Trang Chủ Tin tức Sự kiện BẢO HIỂM Y TẾ: GIẢI PHÁP ĐIỀU TRỊ LÂU DÀI CHO...

BẢO HIỂM Y TẾ: GIẢI PHÁP ĐIỀU TRỊ LÂU DÀI CHO NGƯỜI NHIỄM HIV/AIDS

97
0

Bảo hiểm y tế (BHYT) là giải pháp tài chính bền vững trong chăm sóc sức khỏe cho người dân. Ðối với những người nhiễm HIV/AIDS, BHYT càng trở nên quan trọng trong việc bảo đảm cho họ được tiếp cận các dịch vụ khám, chữa bệnh

Bảo hiểm y tế (BHYT) là giải pháp tài chính bền vững trong chăm sóc sức khỏe cho người dân. Ðối với những người nhiễm HIV/AIDS, BHYT càng trở nên quan trọng trong việc bảo đảm cho họ được tiếp cận các dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB) khi các nguồn tài trợ kinh phí cho hoạt động này bị cắt giảm mạnh. Tuy nhiên, với nhiều nguyên nhân, đến nay nhiều người nhiễm HIV chưa được tiếp cận và điều trị bằng nguồn kinh phí từ BHYT.

Ông Ðặng Thuần Phong Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốchội, cho biết: BHYT đang được xem là một giải pháp tài chính bền vững nhằm duy trì hoạt động điều trị HIV/AIDS khi thách thức về nguồn lực tài chính bị cắt giảm trong thời gian tới. Ước tính, tổng nhu cầu kinh phí cho công tác phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2014-2020 là 24.547 tỷ đồng. Trong đó, 3.301 tỷ đồng cho công tác truyền thông, 7.200 tỷ đồng cho công tác giảm hại, 12.625 tỷ đồng cho công tác điều trị… Theo tính toán, chúng ta chỉ có thể huy động được 11.216 tỷ đồng, mới đáp ứng 45,7% nhu cầu của giai đoạn 2014-2020. Khảo sát của Cục phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, số lượng người bệnh HIV/AIDS có thẻ BHYT hiện chỉ chiếm 15% tùy theo từng địa phương, tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ bình quân người có thẻ bảo hiểm y tế trong cộng đồng.. Trong tổng số người nhiễm HIV/AIDScó 51,9% thuộc nhóm đối tượng nghèo, 18,9% thuộc nhóm cận nghèo và giải pháp của ngành y tế từ chỗ chỉ trông chờ vào nguồn hỗ trợ của tổ chức quốc tế sẽ chuyển sang lồng ghép vào hệ thống y tế và sử dụng ngân sách trong nước, nhất là BHYT. Bà Dương Thúy Anh, Trưởng phòng Tài chính Cục phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho rằng: Việc người nhiễm HIV phải bỏ chi phí ra mua BHYT sẽ khiến họ có trách nhiệm hơn trong việc tuân thủ đúng phác đồ điều trị. Như vậy, sẽ tránh được tình trạng bỏ điều trị và sẽ giảm được nguy cơ nhờn thuốc và cũng tránh cho người bệnh không phải chuyển sang phác đồ điều trị cao hơn và tốn kém hơn nhiều.

Tại Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm triển khai hoạt động dự án giữa các tổ chức dựa vào cộng đồng và các đơn vị thực hiện dự án tại Hà Nội đầu tháng 9 vừa qua vấn đề tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh liên quan đến HIV là chủ đề được các đại biểu thảo luận rất sôi nổi, bên cạnh những thuận lợi thì những vấn đề nảy sinh luôn là những băn khoăn cho những người cần đến dịch vụ này. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng việc người nhiễm HIV tiếp cận với dịch vụ hết sức khó khăn, khi mua bảo hiểm, địa phương yêu cầu phải có hộ khẩu, khai báo tạm trú tạm vắng, bảo hiểm y tế quá cao, khi khám STD không được bảo hiểm chi trả, khi đi khám còn phải xếp hàng rất mất thời gian.Số lượng người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế chiếm 15% họ không sẵn sàng sử dụng thẻ, chưa biết cách sử dụng, số khác không biết mua ở đâu. Bà Lê Thị Hoa, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Hiện nay, 90% kinh phí cho công tác phòng, chống HIV/AIDS được các tổ chức quốc tế tài trợ, song dự kiến đến năm 2018 thì các nguồn viện trợ này sẽ bị giảm mạnh. Nếu chúng ta không có những chính sách ứng phó phù hợp và kịp thời thì người nhiễm HIV sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu thuốc điều trị, thiếu khả năng chi trả cho những xét nghiệm chẩn đoán cơ bản trong điều trị…”. Còn theo bác sĩ Nguyễn Xuân Thiệu, phụ trách Phòng khám ngoại trú người lớn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh thì việc người nhiễm HIV tuân thủ phác đồ điều trị, tuân thủ việc sử dụng thuốc kháng vi rút (ARV) là rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới sự sống còn của người bệnh. Bởi vì, nếu người nhiễm HIV đang dùng phác đồ bậc 1 mà không tuân thủ điều trị thì sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc đang sử dụng và buộc phải chuyển sang phác đồ bậc 2. Khi đó, người bệnh sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị tác dụng phụ của thuốc và áp lực về tài chính lớn hơn. Thêm nữa, người bệnh sẽ phải đối mặt với nguy cơ hết phác đồ điều trị, nhất là khi không tuân thủ uống thuốc phác đồ bậc 2 vì hiện ở nước ta mới chỉ có phác đồ bậc 2.

