Dì tôi nhỏ người, lùn nhất trong số các anh chị em bên nhà bà ngoại. Mẹ và dì cách nhau mười tuổi, yêu thương nhau lắm, chuyện gì cũng kể với nhau, có cái gì hay cũng chia sẻ, có chuyện gì buồn cũng ngồi lặng lẽ khóc cùng nhau…
Dì tôi nhỏ người, lùn nhất trong số các anh chị em bên nhà bà ngoại. Mẹ và dì cách nhau mười tuổi, yêu thương nhau lắm, chuyện gì cũng kể với nhau, có cái gì hay cũng chia sẻ, có chuyện gì buồn cũng ngồi lặng lẽ khóc cùng nhau…
Năm nay Dì 40 tuổi, cái nhọc nhằn hằn lên con người dì tôi, khiến con người nhỏ bé ấy lại càng thêm.quắt lại… Năm nay, nhà Dì mới mất đất, dì dựng được một căn nhà khác kiên cố hơn chút đỉnh.. Tiền đền bù, Dì dành hết cho việc làm nhà, dì bảo là để sau này hai đứa em họ tôi còn có chỗ chui ra chui vào, thằng Lâm lấy vợ thì có nhà mà ở, chỗ đất còn lại cho con Linh… Ước mơ cũng chỉ nhỏ nhoi thế thôi, mong cho con được yên lành, hạnh phúc. Dì cố gắng hơn mười mấy năm nay để mong có được điều ấy. Dì cũng từng mong lấy chồng rồi, người chồng ấy sẽ cùng Dì làm nên những điều mong muốn, nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng được như mong muốn…
Nhà Dì có hai con trâu, một con trâu mẹ, một con nghé. Dì quý trâu lắm, vì đó là tiền Dì vay ngân hàng mua được. Trâu có khỏe, có đẻ nghé thì Dì mới trả được ngân hàng, thằng Lâm, con Linh mới hi vọng có cuộc sống tốt hơn.. Vậy mà, năm nay… Hai con Trâu ngã xuống, chết cả hai mẹ con… Dì khóc..
Năm nay, chồng Dì yếu lắm, uống rượu suốt ngày, người hom hem, không giúp Dì được việc nào cả. Đã vậy, chú lại học được ở đâu cái thói say là đánh vợ, đánh con… Chú đuổi ba mẹ con ra đường. Chú ngủ. Dì khóc, Linh, Lâm khóc..
Năm nay, mẹ tôi bắt chú đi xét nghiệm HIV, chú nhiễm… Mẹ thương Dì, khuyên dì đi làm xét nghiệm… Mẹ và Dì cùng nhau khóc. Thằng Lâm không hiểu chuyện gì xảy ra, nó gào lên hỏi lý do, nó cũng khóc… Mẹ và dì lau nước mắt, nói với cu cậu là mọi chuyện vẫn ổn, không sao đâu, chẳng sao đâu mà. May là cậu ấy còn trẻ, nghe và tin mẹ nên mọi chuyện dường như được giữ kín.
Gia đình Dì tôi là một trong số 7 hộ trong tổng số 100 hộ tại bản người Tày mà tôi sinh ra. Làng tôi chỉ cách trung tâm thị trấn khoảng 1 km, nhưng những con người ở đây lại nửa tỉnh nửa mơ về HIV, có nhiều người nghĩ họ an toàn với virus này cho đến khi biết mình đã nhiễm. Tôi sinh ra, lớn lên ở vùng quê ấy, được ăn học đầy đủ, biết nghĩ khác đi, phải chứng kiến những nỗi đau này mà không biết làm gì khác hơn để giúp họ. Thanh niên quê tôi, học hành không được, không có tiền học, học rồi cũng không biết để làm gì. Họ 16, 17 tuổi là lăn ra ngoài kiếm việc. Họ có thể vào mỏ vàng, cách làng 30km, họ có thể chọn cách đi trồng hoa trên Sa Pa, kiếm tiền và kiếm luôn cả ma túy, HIV. Cả làng ngay cạnh thị trấn như vậy mà lại không dễ để tiếp cận với các thông tin về HIV kể cả từ Y tế công cũng như từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hay Việt Nam. Bởi lẽ họ được gắn cái mác cho dân “vùng 1” không được hưởng ưu tiên, không có cơ hội. Họ nằm giữa ranh giới của nghèo, khổ và hiện đại hóa, và họ là những người gặp nguy hiểm nhất, có nguy cơ bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Những người quê tôi sống dưới một làn mây mờ, ngay cạnh sự phát triển của tộc người Kinh đa số, tưởng chừng gần như vậy thì khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sẽ nhiều hơn nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Họ vẫn cứ sống, dù biết bản thân mang trong mình virus không có thuốc để tiêu diệt. Họ hay Dì tôi tự chọn cuộc sống sau khi biết tình trạng của mình. Dì tôi chọn cách tìm hiểu về HIV, đọc tài liệu về HIV, bởi chị gái Dì là người có thể giúp Dì những việc đấy. Tuy Dì vẫn khóc hàng đêm khi nghĩ về sau này, nhưng trước bọn trẻ Dì vẫn là người mẹ kiên cường, thương yêu chăm sóc chúng hàng ngày…Những khó khăn vẫn còn ở phía trước, nhưng tôi mong Dì và những người như Dì ở làng quê tôi có đủ mạnh mẽ để chiến đấu với căn bệnh thế kỷ này. Mong một ngày những chương trình hỗ trợ sẽ tới gần với những người như Dì để cuộc sống bớt nhọc nhằn hơn…
Hoàng Nguyên