CHÍNH SÁCH TÀI CHÍNH CỦA NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI KHU VỰC CÁC TỔ CHỨC PHI CHÍNH PHỦ (VNGOS): THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP TIẾP CẬN BÌNH ĐẲNG VỚI NGUỒN LỰC TÀI CHÍNH TỪ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
ThS. Nguyễn Khắc Giang và TS. Nguyễn Đức Thành
Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Đại học Kinh tế – ĐHQGHN
- VNGOs trong không gian xã hội dân sự Việt Nam
Các tổ chức phi chính phủ (VNGOs) là một bộ phận cấu thành trong không gian xã hội dân sự của Việt Nam, hình thành chủ yếu vào những năm 1990, nhưng chỉ thực sự phát triển từ những năm 2000 trở lại đây. Đây là tập hợp các tổ chức độc lập với chính quyền và không vì mục tiêu lợi nhuận, hiện diện trong đời sống của công chúng, đại diện cho lợi ích và giá trị của thành viên hoặc của xã hội dựa trên quan điểm riêng về đạo đức, văn hóa, chính trị, khoa học, tôn giáo, hoặc thiện nguyện (World Bank, 2014).
Các VNGO đều có tư cách pháp nhân, được thành lập dựa trên sáng kiến của cá nhân hoặc tổ chức, độc lập với nhà nước, hoạt động để xử lý một vấn đề nhất định nào đó (Issue-based Organizations). VNGOs đăng ký hoạt động với các tổ chức lớn hơn (như VUSTA), hoặc đăng ký với các cơ quan quản lý nhà nước khác. Nhóm này có thể bao gồm các tổ chức từ thiện, nghiên cứu độc lập, tư vấn, giáo dục, và sức khỏe cộng đồng (CIVICUS, 2006).
Hiện chưa có thống kê chính thức về số lượng các VNGO ở Việt Nam. Theo Wells-Dang (2014), số lượng các tổ chức phi chính phủ Việt Nam đã tăng từ 200 vào thập niên 90 của thế kỷ trước, lên đến hơn 1700 cho đến thời điểm này, gần khớp với ước tính của Quỹ Châu Á (2000 VNGOs vào năm 2012) (Asia Foundation, 2012).