Tham dự cuộc họp có TS. Phạm Lê Tuấn, Chủ tịch CCM Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cùng các thành viên CCM Việt Nam.
Về phía Cục Phòng, chống HIV/AIDS có PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cùng đại diện các phòng chuyên môn của Cục;
Đại diện Ban Quản lý Dự án VUSTA – Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS có TS. Phạm Nguyên Hà – Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật tham dự.
Về phía Quỹ Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét có ông Olivier Cavey – Cán bộ Quản lý Chương trình Quỹ Toàn cầu Việt Nam.
PGS.TS. Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS
phát biểu tại Hội nghị
Thay mặt Ban quản lý các dự án phòng, chống HIV/AIDS do Quỹ Toàn cầu hỗ trợ, bà Dương Thu Hằng, Điều phối viên Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế đã trình bày quá trình xây dựng đề xuất dự án giai đoạn 2024-2026 và nội dung đề xuất dự án phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam. Các nội dung đề xuất dựa trên những hướng dẫn ưu tiên của Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét cũng như Chiến lược quốc gia kết thúc dịch bệnh AIDS ở Việt Nam đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt. Nội dung đề xuất cũng dựa trên sự cân đối hài hòa nguồn lực do PEPFAR hỗ trợ trong thời gian tới.
TS. Phạm Nguyên Hà – Phó Giám đốc Dự án đã trình bày đề xuất giai đoạn 2024-2026
Thay mặt Ban Quản lý Dự án VUSTA – Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS có TS. Phạm Nguyên Hà đã trình bày đề xuất của VUSTA cho giai đoạn 2024-2026 với 03 mục tiêu cụ thể gồm: (1) Cung cấp các can thiệp dựa vào cộng đồng có tính sáng tạo và hiệu quả tại 17 tỉnh/thành phố của dự án nhằm giảm đáng kể các ca nhiễm HIV mới và loại trừ các lây nhiễm HIV trong số các nhóm đối tượng chính của dự án, bao gồm nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ, người tiêm chích ma túy và phụ nữ bán dâm; (2) Củng cố và tăng cường các hệ thống cộng đồng để ứng phó linh hoạt và bền vững đối với dịch HIV/AIDS: và (3) Đẩy mạnh việc hoàn thiện và thực thi khung pháp luật và chính sách nhằm tăng cường việc tiếp cận các dịch vụ y tế một cách công bằng và thuận lợi. Tổng ngân sách đề xuất cho giai đoạn 2024-2025 là 6,5 triệu USD.
Tại hội nghị, các thành viên CCM cũng đã dành nhiều thời gian thảo luận về đề xuất cho giai đoạn tới. Tất cả các thành viên CCM đều đánh giá cao sự chuẩn bị công phu của Nhóm chuẩn bị dự án về phòng, chống HIV/AIDS, các đề xuất cho giai đoạn tới đã bám sát Chiến lược phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam cũng như các hướng dẫn của Quỹ Toàn cầu. Mục tiêu của đề xuất, các hoạt động cũng như kinh phí đề xuất cơ bản hợp lý.
Toàn cảnh hội nghị
Trước khi kết thúc cuộc họp, các thành viên CCM biểu quyết và 100% đã đồng ý với dự thảo đề xuất và đề nghị các đơn vị chỉnh sửa theo các góp ý của các thành viên CCM tham dự cuộc họp.
Năm 2010, hưởng ứng lời kêu gọi nộp đề xuất vòng 9 của Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét (QTC) và thực hiện cam kết nêu ra trong đề xuất vòng 9, Ban Điều phối Quốc Quỹ Toàn cầu (CCM) Việt Nam đã quyết định đệ trình lên QTC đề xuất dự án phòng, chống HIV/AIDS gồm 2 cấu phần: cấu phần do các Cơ quan chính phủ thực hiện và cấu phần do các tổ chức xã hội và cộng đồng thực hiện.
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã được CCM Việt Nam chấp nhận là cơ quan đại diện cho các tổ chức xã hội Việt Nam tham gia xây dựng đề xuất trình QTC và là đơn vị tiếp nhận tài trợ phụ (SR) mà Bộ Y tế là đơn vị nhận viện trợ chính trong giai đoạn 2011-2015, thể hiện sự chuyển biến mạnh mẽ về vai trò của các tổ chức xã hội trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS theo chủ trương xã hội hóa của Đảng và Chính phủ. Dự án được triển khai tại 10 tỉnh, thành phố với tổng kinh phí là 9.207.559 USD.
Tiếp nối thành công từ giai đoạn 1, VUSTA được tín nhiệm trở thành cơ quan tiếp nhận tài trợ chính của Quỹ Toàn cầu giai đoạn từ tháng 07/2015 đến nay với tên chính thức là Dự án VUSTA – Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS. Dự án đã triển khai qua nhiều giai đoạn (2015-2017; 2018-2020 và 2021-2023) tại 15 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Nam Định, Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Thái Bình, Nghệ An, Nha Trang, TP. HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương và Đồng Nai. Theo yêu cầu của Quỹ Toàn cầu, mỗi quốc gia chỉ có một đề xuất chung cho lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS, do vậy du là đơn vị nhận tài trợ chính thức nhưng Dự án VUSTA – Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS vẫn cùng chung đề xuất với Dự án phòng, chống HIV/AIDS thuộc Bộ Y tế. Điều này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho Dự án trong phối hợp triển khai, kết nối và sự hỗ trợ của ngành y tế.