Cơ sở pháp lý
Tháng 9/2015, 193 quốc gia thành viên của Liên hợp quốc (LHQ) đã thông qua Mục tiêu phát triển bền vững đóng vai trò là khuôn khổ toàn cầu dành cho nỗ lực chấm dứt đói nghèo, đấu tranh với bất công và bất bình đẳng, ứng phó với biến đổi khí hậu cho tới năm 2030.
Trong bài phát biểu tại sự kiện cấp cao của nhóm nòng cốt về đồng tính, song tính, và chuyển giới (LGBT) tại New York ngày 29 tháng 11 năm 2015, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã nhấn mạnh:“Không bỏ lại ai phía sau: Bình đẳng và hòa nhập trong mục tiêu phát triển sau năm 2015”.
Cũng trong bài phát biểu, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho rằng: “Các mục tiêu đều dựa trên một nguyên tắc mang tính nền tảng và chỉ đạo duy nhất: Không bỏ ai lại phía sau. Chúng ta chỉ có thể hiện thực hóa tầm nhìn phát triển này nếu bao quát được tất cả mọi người bất kể xu hướng tính dục và bản dạng giới”.
Hiến pháp Việt Nam năm 2013 quy định “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội; Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm”.
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp tại cuộc họp thẩm định đề nghị xây dựng Luật chuyển đổi giới tínhngày 15 tháng 1 năm 2018, Bộ luật dân sự năm 2015 cũng đã ghi nhận về việc chuyển đổi giới tính, theo đó, cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật dân sự và luật khác có liên quan. Điều 37 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định rõ “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật”.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Bộ luật dân sự (ban hành theo Quyết định số 243/QĐ-TTg ngày 05/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ), trong đó, phân công Bộ Y tế nghiên cứu, đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về chuyển đổi giới tính.
Như vậy, cho đến nay hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa có văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật dân sự về thực hiện chuyển đổi giới tính tại Việt Nam, tạo ra khoảng trống pháp lý trong việc đảm bảo quyền của người chuyển giới.
Mong muốn của người chuyển giới
Tại Hội thảo “Chuyển giới: Những vấn đề xã hội và pháp lý” tổ chức ngày 2 tháng 6 năm 2018 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức, đại diện cộng đồng người chuyển giới đã chia sẻ những khó khăn, nhọc nhằn trong hành trình thực hiện mơ ước cháy bỏng “là chính mình” của mỗi cá nhân. Mỗi một người chuyển giới là một hoàn cảnh, một câu chuyện về thân phận con người nhưng tất cả đều có chung mong muốn được cống hiến cho xã hội như bao người bình thường. “Liệu có bao nhiêu người mang hai phận đời như chúng tôi có đủ sức mạnh để vượt qua những định kiến của xã hội và chính phục con đường sự nghiệp chỉ với ước muốn: chứng tỏ người chuyển giới cũng có thể thành công như bao nhiêu người ở thế giới ngoài kia” – Chia sẻ của một Á hậu chuyển giới.
Các bạn chuyển giới tại hội thảo
Đại diện cho cộng đồng chuyển giới, chị MN – chuyên viên tham vấn tâm lý, nhân viên Bộ Xã hội Australia, hiện đang sống tại thành phố Hồ Chí Minh cũng kể câu chuyện của mình:
“24 năm tôi sống trong thế giới đàn ông nhập nhằng, 12 năm nay tôi phẫu thuật chuyển giới. Tôi có nhận con nuôi 12 tuổi nhưng trong giấy tờ tôi lại là cha của bé, nghĩa là tôi không được thừa nhận là vợ, là mẹ trước pháp luật.
Tôi chưa bao giờ dám đi họp phụ huynh cho con, vì mỗi lần kí tên trên giấy tờ cho bé mà phải sử dụng tên thật thì giống như một lần nửa mình tự dày vò tình cảm của mình.
Ngoài ra tôi cũng không có quyền sở hữu hay thừa kế tài sản với người chồng hiện tại. Nếu chẳng may tôi bị bệnh qua đời thì con tôi sẽ sống ra sao và chồng tôi sẽ như thế nào? Người chuyển giới luôn khát khao được pháp luật bảo vệ, thừa nhận để chúng tôi được làm việc, kết hôn, cống hiến và mưu cầu hạnh phúc cũng giống như những người công dân khác trong xã hội.
Cộng đồng người chuyển giới ở Việt Nam có khoảng từ 300.000 đến 500.000 người, một con số không phải vô hình. Chúng tôi không đòi hỏi sự cảm thông, đồng cảm của quí vị mà chúng tôi chỉ mong các quí vị hãy thấu hiểu, lắng nghe cũng như hãy đặt mình vào vị trí, hoàn cảnh của chúng tôi để thấy những khó khăn mà hằng ngày bản thân tôi và người chuyển giới tại Việt Nam phải đối mặt lớn như thế nào?
Nếu còn một ngày Luật chuyển đổi giới tính còn bị tạm hoãn, thì ngày đó vẫn còn người chuyển giới phẫu thuật chui ở nước ngoài, phải sử dụng hormone ngoài chợ đen, không được tư vấn sức khỏe một cách an toàn, vẫn còn những hành vi, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí bị gia đình xã hội ruồng bỏ, thậm chí có người ra đi không về với mong ước thay đồi cũng bởi vì chúng tôi không được chấp nhận.
Liệu điều đó có công bằng cho cuộc đời chúng tôi, cho gia đình, cho chồng, cho con, cho cộng đồng chúng tôi? Mong Bộ Y tế hãy nghĩ đến tính nghiêm trọng, cấp thiết của luật chuyển đổi giới tính vì nếu không hiểu hết nỗi lòng của người chuyển giới thì quí vị sẽ vẫn còn nhận thấy nó chưa cấp bách và cần thiết”.
Các đại biểu tại hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Luật chuyển đổi giới tính sẽ sớm được Chính phủ xem xét trình Quốc hội
Một vị đại diện Văn phòng Chính phủ cho biết báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp số 10/BC-BTP ngày 15 tháng 01 năm 2018 gửi Bộ Y tế và Văn phòng Chính phủ, đã kết luận “Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật đủ điều kiện trình Chính phủ xem xét”.
Theo TS. Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam nhận xét: đề án Luật chuyển đổi giới tính phù hợp với Hiến pháp năm 2013, Bộ luật dân sự năm 2015 và với văn hóa truyền thống đoàn kết, yêu thương nhau của người Việt Nam thể hiện qua các câu ca dao: “Bầu ơi thương lấy bí cùng” và “Thương người như thể thương thân”. Do vậy hy vọng rằng, Luật Chuyển đổi giới tính sẽ sớm được Chính phủ xem xét và trình Quốc hội thông qua.