QĐND Online – Sáng 20-11, Dự án thành phần Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA)
QĐND – Thứ năm, 20/11/2014 | 15:5 GMT+7
QĐND Online – Sáng 20-11, Dự án thành phần Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS tổ chức hội thảo “Cộng đồng với việc thực hiện chương trình Methadone” nhằm tìm hiểu thực trạng việc tiếp cận chương trình Methadone của những người tiêm chích ma túy và những người cung cấp dịch vụ điều trị Methadone.
Phát biểu tại hội thảo, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS Nguyễn Hoàng Long cho biết, đến ngày 15-11, cả nước đã có 38 tỉnh, thành phố triển khai chương trình Methadone với 122 cơ sở điều trị và hơn 22.000 bệnh nhân tham gia điều trị. Nguyên nhân của việc chậm triển khai điều trị thay thế chủ yếu là do cấp uỷ, chính quyền ở nhiều địa phương còn thiếu sự quan tâm, đầu tư, huy động nguồn lực; còn có tư tưởng ỷ lại, trông chờ hỗ trợ từ Trung ương… Cục trưởng đề xuất thời gian tới, Việt Nam cần tăng cường công tác truyền thông về chương trình, huy động sự tham gia của các tổ chức dân sự xã hội và mạng lưới đồng đẳng; từng bước xã hội hóa để có nguồn kinh phí chi trả cho cán bộ hợp đồng; rà soát và đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính từ việc đưa người vào điều trị đến quy trình quản lý, uống thuốc sao cho thuận tiện… Đặc biệt, chương trình Mehtadone dự kiến sẽ thu 10.000 đồng/người/ngày (chi cho tiền nước, cốc uống nước, điện, vệ sinh môi trường, chi cho cán bộ hợp đồng…)
Quang cảnh hội thảo.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận những vấn đề như: Khung pháp lý cho việc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone; điều trị nghiện tại cộng đồng; rào cản trong việc tiếp cận điều trị Methadone; điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone xã hội hóa… Nhiều đại biểu cho rằng, chương trình điều trị cai nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone được triển khai thí điểm tại Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh từ năm 2008, hiện đã được triển khai rộng rãi tại 32 tỉnh, thành phố. Methadone được ví như chiếc phao cứu sinh cho những người nghiện, giúp họ trở lại cuộc sống bình thường nhưng sự kỳ thị và tự kỳ thị đang là những yếu tố cản trở hiệu quả của chương trình.
Hiện tại, cả nước có gần 20.000 bệnh nhân được điều trị bằng Methadone và phương pháp này đã giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho rất nhiều người. Để nâng cao hiệu quả điều trị, tại hội thảo, các nhà nghiên cứu khuyến nghị các cơ quan, tổ chức liên quan cần xây dựng các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ tâm lý và chương trình phát triển kỹ năng sống nhằm giúp các đối tượng xây dựng bản lĩnh, sự tự tin, khả năng đối phó với nỗi ám ảnh và sự kỳ thị.
Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, giảm sự kỳ thị với người điều trị Methadone. Mặt khác, khi các tổ chức xây dựng các chương trình đào tạo nghề và gây dựng việc làm cho người điều trị Methadone thì cần có cách tiếp cận phù hợp nhằm loại bỏ nỗi ám ảnh kỳ thị đối với họ. Có như vậy thì mới có thể giúp những bệnh nhân này tránh xa ma túy và tái hòa nhập tốt với cộng đồng.
Tin, ảnh: THU HƯƠNG