Ngày 2/6/2018, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đã tổ chức hội thảo “Chuyển giới: Những vấn đề xã hội và pháp lý”. Mục tiêu của Hội thảo nhằm trao đổi về những vấn đề xã hội và pháp lý liên quan đến chuyển giới; sự cần thiết phải có Luật chuyển đổi giới tính nhằm đảm bảo quyền cho người chuyển giới ở Việt Nam. Tại Hội thảo, nhiều báo cáo của các nhà khoa học và xã hội học đã đề cập đến những vấn đề xã hội và y tế liên quan đến chuyển giới rất đáng quan tâm.
Thực trạng người chuyển giới
Nghiên cứu trên thế giới cho thấy tỷ lệ người chuyển giới là từ 0.3% đến 0.5% dân số. Như vậy Việt Nam ước tính có khoảng 290.000 – 480.000 người chuyển giới (Báo cáo của Bộ Y tế về “Thực trạng về người có mong muốn chuyển đổi giới tính (người chuyển giới) tại Việt Nam và hệ thống pháp luật có liên quan năm 2017”.
Cũng theo Bộ Y tế, ngay từ năm 1980, chuyển giới được Hiệp hội tâm thần học Mỹ (APA) phân loại là một dạng bệnh tâm thần, có tên gọi rối loạn định dạng giới. Năm 2012, chuyển giới được loại ra khỏi danh sách các dạng rối loạn tâm thần mà xác định là một nhận dạng giới tự nhiên của con người. Hiệp hội kêu gọi cộng đồng hỗ trợ và chấp nhận người chuyển giới để họ có thể tự do thể hiện bản dạng giới của mình và giảm thiểu kỳ thị. Bảng phân loại quốc tế về bệnh (ICD) của WHO đã thay đổi xếp loại chuyển giới từ Rối loạn nhận dạng giới (Gender identity disorder – ICD 10) thành Không thống nhất giới (Gender incongruence – ICD 11).
Theo Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE). Tính đến tháng 10/2017, có 71 quốc gia trên thế giới cho phép việc thay đổi giới tính trên giấy tờ nhân thân.
Nghiên cứu năm 2018 của Trung tâm LIFE với 456 người chuyển giới nữ tại Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy 75.6% có trình độ trung học phổ thông, cao đẳng và đại học; 86.5% có nghề nghiệp là giải trí, làm đẹp, bán hàng, nhân viên văn phòng, 4.6% sinh viên, 8.9% báo cáo có nghề nghiệp chính là hành nghề mại dâm (bên cạnh đó, 24.8% cho biết có nhận tiền khi quan hệ tình dục với bạn tình nam không thường xuyên trong 30 ngày trước nghiên cứu). Điều này cho thấy nhiều người chuyển giới nữ trong nghiên cứu này có học vấn khá, có công việc đa dạng và hợp pháp.
Cũng theo báo cáo nghiên cứu năm 2018 của Trung tâm LIFE, người chuyển giới mong muốn xã hội lắng nghe các mong muốn của họ và chấp nhận sự khác biệt, các nhân viên y tế có sự nhạy cảm giới trong khám chữa bệnh người chuyển giới. “Chúng tôi không đòi hỏi những đặc quyền riêng biệt. Chúng tôi chỉ cần được đối xử bình đẳng”. – Một người chuyển giới trả lời phỏng vấn trong nghiên cứu.
Rủi ro khi điều trị nội tiết tố và phẫu thuật chuyển đổi giới tính khi không có hành lang pháp lý
Hiện tại do chưa có quy định về chuyển đổi giới tính nên nhiều người chuyển giới ở Việt Nam phải sử dụng nội tiết tố trôi nổi trên thị trường với các hướng dẫn dựa trên cơ chế “thông tin truyền miệng” chứ không có sự tư vấn đúng từ các bác sĩ. Nhiều người phải phẫu thuật “chui” hoặc đi ra nước ngoài (chủ yếu là Thái Lan) thực hiện phẫu thuật rất tốn kém (ước tính khoảng 30.000-35.000 USD), trong khi các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong nước có thể thực hiện với chi phí rẻ hơn từ 8-10 lần và an toàn hơn.
Theo Báo cáo “Thúc đẩy bình đẳng giới trong chăm sóc sức khoẻ cho người chuyển giới nữ ở Tp.HCM” của Trung tâm nâng cao chất lượng cuộc sống năm 2018 trong một phỏng vấn người chuyển giới đã trả lời: “Khát vọng được là con gái, chúng tôi chấp nhận sự đau đớn và đánh đổi cả mạng sống của mình. Đây thực sự là một nhu cầu chứ không phải do đua đòi, hư hỏng”.
