Trang Chủ Tin tức “Bố Chiêu” – Người đàn ông hết lòng cưu mang bệnh nhân...

“Bố Chiêu” – Người đàn ông hết lòng cưu mang bệnh nhân AIDS

Người ta gọi người đàn ông đó với cái tên trìu mến “Bố Chiêu” – Người đàn ông đã tận tụy hỗ trợ những bệnh nhân đầu tiên sống chung với HIV tại Bình Dương, từ chăm sóc, ăn uống, tìm người thân đến mai táng...âm thầm lặng lẽ, bền bỉ trong suốt 27 năm qua.

21
0

“Tôi nghĩ mình có duyên phận với những mảnh đời này”
Ông Thượng Văn Chiêu kể, ông bắt đầu gắn với những mảnh đời bất hạnh từ năm 1992. Đó là lúc mẹ ông bị bệnh nặng, phải nhập viện và nằm ở Khoa Nhiễm – Bệnh viện đa khoa Bình Dương. Trước những cảnh bệnh nhân không có người thân hoặc bị người thân xa lánh hắt hủi, ông đã không ngần ngại giúp đỡ họ từ việc mua cơm, tự tay cho người bệnh ăn, đến tắm rửa, giặt quần áo, giúp họ đi vệ sinh…
Năm 1993, khoa Nhiễm bệnh viện đa khoa Bình Dương có ca bệnh AIDS đầu tiên. “Tôi không thể tả hết sự hoảng loạn của gia đình bệnh nhân và cả đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng nơi đây khi có sự hiện diện của bệnh nhân này”, ông Chiêu kể.
Thấy mọi người kỳ thị, phân biệt đối xử với bệnh nhân AIDS, nhiều đêm ông Chiêu trằn trọc không ngủ vì suy nghĩ. Ông nói: “Và rồi tôi mạnh dạn tìm cách tiếp cận, gần gũi bệnh nhân AIDS”. Những ngày sau đó, Khoa Nhiễm ngày càng có thêm nhiều bệnh nhân AIDS mắc các bệnh cơ hội như lao, ghẻ lở… cần nhiều người giúp đỡ nên việc làm của những người như ông Chiêu được khuyến khích.
Bà Nguyễn Kim Tuyết, vợ ông Chiêu, công tác tại khoa Nhiễm bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương tâm sự: “Thấy anh Chiêu tốt bụng, tuy không họ hàng ruột thịt gì với bệnh nhân mà thương yêu, chăm lo cho bệnh nhân chu đáo, tôi thấy quý, rồi thương ảnh. Tôi nghĩ đối với người dưng mà anh còn thương như vậy, chắc làm vợ ảnh còn thương nhiều hơn…”. Và tình yêu ấy đã kết trái vào năm 1997.
Từ đó, ông Chiêu có thêm một trợ thủ đắc lực trong việc chăm sóc bệnh nhân bất hạnh. Đầu năm 2002, ông Chiêu che thêm mái nhà, đặt thêm chiếc giường và bắt đầu đem người bệnh về nhà trông nom. Hầu hết bệnh nhân đều là những người bị người thân ruồng bỏ, hoặc là người vô gia cư, người xa quê đi làm ăn không nơi nương tựa.

