhà sáng lên, con gái tôi reo lên: mẹ ơi có điện rồi nhưng khi nhìn lên nóc nhà, tôi mới biết hai tấm tôn gần nóc đã bay. Vì thế mẹ con tôi chuẩn bị bỏ chạy”.

Ngừng một lát, chị kể tiếp: “Trên đường chạy bão. Tôi đã nghĩ rằng, chúng tôi có thể sẽ bị chết hoặc bị thương nếu tôn nhà ai đó bay xuống cứa vào đầu nhưng chúng tôi vẫn đi trong mưa bão vì không còn cách nào khác. Tìm đến nhà kiên cố lúc này để trú bão là điều khó vì nhà ai cũng đóng cửa, nhưng thà chạy vẫn hơn là ngồi ở nhà chờ chết, nhà tôi nước đã tràn vào”,

Hai mẹ con tôi bì bỏm dưới nước lần theo đường hẻm nhỏ trong xóm để ra đường chính tìm nơi trú ẩn, đường vắng bóng người qua lại. Biết tôi ước lạnh và khóc, con gái tôi cố an ủi mẹ, mẹ phải giữ gìn sức khỏe, mẹ ốm ai nuôi con, con lớn lên con làm việc có nhiều tiền để mua một căn nhà nơi cao ráo để mẹ không còn sợ bão lũ nữa.

Phải mất hơn một tiếng lội nước, cuối cùng hai mẹ con tôi gặp được một gia đình tốt bụng mở cửa đón vào. Chúng tôi ở lại đó hai ngày, được chủ nhà cho mượn quần áo khô để thay và cùng ăn uống chung với họ.

Sau khi tạm trú trong nhà người dân khoảng 4 tiếng, con gái lại động viên tôi thêm một lần nữa: “mẹ ơi mẹ quên mang theo thuốc rồi, tối nay thuốc đâu mẹ uống, mà thuốc thì vẫn còn nằm ở nhà”. Lúc này tôi cảm nhận rằng trên đời không có gì quý hơn cho bằng tình thương con. Vậy là tôi quyết định bơi về nhà tìm lại túi thuốc ARV. Nhà tôi lúc này nước đã tràn vào quá đầu gối, giường chiếu đã ngập. Rất may những viên thuốc trong hộp, tối qua sau khi uống xong tôi bọc nó cẩn thận bằng hai túi nilon đề phòng khi nước lũ dâng, khác với thường ngày tôi để nó nằm trên đầu giường ngủ nhưng tối qua tôi đã đặt nó trên bàn thờ.

Con gái tôi bị mất cha sau trận lũ năm 2013. Nhớ lại đau thương năm đó, tôi nằm bệnh viện, con gái tôi chỉ dựa vào bà ngoại, nhà chỉ còn lại hai bà cháu kéo nhau lên gác gỗ để tránh lũ. Do ở vùng thấp trũng, chỉ cần cơn mưa kéo dài hai ngày thôi là nước đã tràn vào nhà rồi, nên mọi sinh hoạt từ ăn uống cho đến vệ sinh đều diễn ra trên gác gỗ. Tháng Mười năm ngoái, mẹ chị đã về với tổ tiên để lại căn nhà có căn gác gỗ này cho chị.

Giống như chị K, anh Trần Văn D., nhà ở huyện Gio Linh, Quảng Trị là thành viên nhóm “Câu Lạc bộ Yêu Thương” kể cho chúng tôi nghe, nhà anh cũng bị tốc mái do sức mạnh của cơn bão quá khủng khiếp, bàn ghế, giường tủ trong nhà lẫn lộn với lá cây và gạch vữa.

Trước khi bão đổ bộ vào đất liền, anh D cùng hàng chục gia đình chung quanh mang theo đồ dùng cá nhân đi lánh bão, nhưng một thứ mà anh D không thể thiếu là thuốc ARV, “Bão có thể trốn tránh được nhưng thuốc thì không, bão càng lớn tôi càng giữ chặt túi đựng ARV của mình vì không có thuốc tôi sẽ chết ” anh nói.

Ngọc Giáo