Trang Chủ Tin tức Cuộc đời của tôi đã thay đổi

Cuộc đời của tôi đã thay đổi

Mạng lưới MSM – TG Việt Nam ( Mạng lưới những người đồng tính nam và chuyển giới VN MSM-TG ) 2018 vừa tổ chức gặp mặt lần thứ 5 với sự tham gia của 120 tham dự viên đại diện cho các nhóm thành viên cộng đồng của 32 tỉnh/thành phố trên cả nước. Chương trình diễn ra trong 3 ngày với 5 phiên tòan thể và 1 phiên dành cho cộng đồng chuyển giới với nhiều chủ đề thảo luận phong phú và đa dạng.

39
0

Không phát hiện bằng không lây nhiễm

Tại Chương trình, đại diện của Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã trình bày những bằng chứng khoa học cho thấy “Người nhiễm HIV có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện (200 bản sao/ml máu), thực sự không có nguy cơ lây HIV sang bạn tình”.

Hiện, chiến dịch U=U toàn cầu đã lan rộng đến 650 tổ chức ở 79 quốc gia. Thông điệp U=U đã được dịch sang hơn 25 ngôn ngữ, trong đó tiếng Việt là Không phát hiện = Không lây nhiễm. Ý nghĩa quan trọng của thông điệp được thể hiện qua phát biểu của một số bệnh nhân như: “Tôi biết rằng khi tôi tuân thủ điều trị HIV, tôi không thể lây HIV sang bạn tình”, “Cuộc đời tôi đã thay đổi: Uống thuốc hàng ngày giúp tôi khỏe mạnh và bảo vệ bạn tình của tôi. Tôi đã có tình yêu và cuộc đời tôi hằng mong ước” và “Chúng ta có thể làm được: Không tự kỳ thị về tình trạng nhiễm HIV của mình và không lo sợ lây nhiễm cho bạn tình”. Điều này cũng có nghĩa là khi được trang bị (hoặc chủ động tìm hiểu kiến thức của HIV) thì sự kỳ thị trong cộng đồng sẽ được giảm thiểu đi rất nhiều. Những phát hiện mới, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học, y tế sẽ giúp cho cộng đồng và gia đình người có H bớt đi những mặc cảm.

Liên quan đến vấn đề lây nhiễm, giải pháp can thiệp dự phòng, Chương trình cũng đã tổ chức góp ý dự thảo Hướng dẫn quốc gia về can thiệp dự phòng cho MSM-TG. Nguyễn Minh Tâm, Cục phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam ước tính có 170,000 MSM (2018). Kết quả nghiên cứu ở Hà Nội cho thấy MSM với độ tuổi trung bình 23, chiếm tới 37% trong số mới nhiễm HIV trong vòng 6 tháng (1/1-30/6/2018) qua. Cùng với kết quả  của báo cáo của Bộ Y tế về công tác phòng chống HIV/AIDS năm 2017 cho thấy nhóm MSM đang là một nhóm có nguy cơ rất cao trong lây nhiễm HIV. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM đã tăng từ 5.1% năm 2015 lên 7.36% năm 2016. Các góp ý tập trung thảo luận các mô hình tiếp cận nhóm MSM như : trực tiếp và qua mạng xã hội; tiếp cận và xét nghiệm HIV cho bạn tình, bạn chích…  Những kết quả nêu trên, sẽ là kênh tham chiếu quan trọng để đưa ra những chính sách can thiệp phù hợp với từng đối tượng (bao gồm giới tính, độ tuổi…).

Nâng cao năng lực

 VN MSM – TG tập trung vào các mục tiêu như chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận, xác định các ưu tiên về vận động chính sách và chương trình nhằm tăng cường tính bền vững của các tổ chức cộng đồng; Kết nối, giao lưu truyền cảm hứng, chia sẻ thông tin, kiến thức và kinh nghiệm liên quan đến phòng chống HIV/AIDS, Quyền và bình đẳng giới…

Chuyên gia độc lập, Bác sĩ Đỗ Việt Dũng cho rằng, các tổ chức xã hội và các mạng lưới đã và đang tham gia tích cực vào vận động chính sách ở Việt Nam. Tuy nhiên thách thức lớn là các mạng lưới này chưa có tư cách pháp nhân và năng lực của các mạng lưới còn ít nhiều hạn chế. Việc tổ chức chủ yếu dựa vào cộng đồng. Trong bối cảnh đó, truyền thông qua mạng xã hội là lựa chọn được ưu tiên và trở thành một công cụ vận động chính sách rất mạnh và hiệu quả. Muốn làm được điều này, cần nâng cao năng lực cho các mạng lưới thông qua các lớp tập huấn kỹ năng, nâng cao nhận thức.

Tại Chương trình, hoạt động đào tạo về giới tính và tình dục cũng được tổ chức. Đại diện Văn phòng điều phối chương trình PEPFAR – (President’s Emergency Plan For AIDS Relief – tên gọi tắt của Kế hoạch Cứu trợ Khẩn cấp được Tổng thống Hoa kỳ George W. Bush khởi xướng từ 2003), Hoàng Thanh Hải, đã giới thiệu những khái niệm và thuật ngữ chuẩn mực về bản dạng giới, xu hướng tình dục, thể hiện giới và giới tính sinh học. Và “Butterfly Soul” – bộ phim tài liệu nói về hành trình khó khăn của hai người chuyển giới vượt qua sự kỳ thị trong gia đình và xã hội, chịu đựng những can thiệp y học đau đớn để cuối cùng vỡ òa với hạnh phúc được sống với chính mình.

Ngoài ra, nhóm chuyên gia dự án VUSTA đã thực hiện 6 phỏng vấn sâu, 4 thảo luận nhóm và điều tra bảng hỏi tự điền với 46 người chuyển giới. Các kết quả của nghiên cứu sẽ góp phần thúc đẩy việc thông qua Luật chuyển đổi giới tính và đảm bảo quyền của người chuyển giới ở Việt Nam. Tại Chương trình hội thảo “Bối cảnh Việt Nam & Dự thảo luật Chuyển đổi giới tính” với sự có mặt của đại diện cơ quan soạn thảo (Bộ Y tế) cũng được đông đảo cộng đồng đồng tính nam và người chuyên giới tham gia. Tại hội thảo, các vấn đề như điều kiện để được công nhận đã can thiệp y học để chuyển đổi giới tính; đăng ký thay đổi hộ tịch và các giấy tờ pháp lý liên quan… đã được thảo luận nhiều nhất.