Trung tâm Nâng cao Chất lượng Cuộc sống (LIFE) là một tổ chức xã hội với sứ mệnh nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và cộng đồng dễ bị tổn thương thông qua nghiên cứu, tập huấn và thực hiện các chương trình hiệu quả, tác động cao và có thể duy trì bền vững. Từ khi được thành lập dưới Liên hiệp các Tổ chức Khoa học và Kỹ thuật (VUSTA) vào ngày 01/08/2017, LIFE hoạt động trên lĩnh vực xây dựng năng lực cộng đồng, chăm sóc sức khỏe, dự phòng HIV/AIDS và cải thiện chất lượng cuộc sống công nhân.
Bên cạnh sự phát triển của xã hội, phương tiên truyền thông đại chúng đa phương tiện cũng phát triển nhanh và mạnh. Tuy nhiên, vẫn có nhiều bộ phận dân số chưa tiếp cận được, hoặc chưa cảm thấy quan tâm, đến thông tin và công nghệ hiện đại giúp dự phòng và chăm sóc liên quan đến HIV/AIDS. Các tổ chức cộng đồng (Community-based Organizations/ CBO) do LIFE điều phối đã tư vấn dự phòng, xét nghiệm sàng lọc HIV và hỗ trợ kết nối với cơ sở y tế cho hơn 150.000 lượt người có hành vi nguy cơ nhiễm hoặc lây truyền HIV như nam quan hệ tình dục đồng giới, phụ nữ chuyển giới, nam và nữ lao động tình dục, nam và nữ tiêm chích ma túy, và người đang sống chung với HIV. Tỉ lệ phát hiện ca nhiễm HIV mới từ các dự án của LIFE đóng góp từ 40% đến 60% tổng ca nhiễm HIV được tìm thấy ở các tỉnh LIFE hoạt động.
Để có được những thành quả trên, LIFE đã áp dụng hiệu quả và triệt để mô hình can thiệp dựa vào cộng đồng – Một cách thực hiện Dân chủ Cơ sở trong chương trình HIV/AIDS.
“Dễ ngàn lần, không dân cũng chịu.
Khó vạn lần, dân liệu cũng xong.”
“Dân”
“Dân” ở đây chính là những người có nhiều yếu tố nguy cơ nhiễm HIV hơn những người khác – đó là những người tiêm chích ma tuý, mại dâm, nam có quan hệ tình dục đồng giới và người chuyển giới. Dự án mà Life đang can thiệp muốn giúp “dân”: 1/ Nếu đã bị nhiễm HIV thì làm thế nào để có chất lượng cuộc sống tốt hơn và không lây lan HIV ra bên ngoài và 2/ Nếu không bị nhiễm thì làm thế nào để vẫn giữ mãi âm tính (tức không bị nhiễm HIV).
“Dân liệu”
Không ai ngoài dân biết được họ đang ở đâu, làm gì, hiểu được họ có những khó khăn và mong muốn gì. “Liệu” chính là sự trao quyền chủ động cho dân tự lên kế hoạch can thiệp cho chính nhóm của mình. Dân tự nghĩ ra làm thế nào tiếp cận được với dân, “rủ” họ thay đổi hành vi nguy cơ, tự xét nghiệm cho dân để giúp họ biết được tình trạng nhiễm HIV của chính mình và cả giúp dân tiếp cận với dịch vụ y tế khi cần. Dân với dân, thực sự là gần gũi, đồng cảm và sẻ chia. Dân với dân, không quản ngại ngày đêm, không một lời phán xét. Dân với dân, thực sự là sát sao, đem đến công bằng và bình đẳng cho chính dân của mình. Như một lực hút vô hình, các CBO do dân đang dẫn dắt, tự tụ họp với nhau ngày càng đông và đang làm một sứ mệnh quan trọng cho chính họ và cho cộng đồng: CHẤM DỨT DỊCH AIDS.