Đại diện nhóm CBO (Hà Nội) Tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm triển khai hoạt động dự án giữa các tổ chức cộng đồng và các đơn vị thực hiện dự án tại Hà Nội đầu tháng 9 cho biết : “Hiện nay, đa phần các hội viên có điều kiện khó khăn, lại đang được khám và cấp phát thuốc điều trị miễn phí. Chỉ khi họ có những bệnh không liên quan tới HIV/AIDS thì mới phải đi bệnh viện và trả viện phí thôi. Mặt khác, khi sử dụng BHYT, người bệnh e ngại vì bị lộ danh tính. Chính vì vậy nên ý thức mua BHYT của mọi người chưa cao, họ thường thờ ơ với việc này”.

Điều 40 Luật Phòng, chống HIV/AIDS quy định: Người đang tham gia BHYT bị nhiễm HIV được Quỹ BHYT chi trả các chi phí khám, chữa bệnh; Bộ Y tế cũng đã có văn bản quy định danh mục thuốc kháng HIV do BHYT chi trả. Như vậy, Luật BHYT không phân biệt người nhiễm HIV/AIDS với người mắc bệnh khác và người nhiễm HIV/AIDS tham gia BHYT sẽ được hưởng chế độ và được chi trả giống như các bệnh khác. Điều đó có nghĩa là, tham gia BHYT người nhiễm HIV sẽ giảm được chi phí trong điều trị HIV. Hiện nay, các loại thuốc trong phác đồ điều trị cho người nhiễm HIV đều có trong danh mục thuốc BHYT do Bộ Y tế quy định, gồm cả thuốc ARV.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, để người nhiễm HIV được tham gia BHYT toàn diện các cấp có thẩm quyền cần hoàn thiện hệ thống hướng dẫn thanh toán chi phí KCB BHYT đối với người nhiễm HIV/AIDS, sửa đổi khoản 10, 12 Ðiều 23 Luật BHYT để không hạn chế việc chi trả dịch vụ điều trị HIV/AIDS và ban hành gói dịch vụ điều trị HIV/AIDS chi trả từ nguồn BHYT. Song song với giải pháp nói trên, cần củng cố hệ thống tổ chức dịch vụ điều trị HIV/AIDS như thành lập cơ sở điều trị ARV đặt tại các bệnh viện để quản lý và điều trị ngoại trú người bệnh AIDS; bảo đảm tính bền vững và đáp ứng đủ điều kiện để BHYT thanh toán. Ðối với người bệnh nặng, sẽ được nhập viện và điều trị nội trú như các bệnh thông thường khác. Ðồng thời, tiến tới phải thành lập cơ sở điều trị ARV đặt tại trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước để có đủ điều kiện ký hợp đồng với BHYT. Cần xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn KCB BHYT đối với người nhiễm HIV/AIDS như đăng ký KCB tại tuyến huyện, xã, không phân biệt địa giới hành chính trong địa bàn cấp tỉnh để người nhiễm HIV có thể đăng ký KCB BHYT ban đầu tại bệnh viện nơi có phòng khám HIV/AIDS. Ðáng chú ý, cần triển khai đồng bộ, mạnh mẽ các giải pháp thực hiện Ðề án tiến tới BHYT toàn dân theo Quyết định 538/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện BHYT toàn dân, nghĩa là chúng ta đã mở rộng đối tượng tham gia BHYT. Như vậy, có nhiều người tham gia BHYT thì sẽ có sự chia sẻ, cân bằng được mức độ thu chi bảo hiểm. Ngoài ra, việc thực hiện điều chỉnh mức đóng BHYT theo lộ trình thích hợp sẽ giúp ích cho người nhiễm HIV sử dụng BHYT trong điều trị HIV/AIDS.

V.Anh