Ngày 24/9/2013, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy và mại dâm, Bộ Y tế phối hợp tổ chức Hội thảo “Tăng cường sự tham gia và hiệu quả hoạt động của các tổ chức xã hội trong việc thực hiện chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS”.
Tham dự co ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy và mại dâm.
Phát biểu ý kiến tại Hội thảo, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả như kiểm soát tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong công đồng dân cư dưới 0,3%, giảm liên tiếp trong 3 năm liền về số người nhiễm mới, triển khai chương trình Methadone hiệu quả. Tuy nhiên, chúng ta cũng đang đứng trước các thách thức không nhỏ như dịch có nguy cơ lan rộng sang cộng đồng những người ít có nguy cơ hoặc nguy cơ thấp, yêu cầu nguồn lực cho phòng, chống HIV/AIDS ngày càng cao cho cả dự phòng, chăm sóc và điều trị cũng như giảm thiểu tác động tiêu cực của HIV/AIDS đến phát triển xã hội, trong khi đó nguồn lực quốc tế có chiều hướng suy giảm.
Ông Đặng Vũ Minh – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam
Trước tình hình đó, Phó Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác xã hội hóa và huy động cộng đồng tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS cần được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả. Các tổ chức xã hội phát huy hơn nữa vai trò của mình trong việc làm chuyển đổi nhận thức của cộng đồng, thực hiện tốt truyền thống, thay đổi hành vi, cung cấp các dịch vu dự phòng, chăm sóc hỗ trợ điều trị; gắn phòng, chống HIV/AIDS với phát triển cộng đồng, xóa đói, giảm nghèo… Các tổ chức xã hội cần nâng cao năng lực, kết nối những mạng lưới để có sự liên kết và hỗ trợ lẫn nhau cùng tháo gỡ khó khăn về tài chính, đầu tư; tận dụng dịch vụ của các tổ chức xã hội để tiến tới thực hiện những mục tiêu của Chiến lược phòng, chống HIV/AIDS, phòng chống tệ nạn ma túy, góp phần đẩy lùi HIV/AIDS, thực hiện có hiệu quả mục tiêu “Ba không: không người nhiễm mới, không người chết vì AIDS, không kỳ thị và phân biệt đối xử” mà Việt Nam đã cam kết với nhân dân và cộng đồng quốc tế.
Phó Thủ tướng khẳng định, những kết quả hoạt động của các tổ chức xã hội, nhất là trong tiếp cận và đưa dịch vụ đến các nhóm dễ bị tổn thương và khó tiếp cận, điều mà các tổ chức Nhà nước khó có thể thực hiện. Các hoạt động của các bạn đã được ghi nhận trong báo cáo của Chính phủ Việt Nam cho Liên hiệp quốc. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt trong thời gian qua cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối với các Bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, điều phối các tổ chức phi chính phủ triển khai thực hiện những hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng có hiệu quả.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Đặng Vũ Minh – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh: Theo đánh giá của các cơ quan hữu quan, tình hình dịch HIV/AIDS tại Việt Nam hiện nay vẫn trong giai đoạn tập trung, với tỷ lệ người nhiễm cao, nhất là trong những người tiêm chích ma túy, phụ nữ hoạt động mại dâm và nam tình dục đồng giới. Nhưng trong thời gian tới, công cuộc phòng, chống HIV.AIDS của chúng ta sẽ gặp nhiều thách thức với việc duy trì sự bền vững của các kết quả đã đạt được khi các nhà tài trợ giảm nguồn lực đầu tư vào Việt Nam. Cũng theo dự báo, đến năm 2015, tiêm chích ma túy và quan hệ tình dục không an toàn là đường lây nhiễm HIV chủ yếu tại Việt Nam. Vì vậy, sự tham gia của các tổ chức xã hội và tổ chức dựa vào cộng đồng là một trong những chiến lược tích cực, quan trọng nhất trong công tác phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS.
Ông Nguyễn Thanh Long – Thứ trưởng Bộ Y tế
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, các tổ chức xã hội và các tổ chức dựa vào cộng đồng là lực lượng không thể thiếu đối với công cuộc phòng, chống HIV/AIDS, bởi vì họ là người trực tiếp đưa các dịch vụ, kiến thức về HIV/AIDS đến cộng đồng dân cư. Những hoạt động này hiện đang mang lại nhiều kết quả khả quan, hiệu quả. Đến nay, các tổ chức xã hội đã và đang tham gia ngày càng tích cực hơn trong ứng phó với HIV, đặc biệt trong can thiệp trực tiếp ở cộng đồng, cung cấp các dịch vụ và vận động chính sách.
Cũng tại Hội Thảo, các đại biểu đã được nghe và thảo luận rất nhiều vấn đề như cập nhật về tình hình dịch HIV/AIDS tại Việt Nam, chiến lược huy động nguồn lực và vai trò của các tổ chức xã hội trong ứng phó với dịch HIV/AIDS ở Việt Nam; giới thiệu Chiến lược tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; trình bày của Quỹ Toàn cầu: Tháo gỡ các khó khăn nhằm tăng cường tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS; chính sách xã hội hóa của Đảng và Nhà nước trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; giới thiệu mô hình hoạt động của VNGO trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; như thế nào được coi là một mô hình thành công trong phòng, chống HIV/AIDS – Cơ hội cho sự tham gia của các tổ chức xã hội trong các chương trình phòng, chống HIV; sự phát triển của hệ thống cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS.
Thanh Băng – Theo http://www.vusta.vn