“Tôi xem họ như người thân của mình”
Tôi đến nhà “Bố Chiêu” một ngày cuối năm, cánh cổng được che kín bằng tán lá hoa giấy. Bố Chiêu khoe một vườn cây cảnh trước nhà đến cổng hoa giấy đều là của những đứa “con” mà ông đem về nuôi dưỡng tặng cho. Mỗi chậu cây, mỗi gốc hoa đều gắn liền với 1 kỉ niệm, 1 con người. Ông hào hứng khoe “Gốc hoa giấy phủ hết cái cổng là của 1 người con Nam Định, khi được tôi chăm sóc đến khỏe lại thì ở với tôi giúp đỡ tôi cùng chăm sóc những người bệnh khác trong một thời gian dài, trước khi trở lại quê nhà, nó tặng gốc hoa giấy này làm kỉ niệm. Đến giờ nó vẫn hay gọi điện hỏi thăm và chúc Tết hằng năm”. Ông tâm sự “Tôi xem họ như chính người thân của mình, chỉ cần nhìn thấy sức khỏe của tụi nó khá hơn là tôi cảm thấy vui và hạnh phúc lắm”
Anh Nguyễn T.T (34T, Quảng Bình) cũng được ông Chiêu mang về chăm sóc tận tình trong suốt 1 năm trời cho biết: “Bố Chiêu quan tâm và lo lắng như con cái trong nhà vậy, tôi từng nghiện chích ma túy 6 năm trời nên chắc bị lây nhiễm HIV từ bạn chích, lúc về ở với ông, không kìm lòng được nên đã tái nghiện, Bố Chiêu giận lắm, đuổi tôi ra khỏi nhà, thế mà rồi cũng lại đi tìm tôi về rồi khuyên răn tôi. Cảm động trước tình cảm của một người dưng giành cho mình như thế, tôi quyết định cai nghiện cho được. Giờ thì khỏe mạnh rồi, đi làm rồi, lâu lâu về thăm bố, thấy ổng vẫn khỏe, vẫn vui vì làm việc ích cho đời. Tôi cảm thấy cảm phục con người ấy”
Gần 30 năm gắn bó với nghề, nhiều lần ông Chiêu vui mừng, hạnh phúc vì bệnh nhân hồi phục, xuất viện về với gia đình. Những cũng không ít lần ông phải chứng kiến những bệnh nhân do mình chăm sóc không vượt qua được căn bệnh mà tìm đến cái chết như một sự giải thoát.
“Những lúc chứng kiến bệnh nhân qua đời, dù rất buồn, nhưng cũng tự an ủi bản thân là đã làm tốt nhiệm vụ, bổn phận của một người chăm sóc tại nhà, để lấy lại tinh thần thép và tiếp tục chăm sóc những người bệnh khác đang cần mình”, ông Chiêu nói.
“Tôi biết HIV không dễ lây như thế!”
Bắt đầu từ công việc chăm sóc, tắm rửa cho bệnh nhân AIDS mà không cần công cụ bảo hộ như găng tay, khẩu trang trước sự ngỡ ngàng của mọi người, ông đã cảm hóa được những bệnh nhân AIDS, giúp họ tự tin hơn khi gần gũi với ông. Ông Chiêu giải thích: “Không phải tôi liều mạng, mà do tôi biết chắc rằng tay tôi không bị vết thương hở thì chắc chắn sẽ không bị lây nhiễm.
Cũng từ thực tế gần 10 năm trực tiếp chăm sóc, tắm rửa cho người bệnh mà không bị lây nhiễm, ông Chiêu đã khiến người khác phải thay đổi cách nghĩ, bệnh AIDS không dễ lây lan và cũng không quá kinh khủng.
Ông Chiêu cho biết: “Những người mắc căn bệnh này thường bị gia đình bỏ bê và cộng đồng kỳ thị nên 10 người mắc bệnh họ đều muốn tự tử cả. Tôi đưa họ về nhà, khơi lại tình cảm bằng chính sự quan tâm chăm sóc, để họ định tâm trở lại, chấp nhận sống chung với bệnh tật và sống có ích”.
“Người mắc bệnh HIV/AIDS thì vấn đề về tinh thần và ý chí người bệnh quan trọng lắm. Nếu họ chán nản, bỏ ăn, cơ thể sẽ suy kiệt thì bệnh càng thêm trầm trọng. Khi họ vào mình phải tư vấn động viên, an ủi và chú ý chế độ dinh dưỡng cho họ. Với bệnh nhân HIV/AIDS thì động viên để họ có tinh thần còn tốt hơn cả thuốc nữa”, ông Chiêu đúc kết kinh nghiệm của mình.
Tính từ khi tiếp cận ca bệnh nhân đầu tiên đến nay, ông Chiêu đã đưa được 10 bệnh nhân AIDS nặng về quê hoặc mai táng. Chăm sóc, nuôi dưỡng cho khoảng 60 bệnh nhân và đến các bệnh viện chăm lo cho hàng trăm bệnh nhân khác.
Những kỷ niệm với bệnh nhân HIV/AIDS
Tâm lý của bệnh nhân HIV thường không ổn định, nhiều người từng có ý định tự tử để giải thoát cho mình, ông Chiêu hằng ngày gần gũi tâm sự, chia sẻ để bệnh nhân từ bỏ ý định tìm đến cái chết. Nhưng đôi khi ông cũng gặp rắc rối, Nguyễn T., bệnh rất nặng có nguyện vọng được đưa về đoàn tụ với gia đình ở phường Phú Cát (TP Huế). Để thỏa mãn ước nguyện của T., ông Chiêu phải bán chiếc xe gắn máy, mượn thêm tiền của vợ, hợp đồng xe cấp cứu giá 11 triệu đồng để đưa T. về với gia đình. Về đến nơi, em của T. không những không cảm ơn mà còn hỏi: “Anh tôi đi làm bao nhiêu năm nay tài sản của anh tôi đâu hết rồi?”.
Còn trường hợp của Y., ông Chiêu phải dùng số tiền dành dụm mấy tháng trời hơn 3 triệu đồng đưa về Nam Định. Vừa tới nhà Y., ông Chiêu bị bố Y. mắng té tát: “Mày đưa con tao đi làm gì bao nhiêu năm nay, đến khi nó thân tàn ma dại mày mới đưa nó về?”. Không chỉ mắng mỏ, bố Y. còn dùng gậy đánh ông Chiêu gục ngã giữa sân. Chỉ khi công an đến, rồi Y. giải thích, bố Y. mới hiểu. Do bị đánh, 3 ngày sau ông Chiêu vẫn còn khạc ra máu tươi. Những lúc làm ơn, mắc oán như vậy, chính vợ ông đã động viên giúp ông lấy lại sự cân bằng.
Bao năm ông Chiêu “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, không làm ra tiền để phụ giúp gia đình, nhưng khi được hỏi về chồng, bà Tuyết nói: “Chồng mình làm phước là để tích đức cho con cháu, chứ có sinh tật nhậu nhẹt, gái gú đâu mà mình rầy la”.
Ông Thượng Văn Chiêu tâm sự: “Những ngày đầu, khi hàng xóm biết ông Chiêu đưa bệnh nhân AIDS về nhà bà con đều kỳ thị, xa lánh không chỉ với bệnh nhân mà cả với gia đình tôi. Sau một thời gian thấy gia đình sống chung với bệnh nhân AIDS mà không ai bị làm sao thì họ đã dần dần thay đổi định kiến. Hiện những người hàng xóm của ông cũng rất quan tâm đến người nhiễm HIV/AIDS. Những khi gia đình đi vắng, có món ngon họ sẵn sàng mang đến cho bệnh nhân. Tôi nghĩ không chỉ giúp bệnh nhân được khỏe mạnh hơn, mà giúp bà con láng giềng, những người còn đang sợ hãi với căn bệnh này có thể hiểu, đồng cảm và không còn kì thị nữa. Như thế chẳng phải rất tốt sao”.

Bố Chiêu – Người đàn ông “vác tù và hàng tổng” cùng bệnh nhân AIDS trong suốt 27 năm qua.