“Dân làm được”
Làm “quan” thì chức cao, vọng trọng, học thức và thật ra “Mấy ai được làm quan!”. Trong khi đó, làm “dân” thì muôn dạng sắc màu và nhiều đếm không xuể. Các ý nghĩa của cuộc sống và các hoạt động can thiệp được dân trao nhau từ trái tim đến trái tim. Nếu chỉ dừng tại đó thì các hoạt động chỉ mang tính tự phát, sự lan toả vừa yếu, vừa chậm. Do vậy, hỗ trợ xây dựng thể chế và nâng cao năng lực cho dân về quản lý và phát triển nhóm, kỹ năng lập kế hoạch hoạt động, kỹ năng sử dụng và quản lý tài chính, kỹ năng theo dõi và giám sát chất lượng của chương trình, kiến thức và kỹ năng truyền thông về HIV và cả những kỹ năng “thời thượng” như ứng dụng công nghệ để tăng hiệu quả trong can thiệp… là cách giúp “dân” làm tốt hơn công việc của mình. Với một hành trình dài vất vả và kiên trì, “dân” đã thay mặt “quan” chăm sóc cho chính cộng đồng mình một cách hiệu quả, đa dạng, có chiến lược. Các hoạt động do dân dẫn dắt ngày càng có uy tín đến nỗi: nhà tài trợ muốn trao quyền mạnh mẽ hơn cho dân, các đơn vị y tế cũng muốn kết hợp với dân, còn dân thì yêu quý dân nhất rồi! Rõ ràng việc gì giao cho dân, biết cách hỗ trợ dân, thì mọi thứ “Dân liệu cũng xong”.
“Dân làm tốt”
Dân của dự án quá đa dạng và luôn chịu nhiều kỳ thị và phân biệt đối xử bởi những định kiến của xã hội, bởi những lần vấp ngã mà đôi lúc chính gia đình của họ cũng không thể chấp nhận. Vậy làm sao xã hội có cái nhìn rộng mở hơn với dân? Tiếng nói của dân có mấy ai chịu nghe? Việc làm của dân có bao nhiêu người tin? Bỏ qua ngoài tai tất cả và chúng tôi giúp dân làm lại từ đầu, từ những việc nhỏ nhất. Gầy dựng lòng tin và xây dựng lại hình ảnh: đúng giờ, đúng hẹn, nói thật, làm thật, sống thật với chính mình, đoàn kết một lòng, tạo mạng lưới và kết nối cùng nhau, tham gia các diễn đàn, đối thoại v.v. Cứ thế… kiên trì, nhẫn nại… Dần dần, cả “dân” và “quan” ngày càng xích lại gần nhau, hiểu nhau và hỗ trợ nhau tốt hơn. Dân đã được làm, dân yên tâm làm và dân có niềm tin vào chính mình. Quan rất hoan hỉ vì thấy dân ngày càng thay đổi, có trách nhiệm hơn với chính mình, với gia đình và xã hội. Và một sự thật được nhìn nhận rằng “Dân là người đầu tiên và cũng là người cuối cùng chịu ảnh hưởng của dịch HIV/AIDS. Nếu không có dân tham gia, sẽ không chấm dứt được dịch AIDS”.
Trung tâm LIFE và các tổ chức cộng đồng – Những người đang thực hiện chương trình HIV/AIDS cảm nhận sâu sắc về câu nói của Bác Hồ “Lấy dân làm gốc”.
Nhìn lại chặng đường hơn 10 năm phát triển với sứ mệnh thúc đẩy và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và cộng đồng dễ bị tổn thương, Trung tâm LIFE cảm thấy tự hào đã gầy dựng một “hệ sinh thái cộng đồng” có năng lực và xây dựng tính cam kết cao để cùng đồng hành trong nỗ lực chăm sóc sức khỏe, kiểm soát dịch HIV, nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng và người lao động dễ bị tổn thương, góp phần vào phát triển một Việt Nam khỏe mạnh và năng động. Để kiểm soát dịch HIV/AIDS bền vững, nhà nước cần tiếp tục tạo điều kiện để các tổ chức cộng đồng có thể phát huy hết năng lực và đóng góp sáng kiến, công sức một cách hiệu quả nhất.