Các tổ chức xã hội và tổ chức dựa vào cộng đồng thời gian qua đã góp phần không nhỏ trong việc thực hiện công tác an sinh xã hội, trợ giúp người yếu thế, đặc biệt là trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Tuy nhiên, hiện nay các tổ chức này vẫn còn đang gặp nhiều “rào cản”, đối diện với nhiều khó khăn, thách thức.
Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, Trang tin điện tử Tiếng Chuông-Trang tin của UBQG phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy mại dâm có buổi trao đổi với TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS).
Xin bà cho biết ý kiến đánh giá về vai trò của các tổ chức xã hội, tổ chức cộng đồng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS hiện nay?
- Khuất Thu Hồng: Theo tôi, các tổ chức xã hội, tổ chức cộng đồng đóng vai trò rất quan trọng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS nói riêng, cũng như sự phát triển của xã hội nói chung. Các tổ chức này là những đơn vị trực tiếp làm việc với người dân ở cộng đồng, nhóm bị tổn thương là người nhiễm HIV/AIDS, những người nguy cơ cao nhiễm HIV (người tiêm chích ma túy, nam quan hệ đồng giới, phụ nữ bán dâm…). Việc này giúp giảm gánh nặng cho hệ thống nhà nước khi các tổ chức có thể tiếp cận trực tiếp được với đối tượng đích.
Chẳng hạn như đối với người bán dâm, họ hiểu được cuộc sống, cách sinh hoạt và biết cách tiếp cận với đối tượng đích là phụ nữ bán dâm như thế nào để cho phù hợp nhất. Theo tôi họ có thể thực hiện công việc này dễ dàng hơn cán bộ nhà nước khi muốn tiếp cận làm việc trực tiếp với đối tượng này. Vì vậy, tôi cho rằng các tổ chức này chính là cánh tay đắc lực hỗ trợ cho nhà nước trong công việc triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong những năm vừa qua.
Thực tế cho thấy, chương trình phòng chống HIV/AIDS thời gian qua đã thu được nhiều thành quả trong đó có sự đóng góp của các tổ chức xã hội và hệ thống mạng lưới tổ chức cộng đồng. Các tổ chức này cũng đã hoạt động, phát triển lớn mạnh trong thời gian vừa qua.
Có ý kiến cho rằng, nhiều rào cản từ pháp lý, môi trường đến tài chính khiến các tổ chức xã hội, tổ chức cộng đồng hoạt động kém hiệu quả, thiếu bền vững. Bà có nhận xét gì về ý kiến này?
- Khuất Thu Hồng: Đó là những khó khăn cơ bản mà tổ chức xã hội và các tổ chức cộng đồng gặp phải trong quá trình hoạt động của mình. Nếu xét về mặt pháp lý, có thể nói những rào cản pháp lý đối với các tổ chức này đã và đang dần dần được gỡ bỏ. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn còn một số vấn đề cần được cải thiện trong thời gian tới. Chẳng hạn, việc để cho các tổ chức cộng đồng là những nhóm người dễ bị tổn thương (người nhiễm HIV, tiêm chích ma túy, lao động tình dục…) có được tư cách pháp nhân là việc rất khó khăn. Ngay cả các tổ chức xã hội khi muốn thành lập cũng gặp khó khăn trong vấn đề này. Nếu không có tư cách pháp nhân thì họ sẽ không được hoạt động chính danh và khó tiếp cận được với nguồn lực huy động về tài chính, cũng như là những hỗ trợ từ chính quyền, cộng đồng. Điều này làm hạn chế sức mạnh của họ, hạn chế kết quả trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nói riêng và phát triển xã hội nói chung.
Về mặt tài chính, có 2 vấn đề chúng ta cần lưu tâm. Đó là, ngân sách nhà nước hiện nay chưa có nguồn riêng cho các tổ chức xã hội, các tổ chức cộng đồng để có thể đóng góp trực tiếp vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Mặc dù trong những năm gần đây đã có những chương trình, hoạt động dự án thu hút được sự tham gia đóng góp dịch vụ của các tổ chức này. Tuy nhiên, chính thức thì vẫn chưa có nguồn nào, điều này khiến các tổ chức này cảm thấy mình chưa được quan tâm nhiều và gặp khó khăn trong các hoạt động.
Vấn đề nữa là, Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình khiến cho các tài trợ quốc tế giảm mạnh, có thể sẽ không còn nữa trong những năm tới. Mà chủ yếu từ trước đến nay, các nguồn cho hoạt động của các tổ chức xã hội, tổ chức cộng đồng dựa vào nguồn quốc tế. Trong tình trạng này, chúng tôi cảm thấy rất lo lắng cho tương lai của các tổ chức xã hội và tổ chức cộng đồng trong thời gian tới. Vì vậy, theo tôi cần có những điều chỉnh để các tổ chức này có thể nhận được ngân sách nhà nước để cung cấp các dịch vụ.
