Trang Chủ Tin tức Tâm sự và chia sẽ BẦU BÍ THƯƠNG NHAU

BẦU BÍ THƯƠNG NHAU

148
0

Báo cáo xong phần của mình, tôi cũng không ngờ trong  1 năm qua bản thân đã làm được nhiều việc đến như vậy.

Báo cáo xong phần của mình, tôi cũng không ngờ trong  1 năm qua bản thân đã làm được nhiều việc đến như vậy. Để giúp các hộ ông bà đang chăm sóc trẻ mồ côi do AIDS có thêm thông tin, kiến thức giữ gìn sức khỏe và chăm sóc các trẻ tốt, tôi đã thực hiện 877 lượt vãng gia/40 hộ gia gia đình ông bà; 218 lượt ông bà được nhận hỗ trợ dinh dưỡng; 20 trẻ được nhận đồ dùng học tập; 26 trẻ nhận chăn ấm; 11 ông bà được kết nối vay vốn (10 triệu/1 hộ); 78 lượt ông bà được nhận các dịch vụ phúc lợi xã hội và dịch vụ y tế miễn phí; và 4 trẻ mồ côi do AIDS làm được giấy khai sinh để đi học….

060-2015-bau-bi-thuong-nhau

Tôi vẫn còn nhớ mãi ngày đầu tiên tham gia Dự án: “Hỗ trợ ông bà chăm sóc trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại Hải Phòng, Việt Nam” của Trung tâm HHCSC thực hiện tại quận Hồng Bàng,  tôi vô cùng lo lắng. Đi vãng gia tôi mới biết các ông bà lại vất vả và gặp nhiều khó khăn đến thế. Trong số các gia đình tôi đã đến thăm, tôi luôn day dứt và bị ám ảnh với hoàn cảnh của gia đình bà N.T.H. Gặp đúng lúc gia đình đang ăn cơm, tôi chứng kiến cảnh hai vợ chồng già cùng 03 đứa cháu ngoại còn quá nhỏ: cháu lớn  06 tuổi, cháu thứ hai 04 tuổi và đứa bé nhất mới 10 tháng tuổi. Bữa cơm chỉ có nước mắm và bát canh rau cải. Đứa bé được bà bế trong lòng để mớm cơm với canh rau cải.

Tôi hỏi: “Sao cháu bé thế mà bà đã cho cháu ăn cơm nhai sớm vậy?”. Bà H. ngậm ngùi trả lời:  “nhà tôi vậy sao đủ tiền lo cho cháu uống sữa, ăn cơm sớm cho chắc dạ cô ạ!”. Tôi hỏi : “mẹ của các cháu đâu rồi bà?” . Bà đưa mắt nhìn vào góc nhà, từ đó tôi nghe có tiếng rên đau đớn của ai đó, Đến gần,  tôi  thấy cô con gái bà đang nằm co quắp, người gầy như bộ khung xương, trông rất thương tâm. Vừa bón cơm cho cháu,  bà vừa từ từ kể: Con gái bà tên T. là mẹ của 3 đứa trẻ này. Trước đây chị T. là bí thư chi đoàn của khu phố rất tích cực và được mọi người trong khu phố yêu quý. Năm 2009 chị được người quen giới thiệu kết hôn với 1 người Hàn Quốc. Những tưởng gia đình bà sẽ được mở mày mặt ai dè số phận thật nghiệt ngã. Cuộc hôn nhân mới được 02 tháng thì T. bị chồng, gia đình chồng ngược đãi và có nguy cơ bị bán vào ổ mại dâm.Thấy vậy T. đã vội vàng bỏ trốn về Việt Nam, không kịp mang theo giấy tờ tuỳ thân. Khi về nước vì mặc cảm và xấu hổ, T. bỏ đi phiêu bạt khắp nơi, bị kẻ xấu lôi kéo vào con đường ma túy và bán dâm rồi bị nhiễm HIV. T đã không may có thai và sinh ra 3 cháu gái mà chẳng xác định được bố của các cháu là ai. 

Nói đến đây bà ngậm ngùi kể tiếp: Mỗi lần con gái trở dạ sinh cháu là bà lại khóc hết nước mắt và cầu trời, khấn phật che chở cho đứa trẻ không bị lây bệnh từ mẹ của chúng. Tôi nhìn 3 đứa trẻ mà dưng dưng nước mắt, tôi kéo cháu thứ 2 vào lòng để bón cho con bé ăn. Tôi hỏi “sức khỏe của chi T. hiện nay thế nào rồi, sao bà không cho chị đi bệnh viện?”

Bà H lại nước mắt lưng tròng nói: “Trong nhà chẳng có gì đáng giá mà bán, vay thì chắng ai dám cho vay, tôi và ông ấy già rồi cũng cố gắng đi làm thuê để kiếm được bữa rau bữa cháo. Thôi thì nó làm nó chịu, bây giờ tôi chỉ lo cho mấy đứa trẻ vô tội này  thôi. Điều tôi lo lắng nhất là hiện nay các cháu chẳng có giấy tờ gì, đứa lớn đã đến tuổi đi học rồi nhưng chưa có giấy khai sinh nên không được đi học. Đã mấy lần tôi lên phường hỏi thủ tục nhưng họ nói không có đủ giấy tờ thì không làm được. Đi lại nhiều lần mà không được nên tôi cũng nản. Mẹ các cháu ốm nặng nằm đó, mê  sảng chẳng nhớ được gì, tất cả các giấy tờ đều đã mất hết, kể cả giấy chứng sinh”.

Tôi về báo cáo lại và sau đó cùng Ban quản lý tổ chức buổi Đối thoại cộng đồng với chủ đề: “Chính sách – Pháp luật và cuộc sống” và mời bà H. tham dự. Bà trực tiếp giao lưu với cán bộ Sở tư pháp và được cán bộ tư pháp giải thích: do chị T. khi kết hôn với người chồng Hàn Quốc nên địa phương đã cắt hộ khẩu của chị, khi trở về chị lại không có giấy tờ tùy thân.  Khi sinh con chị lại đánh mất giấy chứng sinh nên việc làm giấy khai sinh cho 3 cháu bây giờ cũng mất nhiều thời gian. Điều đáng nói là chị vẫn còn sống nhưng lại không thể tự đi làm các thủ tục cho con. Thời gian đó tôi và bà H. đã chở nhau  lên phường, lên quận, lên thành phố nhiều lần… Đến nay bà H đã hân hoan lên phường nhận giấy khai sinh cho 3 cháu của mình, sung sướng bà chạy thẳng về nhà tôi, bà nói trong nước mắt: “Cô H ơi đúng là có dự án nên 3 cháu của tôi có giấy khai sinh để đi học rồi, các cháu không phải là trẻ vô gia cư nữa rồi. Tôi cám ơn các cô nhiều lắm. Đúng là bầu bí thương nhau, nếu không có tình thương, sự chia sẻ của cộng đồng và xã hội thì không biết gia đình tôi sẽ ra sao?  

Trong thời gian tham gia hoạt động tôi có rất nhiều kỷ niệm vui, buồn cùng với các ông bà và trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Tôi rất mong khi đọc được bài chia sẻ này, mỗi chúng ta hãy sống có trách nhiệm hơn và để không có những hoàn cảnh thương tâm như hoàn cảnh của 3 cháu trong câu chuyện này.

 

                                                                                   KC Phượng Hồng