Một trong những tổ chức quốc tế “góp mặt” đầu tiên cho công cuộc phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam phải kể tới đó là Tổ chức CARE Quốc tế, với “thương hiệu” phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc. Tiếp đó là iệc nâng cao năng lực cho các Nhóm Tự lực và hỗ trợ người nhiễm, chăm sóc trẻ nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
Một trong những tổ chức quốc tế “góp mặt” đầu tiên cho công cuộc phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam phải kể tới đó là Tổ chức CARE Quốc tế, với “thương hiệu” phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc. Tiếp đó là việc nâng cao năng lực cho các Nhóm Tự lực và hỗ trợ người nhiễm, chăm sóc trẻ nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
CARE đồng hành trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS
CARE tham gia vào hoạt động phòng, chống HIV/AIDS sớm nhất tại Việt Nam, ngay sau khi phát hiện ca nhiễm HIV đầu tiên. Năm 1996, CARE bắt đầu tiến hành một loạt nghiên cứu, điều tra nhóm lái xe đường dài, công nhân mỏ than, công nhân làm đường… và triển khai dự án “Đương đầu với HIV/AIDS” tại một số mỏ than Quảng Ninh. Ban đầu dự án khó tiếp cận do người nhiễm còn rất e ngại, giấu bệnh, mặc cảm. Nhưng với sự kiên trì phổ biến kiến thức, nên dần dần họ cũng nhận thức và nhiệt tình ửng hộ. Tiếp đó, CARE mở rộng đối tượng can thiệp, nâng cao nhận thức cho nhóm cán bộ y tế địa phương.
Năm 2000, được sự phối hợp của UNICEF, CARE bắt đầu hỗ trợ nâng cao năng lực cho các nhóm Tự lực, đầu tiên là các câu lạc bộ (CLB) Đồng cảm tại một số phường của thành phố Hạ Long, Quảng Ninh. Về sau, các mô hình này được học tập và nhân rộng tại nhiều phường, xã, địa phương khác trong cả nước. Năm 2003, CARE thực hiện một nghiên cứu về sự tham gia của người nhiễm HIV và đã đưa ra được bằng chứng rằng, người nhiễm HIV sẽ hoạt động tốt hơn nếu họ được trao quyền nhiều hơn. Phát huy khả năng này, CARE đã hỗ trợ tiếp một số tỉnh, thành trọng điểm như Hải Phòng, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Cần Thơ, thành phố Hồ Chí Minh thành lập các Nhóm Tự lực, với kinh phí khoảng 5000 USD/nhóm. Từ các CLB này đã xuất hiện nhiều cá nhân xuất sắc, điển hình như Anh hùng Châu Á Phạm Thị Huệ (CLB Hoa Phượng Đỏ, Hải Phòng)…
Trong tất cả các hoạt động, CARE đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao năng lực tổ chức cho các nhóm: Từ việc tổ chức nhân sự, quản lý tài chính đến việc thiết lập hệ thống, khả năng thông tin, tiếp cận cộng đồng, trao đổi thông tin giữa các nhóm. Đồng thời, CARE cũng tạo dựng cho họ một khả năng tiếp cận với các khoản tài trợ cũng như kỹ năng quản lý dự án, nhóm, từ đó xây dựng được uy tín, đảm bảo sự bền vững trong các hoạt động. Tóm lại, quan điểm của CARE là cho họ cần câu hơn là cho con cá. Làm sao cho các nhóm có một khả năng bài bản, toàn diện, mỗi cán bộ dự án hay trưởng nhóm có thể điều hành dự án, nhóm như một công ty nhỏ, tổ chức nhỏ…
Hiện CARE đang hỗ trợ cho nhóm “Vì ngày mai tươi sáng Hà Nội”, giới thiệu và cung cấp văn phòng phẩm cho các công ty, doanh nghiệp, vừa tăng cường thu nhập cho các thành viên, vừa đảm bảo nguồn vốn cho nhóm hoạt động. Nhóm cũng đã mở một cửa hàng làm dịch vụ chuyển phát nhanh, photocopy, bán văn phòng phẩm tại số 352 Ngọc Thụy-Long Biên-Hà Nội. Không chỉ thế, CARE còn hỗ trợ vốn cho rất nhiều bạn ở Quảng Ninh nuôi ngọc trai, hải sản; mua một tàu nhỏ chở khách du lịch; xây dựng lò sấy tôm xuất khẩu sang Trung Quốc… nhằm phát triển kinh tế gia đình.
Các hoạt động hỗ trợ của CARE tập trung vào 3 mảng chính là: Dự phòng cho người có hành vi nguy cơ cao (nữ bán dâm, người tiêm chích ma túy, lao động tự do…); Chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS và Bảo vệ trẻ em nhiễm HIV/AIDS được hưởng dịch vụ y tế và giáo dục. Cụ thể, vận động gia đình, địa phương để trẻ được đến trường; hỗ trợ học phí, phương tiện (xe đạp, sách vở, bút mực…); cung cấp dinh dưỡng để cải thiện và nâng cao sức khỏe cho trẻ (gạo, sữa) và hỗ trợ tâm lý, kỹ thuật nuôi trẻ cho người bảo trợ trẻ; tổ chức các cuộc vui chơi (cắm trại, picnic, thi vẽ tranh…). Đồng thời còn phối hợp với các CLB, cơ quan phòng, chống HIV/AIDS tổ chức nhiều sự kiện nhằm kêu gọi hỗ trợ từ cộng đồng, các nhà hảo tâm ủng hộ trẻ em nhiễm HIV và trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV.
20 năm làm việc vì người nhiễm HIV/AIDS, mục đích mà CARE vẫn đang hướng tới là nhằm nâng cao hơn chất lượng chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS, trẻ em nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS ở Việt Nam, giảm nhẹ những tiêu cực trong cuộc sống, nâng cao vai trò của họ trong xã hội.
(Nguồn : Trung tâm PC HIV/AIDS Hà Nội)
Vân Anh