Trang Chủ Tin tức Bình Dương: Tập huấn về “Không phát hiện = Không lây truyền”

Bình Dương: Tập huấn về “Không phát hiện = Không lây truyền”

Ngày 18/11/2019, tại Bình Dương với sự tài trợ của tổ chức CDC Hoa Kỳ, Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Bình Dương tổ chức khoá tập huấn truyền thông về Không phát hiện = Không lây truyền (K=K) cho phóng viên báo chí nhân viên y tế và nhân viên hỗ trợ cộng đồng.

30
0

Khai mạc lớp tập huấn, BS. Vương Thế Linh – Phó Trưởng khoa Quản lý điều trị (Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Bình Dương) đánh giá cao sự hợp tác, hỗ trợ, đồng hành của các đơn vị báo chí, truyền thông, các nhân viên y tế cũng như nhân viên hỗ trợ cộng đồng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS trong những năm qua cũng như vai trò của các nhà báo và truyền thông đại chúng trong phòng, chống HIV/AIDS nhất là trong truyền tải kiến thức mới về phòng, chống HIV/AIDS đến cộng đồng trong đó có thông điệp Không phát hiện = Không lây truyền.

Bs Nguyễn Thanh Liêm  đến từ Tổ chức HAIVN là Giảng viên của lớp tập huấn cho biết: một người nhiễm HIV được điều trị ARV khi có tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện sẽ vừa bảo vệ sức khoẻ cho người sống chung với HIV và không làm lây truyền HIV sang bạn tình. Tải lượng vi rút không phát hiện được định nghĩa là khi có dưới 200 bản sao/ml máu. Đây là thông điệp mang hy vọng cho người người nhiễm HIV cùng với bạn tình và gia đình họ. Nếu người nhiễm HIV được điều trị ARV sớm, hiệu quả và liên tục cho phép họ sống lâu, khỏe mạnh, không phải lo lắng về việc lây truyền HIV cho bạn tình. BS Liêm cũng cho biết: Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong trong các hoạt động K=K do đã sớm đưa các phát hiện này vào các chính sách và chương trình quốc gia. Việt Nam được đánh giá là có tỷ lệ ức chế virus HIV thuộc hàng cao nhất thế giới. Ngày 06/9/2019, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong các nước PEPFAR ban hành Hướng dẫn truyền thông về K=K cùng kế hoạch triển khai Chiến dịch K=K trên toàn quốc.

Thông điệp K=K cũng giúp cho việc kỳ thị và xa lánh người sống chung với HIV trong cộng đồng sẽ giảm hoặc không còn nữa vì mọi người biết rằng người sống chung với HIV sẽ không lây nhiễm HIV khi họ đạt được và duy trì tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện.

Tại lớp tập huấn, Thạc sĩ, BS Đặng Thị Nhật Vinh – Tổ chức Hợp tác vì sự Phát triển Y tế Việt Nam (HAIVN) cũng đã chia sẻ với các học viên về diễn biến tự nhiên của virus HIV, cho thấy những yếu tố ảnh hưởng tới việc lây nhiễm và tốc độ tiến triển của bệnh, qua đó cho thấy lợi ích của xét nghiệm sớm, điều trị sớm và tuân thủ điều trị ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.