Vấn đề thứ ba là, những nguồn tài trợ quốc tế hiện nay mang tính chất là những nguồn từ thiện, đóng góp từ người dân, các quỹ từ thiện dành cho các tổ chức xã hội, tổ chức cộng đồng tại nước đó, hoặc cho Việt Nam. Ở Việt Nam chúng ta chưa có những quỹ như vậy, mặc dù ở Việt Nam đã có rất nhiều mạnh thường quân đóng góp cho các hoạt động xã hội khác, nhưng chưa có hỗ trợ cho các tổ chức xã hội, cộng đồng trong công tác phòng chống HIV/AIDS. Đây là các vấn đề về tài chính cần lưu tâm, làm sao có thể thay đổi, cải thiện trong thời gian sắp tới để huy động được sức mạnh của các tổ chức xã hội, tổ chức cộng đồng.
Ngoài ra, sự ghi nhận của nhà nước đối với các tổ chức xã hội, tổ chức cộng đồng rất quan trọng. Nếu được ghi nhận thì các tổ chức sẽ tự tin, tích cực và sáng tạo hơn để có nhiều đóng góp hơn trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS nói riêng và phát triển xã hội nói riêng.
Ngoài các rào cản liên quan pháp lý và tài chính, một số ý kiến cho rằng các tổ chức xã hội hiện cũng đang gặp phải những rào cản liên quan đến môi trường hoạt động, trong đó là thái độ “thiếu lòng tin” về hoạt động của tổ chức xã hội. Theo bà cần phải làm gì để xóa bỏ rào cản này?
- Khuất Thu Hồng: Mặc dù sự ghi nhận của nhà nước, chính phủ đối với những đóng góp của các tổ chức xã hội, cộng đồng càng ngày càng rõ rệt hơn. Tuy nhiên, sự “thiếu lòng tin” vẫn còn ở chỗ này chỗ khác. Tư cách pháp nhân của một số tổ chức xã hội, cộng đồng hạn chế tính chính danh do chưa có tư cách pháp nhân. Đôi khi nhiều người thắc mắc các tổ chức này từ đâu mà ra, được phép hay không, có được ghi nhận hay không, nên sự phối hợp bị hạn chế, làm cho các tổ chức này cảm thấy thiếu tự tin, không được khuyến khích.
Theo tôi, vấn đề cải thiện môi trường pháp lý rất quan trọng để làm sao có nhiều tổ chức xã hội, nhiều tổ chức cộng đồng được thừa nhận hơn để họ tự tin hoạt động, và cảm thấy mình được đối xử bình đẳng.
Hiện nay, viện trợ nước ngoài đang đóng góp phần lớn cho ngân quỹ hoạt động của tổ chức xã hội Việt Nam.Vậy các tổ chức xã hội có gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn viện trợ từ các tổ chức nước ngoài? Theo bà cần làm gì để giải quyết khó khăn?
- Khuất Thu Hồng: Việc tiếp cận nguồn viện trợ nước ngoài trong những năm gần đây giảm đáng kể. Điển hình như Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) ngoài dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS thì gần đây ISDS có phối hợp với QuỹChăm sócSức khỏe AIDS Hoa Kỳ (AHF) hỗ trợ cho dự án xét nghiệm HIV. Trong tình trạng hiện nay nhiều tổ chức khác cũng đang gặp khó khăn và tôi nghĩ thời gian tới sẽ càng ngày càng khó khăn hơn.
Theo tôi, đã đến lúc Việt Nam cần đứng trên đôi chân của mình, chính phủ và cộng đồng cần dành ra nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Tôi biết Chính phủ đã dành ra nguồn lực này khi những hỗ trợ quốc tế giảm đi, chẳng hạn như trước đây chúng ta có nguồn viện trợ rất lớn từ Chính phủ Hoa Kỳ và các nguồn khác nữa, nhưng sắp tới Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng chống HIV/AIDS (PEPFAR) sẽ không còn nữa, Quỹ Toàn cầu và các dự án rồi cũng sẽ kết thúc trong thời gian gần.
Chính phủ thời gian qua đã có những ứng phó kịp thời, nhưng tôi nghĩ xã hội cần phải có những đóng góp, nhận thức được vấn đề. Chẳng hạn, lập ra quỹ từ thiện, như tại một số nước. Theo tôi khu vực tư nhân tại Việt Nam có thể hình thành những quỹ như vậy, không chỉ để hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS mà còn hỗ trợ các vấn đề khác nhằm phát triển xã hội.
Bên cạnh đó, nhận thức của cộng đồng cũng rất quan trọng, do đó cần phải tăng cường công tác truyền thông, mỗi cá nhân cần nâng cao nhận thức nhằm huy động sự tham gia đóng góp của toàn cộng đồng, hỗ trợ về tinh thần, hỗ trợ về tài chính, hành chính và pháp lý từ nhà nước giúp từng bước tháo gỡ những rào cản, khó khăn cho các tổ chức cộng đồng.
Xin trân trọng cảm ơn bà!
Thùy Chi