Trong khi có những bác sĩ tại Việt Nam thực hiện được phẫu thuật chuyển đổi giới tính, thì việc đó phải làm “ngầm” vì tình trạng pháp lý không rõ ràng hoặc phải ra nước ngoài chuyển giới nên việc chăm sóc sau phẫu thuật chuyển giới thường không đảm bảo và có thể dẫn đến kết quả xấu cho bệnh nhân.
Kỳ thị và phân biệt đối xử
Nghiên cứu năm 2015 của Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường với 450 người chuyển giới cho thấy 53% người chuyển giới nữ và 60% người chuyển giới nam bị các nhà tuyển dụng từ chối nhận vào làm việc trong khi đáp ứng đủ các điều kiện về năng lực. Và ngay cả khi được nhận vào làm việc thì người chuyển giới vẫn gặp phải sự kỳ thị, xa lánh, hạn chế thăng tiến ở nơi công sở.
Cũng theo báo cáo trên, không chỉ bị kỳ thị và phân biệt đối xử tại nơi công cộng, người chuyển giới còn bị kỳ thị, xa lánh bởi chính người thân, ngay dưới mái nhà họ đang sinh sống. 62% người chuyển giới nữ, 80% người chuyển giới nam bị chửi mắng, gây áp lực, 61% người chuyển giới nói chung bị ép thay đổi ngoại hình, cử chỉ, thậm chí có tới 14% trong số họ phải chịu các hành vi bạo lực như nhốt, giam giữ, đánh đập, đuổi khỏi nhà.
Người chuyển giới cũng gặp khó khăn do không trùng khớp giữa các giấy tờ nhân thân và giới tính hiện có. Có tới 62% người chuyển giới cho biết họ bị từ chối, làm khó, cười cợt hay xúc phạm bằng lời nói, hành động khi phải làm thủ tục yêu cầu xuất trình giấy tờ không khớp với ngoại hình.7 Người chuyển giới mong muốn Luật chuyển đổi giới tính sẽ tạo ra khuôn khổ pháp lý thống nhất, đồng bộ, minh bạch để họ có được cuộc sống như những người bình thường khác.
Nguy cơ cao lây nhiễm HIV và các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục
Báo cáo của WHO (2016) đã chỉ ra nguy cơ đặc biệt cao lây nhiễm HIV trong nhóm chuyển giới nữ dựa trên nghiên cứu tổng quan tại Mỹ, 6 nước Châu Á-Thái Bình Dương, 5 nước ở Mỹ La tinh và 3 nước ở Châu Âu, tỷ lệ nhiễm HIV chung là 19,1%. Trong số 7.197 chuyển giới nữ ở 10 nước có mức thu nhập trung bình, tỷ lệ nhiễm HIV là 17,7%. Trong số 3.869 chuyển giới nữ ở 5 nước có thu nhập cao, tỷ lệ nhiễm HIV là 21,6%.
Chiến lược của Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét giai đoạn 2017-2022 cũng chỉ ra “nhóm chuyển giới nữ có nguy cơ nhiễm HIV cao gấp 50 lần so với dân số chung”.
Cũng theo nghiên cứu của LIFE với 456 người chuyển giới nữ đã đề cập ở trên cho thấy tỷ lệ hiện nhiễm HIV là 16.5% , 54.9% mắc ít nhất 1 bệnh lây truyền qua đường tình dục, 26% có bán dâm, 38% có mua dâm; 39.6% từng sử dụng thuốc hít Poppers ( theo giải thích của một nam có quan hệ tình dục đồng giới đây là thuốc kích thích nhằm giúp người sử dụng nhất là người đồng tính nam co thắt hậu môn, thư giãn cơ bắp trong cơ thể và sảng khoái giúp quan hệ kéo dài. Mọi người thường gọi là thuốc kích dục) và chất gây nghiện bị cấm như ma túy đá, thuốc lắc, điều đó dẫn đến nguy cơ không mang bao cao su khi quan hệ tình dục cao hơn gấp 2.7 lần; 72.5% từng sử dụng rượu bia, trong đó 39.7% uống ở mức độ gây hại (>4 ly tiêu chuẩn trong 1 tuần) trong đó 70.7% uống trong vòng 2 giờ trước khi quan hệ tình dục điều đó dẫn tới nguy cơ không mang bao cao su khi quan hệ tình dục cao hơn gấp 3.5 lần.
Có thể nói, với những dữ liệu từ các báo cáo và các thảo luận tại Hội thảo đã làm rõ thêm cơ sở khoa học, thực tiễn xã hội giúp cho việc quy định pháp lý về vấn đề chuyển giới và sự cần thiết xây dựng Luật chuyển đổi giới tính để bảo đảm quyền con người.
Các đại biểu tại Hội thảo
Toàn cảnh hội thảo