Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, tỉ lệ nhiễm vi rut viêm gan B (HBV) chiếm 10%-20% tổng dân số.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, tỉ lệ nhiễm vi rut viêm gan B (HBV) chiếm 10%-20% tổng dân số. Tỉ lệ đồng nhiễm HBV ở người sống chung với HIV cũng vào khoảng 10%. HBV có thể lây truyền từ mẹ sang con, giữa các thành viên trong gia đình và qua quan hệ tình dục. Bệnh viêm gan B mạn tính có thể điều trị bằng thuốc nhưng rất tốn kém. Vì thế, nên vận động tiêm phòng viêm gan B ở trẻ em và ở người nghiện chích ma túy.
Viêm gan C là nhiễm vi rut HCV ở gan, dễ lây lại chưa có vac-xin dự phòng. Nhiễm HCV xuất hiện trên toàn thế giới với khoảng 130-170 triệu người bị nhiễm mạn tính. Tại Việt Nam, điều trị viêm gan C có chi phí rất cao, chưa được phổ biến rộng rãi. Mặc dù có những tiến bộ khoa học và nghiên cứu chuyên sâu đang dẫn đến sự phát triển của nhiều loại thuốc kháng vi rut mới, dạng uống để điều trị viêm gan C nhưng với các nước có nguồn lực hạn chế không dễ gì tiếp cận được.
Vi rút viêm gan B và C thường xảy ra sau khi được truyền máu hoặc các sản phẩm máu của người nhiễm bệnh, các thủ thuật y tế có dùng dụng cụ chưa được tiệt trùng, đặc biệt là những người nghiện chích ma túy sử dụng bơm kim tiêm chung nhiễm HBV và HCV. Hai loại vi rut này là nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh xơ gan và ung thư gan cho hàng trăm triệu người. Trước những thách thức trên, WHO đã quyết định lấy ngày 28-7 hàng năm là ngày Viêm gan Thế giới nhằm thúc đẩy các hành động cụ thể hướng tới việc ngăn ngừa và kiểm soát các bệnh viêm gan
Một công trình nghiên cứu của Đặng Văn Khoát, Lê Văn Khánh, Đặng Anh Tuấn và Đào Tố Nga báo cáo ở Hội nghị Khoa học lần thứ 2 của Sở Y tế Hà Nội tháng 9.2014 cho thấy tính cấp bách của viêm gan C và đồng nhiễm viêm gan C, viêm gan B với HIV ở người nghiện chích ma túy (NCMT). Trong học viên tại các Trung tâm 06 và Công trường 06 tại các tỉnh Bắc Kạn, Tuyên Quang và Hòa Bình năm 2012, trên 300 học viên được chọn mẫu trong tổng số học viên đang chữa bệnh tại các cơ sở trên, tỉ lệ hiện nhiễm HIV là 12,0%, tỉ lệ hiện nhiễm viêm gan B là 13,3% , và tỉ lệ hiện nhiễm viêm gan C tới 77,3%.
Trên thế giới đã có nhiều công trinh nghiên cứu về về ván đề này. Nghiên cứu của Thorpe LE, Lawrence và cộng sự về Nhiễm HCVch biết tỷ lệ hiện nhiễm, yếu tố nguy cơ và dự phòng nhiễm trùng cơ hội ở thanh niên NCMT ở Chicago” phát hiện những người có tiền sử NCMT từ 1 đến 4 năm có nguy cơ nhiễm HCV cao gấp 3 lần và những người có tiền sử NCMT từ 4 năm trở lên có nguy cơ nhiễm HCV cao gấp 10 lần so với những người có thời gian NCMT dưới 1 năm.
Ở Việt Nam, năm 2004, Vũ Minh Quân, Vivian F. Go và cộng sự đã thực hiện nghiên cứu Nguy cơ nhiễm HIV, HBV và HCV trong nam giới nghiện chích ma túy ở miền Bắc Việt Nam: nghiên cứu bệnh – chứng. Nghiên cứu đã điều tra dựa vào cộng đồng, phỏng vấn và xét nghiệm cho 309 người NCMT, ghép 128 cặp HIV(+) và HIV (-); 65 cặp HCV (+) và HCV (-); 50 cặp HBV(+) và HBV (-). Kết quả cho thấy tỉ lệ nhiễm HIV rất cao là 42,4%; nhiễm HBV là 80.9% và nhiễm HCV là 74.1%.
Năm 2006-2007, Nguyễn Thị Tuyết Vân, Phạm Hùng Vân và cộng sự đã thực hiện nghiên cứu về tình hình nhiễm vi rut HCV trên người NCMT tại trại tạm giam Dak Trung, Gia Trung và Trung tâm giáo dục lao động xã hội của Tây Nguyên trên 369 người NCMT. Nghiên cứu qua phỏng vấn và xét nghiệm cho thấy tỉ lệ nhiễm HIV tới 24.6%; nhiễm HCV là 61.5%; nhiễm HBV là 13.3%.Trong nghiên cứu nhiễm HCV ở người NCMT, Vũ Thị Tường Vân đã tiến hành trên 803 người sử dụng ma túy đến khám tại Bệnh viện Bạch Mai trong thời gian hai năm từ 2008 -2010. Kết quảcho thấy tỷ lệ người NCMT nhiễm HCV rất cao: 64,3% trường hợp có antiHCV (+); 66,7% (68/89) trường hợp có HCV-RNA (+), trong số đó có tới 54,4% trường hợp có tải lượng virut trên 106 copies/ml. Nhiễm HCV tập trung chủ yếu ở lứa tuổi trên 30 trong đó tỷ lệ nhiễm HCV ở độ tuổi từ 30-39 là 68,3%. Nguy cơ nhiễm HCV xuất hiện rất sớm, ngay năm đầu tiên tiêm chich và cao nhất ở nhóm đối tượng sử dụng ma túy trên 3 năm
Nghiên cứu của Đặng Văn Khoát và CS cho thấy tiêm chích ma túy là yếu tố chủ chốt làm lây nhiễm các bệnh qua đường máu. Nhiều yếu tố như dùng chung bơm kim tiêm, thời gian tiêm chích ma túy, loại ma túy cũng tham gia vào việc làm lan truyền các bệnh qua đường máu cho người NCMT. Nghiên cứu của Lorna và cộng sự tại Chicago cho thấy những người có thời gian NCMT từ 1-4 năm có nguy cơ nhiễm HCV cao gấp 4 lần so với người NCMT dưới 1 năm. Nhiều dữ liệu khác cũng đưa ra nhận xét cho rằng những người NCMT là đối tượng nhiễm HCV lớn nhất.
Tóm lại, đồng nhiễm viêm gan C, với viêm gan B và HIV là vấn đề bức xúc cần được phổ biến rộng rãi trong các tổ chức cộng đồng. Ngoài các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV như tiêm chích an toàn, tình dục an toàn, cần vận động các biện pháp đồng bộ như giảm bớt uống rượu và tiêm phòng viêm gan B, phát hiện sớm các bệnh này ở các bạn bị nhiễm HIV và những bạn nghiện chích ma túy.
Đặng Anh Tuấn