Việc thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính phải được thực hiện chậm nhất là 72 giờ làm việc kể từ khi người chịu trách nhiệm thông báo kết quả xét nghiệm.
Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 04/2023/TT-BYT quy định hình thức, quy trình thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính và tiếp cận thông tin người nhiễm HIV. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 5 năm 2023.
Theo quy định tại Thông tư số 04/2023/TT-BYT, việc thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính phải được thực hiện chậm nhất là 72 giờ làm việc kể từ khi người chịu trách nhiệm thông báo kết quả xét nghiệm, nơi người bệnh nhận được phiếu kết quả xét nghiệm HIV dương tính, trừ các trường hợp sau: Người được xét nghiệm HIV không đến nhận kết quả xét nghiệm; người được xét nghiệm HIV chưa thể tiếp nhận thông tin về tình trạng nhiễm HIV dương tính của bản thân do không đủ sức khỏe, người chịu trách nhiệm thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính chọn thời gian phù hợp để thông báo cho người được xét nghiệm.
Bên cạnh đó, Thông tư số 04/2023/TT-BYT cũng quy định có 4 hình thức thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính, cụ thể: Thông báo trực tiếp và trả Phiếu cho đối tượng quy định tại điểm a và b khoản 2 Điều 30 Luật Phòng, chống HIV/AIDS; thông báo trực tiếp hoặc chuyển trả Phiếu cho các đối tượng được quy định tại điểm c, d và đ khoản 2 Điều 30 Luật Phòng, chống HIV/AIDS; chuyển trả Phiếu cho đối tượng được quy định tại điểm e và g khoản 2 Điều 30 Luật Phòng, chống HIV/AIDS; các hình thức thông báo phù hợp khác theo yêu cầu của người được xét nghiệm HIV.
Quy trình thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính đối với người được xét nghiệm
Việc thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính đối với người được xét nghiệm HIV đến khám bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện qua 5 bước. Sau khi nhận được phiếu, bộ phận xét nghiệm lưu 1 phiếu và chuyển 1 phiếu cho bác sỹ trực tiếp khám bệnh cho người được xét nghiệm HIV.
Bác sỹ trực tiếp tư vấn và trả phiếu cho người được xét nghiệm HIV hoặc chuyển Phiếu cho người được giao nhiệm vụ để tư vấn và trả phiếu cho người được xét nghiệm HIV.
Trường hợp người được xét nghiệm HIV phải vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để điều trị, bác sỹ chuyển Phiếu kèm theo hồ sơ bệnh án cho khoa, phòng nơi người xét nghiệm HIV được chuyển đến.
Người được giao nhiệm vụ của khoa, phòng nơi người được xét nghiệm HIV điều trị có trách nhiệm thông báo cho trưởng khoa, bác sỹ và điều dưỡng viên trực tiếp chăm sóc, điều trị cho người bệnh.
Trường hợp người được xét nghiệm HIV chuyển sang cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác thực hiện như sau: Chuyển để điều trị HIV/AIDS thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuyển Phiếu cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp nhận người bệnh; chuyển để điều trị các bệnh khác và thực hiện các biện pháp kỹ thuật chuyên môn y tế thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 6 Thông tư này.
Trường hợp người được xét nghiệm HIV là người dưới 18 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, việc thông báo và trả phiếu được thực hiện như sau: Việc thông báo và trả phiếu được tiến hành đồng thời cho người dưới 15 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và cha, mẹ hoặc người giám hộ, người đại diện của người đó; việc thông báo, trả phiếu và tư vấn cho người được xét nghiệm từ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi được thực hiện trước khi thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính cho cha, mẹ hoặc người giám hộ, người đại diện của người đó.
Hình thức, quy trình tiếp cận thông tin người nhiễm HIV
Hình thức tiếp cận thông tin người nhiễm HIV
Theo quy định mới, có 3 hình thức tiếp cận thông tin người nhiễm HIV gồm: Đọc trực tiếp trên hồ sơ bệnh án của người bệnh, Phiếu kết quả xét nghiệm HIV dương tính, hệ thống quản lý thông tin (giám định bảo hiểm y tế của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, y tế hoặc HIV/AIDS) và trên các hồ sơ, tài liệu khác có thông tin người nhiễm HIV; nhận thông tin bằng văn bản; hình thức tiếp cận thông khác tin phù hợp với đối tượng, phạm vi, nội dung thông tin được tiếp cận.
Quy trình tiếp cận thông tin người nhiễm HIV
Người đề nghị tiếp cận thông tin người nhiễm HIV có văn bản đề nghị cơ quan, đơn vị quản lý thông tin người nhiễm HIV phù hợp với đối tượng, phạm vi, nội dung thông tin được cung cấp. Trường hợp người đề nghị tiếp cận thông tin người nhiễm HIV quy định tại điểm d khoản 3 Điều 30 của Luật Phòng, chống HIV/AIDS phải được sự đồng ý của người nhiễm HIV bằng văn bản.
Cơ quan, đơn vị quản lý thông tin người nhiễm HIV xem xét và có văn bản đồng ý tiếp cận thông tin người nhiễm HIV phù hợp với đối tượng, phạm vi, nội dung thông tin được cung cấp và hình thức cung cấp thông tin.