Trang Chủ Tin tức Đảm bảo tài chính cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS – Nhiều...

Đảm bảo tài chính cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS – Nhiều khó khăn thách thức

120
0

Trong những năm trước đây, có tới 70% kinh phí của chương trình phòng, chống HIV/AIDS và  90% kinh phí mua thuốc kháng virút (ARV) cho người nhiễm HIV và 100% kinh phí mua thuốc Methadone là nhờ vào sự hỗ trợ của nguồn lực quốc tế. Khi nguồn lực quốc tế cắt giảm mạnh, đó là một thách thức lớn đối với phòng, chống HIV/AIDS. Mặc dù trong những năm gần đây, kinh phí cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS từ ngân sách nhà nước, nhất là ngân sách địa phương đã tăng lên đáng kể, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều khó khăn thách thức.

Thực trạng nguồn vốn đầu tư cho phòng chống HIV/AIDS giai đoạn 2011-2016

Nguồn ngân sách trung ương không ổn định qua các năm cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS. Nguồn ngân sách địa phương chi cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS cũng còn rất hạn chế và không được thống kê, báo cáo đầy đủ, kịp thời.

Nguồn viện trợ nước ngoài hiện vẫn chiếm 46% tổng kinh phí chi hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, gồm có viện trợ của Chính phủ các nước, các tổ chức đa phương, tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Các nguồn viện trợ chủ yếu cho phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam trong những năm qua là từ  Chương trình cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỹ (PEPFAR), Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét, Ngân hàng Thế giới (WB),  Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Cơ quan phát triển Quốc tê Vương quốc Anh (DFID)…

Bảng 1. So sách nhu cầu và đáp ứng ngân sách giai đoạn 2011-2016

Đơn vị:  tỷ đồng

Năm Trung ương Địa phương Viện trợ quốc tế Tổng NS đầu tư Tổng nhu cầu % viện trợ so với tổng NS đầu tư % đầu tư so với tổng nhu cầu
2011 340,0 41,0 520,0 901,0 1.562,1 58% 58%
2012 405,0 40,0 567,0 1.012,0 1.642,1 56% 62%
2013 336,0 51,0 745,0 1.132,0 1.913,2 66% 59%
2014 148,0 79,0 450,0 677,0 2.039,3 66% 33%
2015 280,0 139,0 509,0 928,0 2.189,7 55% 42%
2016 118,0 483,0 510,0 1.111,0 1.510,0 46% 74%

Nguồn: Cục Phòng, chống HIV/AIDS

Từ những năm 2015 trở lại đây, khi các dịch vụ điều trị HIV/AIDS được chuyển dịch sang thông qua chi trả từ Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) cho những người nhiễm HIV và những người điều trị các dịch vụ liên quan đến HIV/AIDS có thẻ bảo hiểm y tế. Tuy nhiên nguồn BHYT hiện chi trả cho phòng, chống HIV/AIDS chưa nhiều, chủ yếu là thanh toán một số dịch vụ điều trị nội trú như điều trị nhiễm trùng cơ hội. Tỷ lệ người nhiễm HIV có thẻ BHYT đạt 40% (năm 2015) tuy nhiên tỷ lệ này chưa phải là con số thống kê thực tế do người nhiễm HIV chưa sử dụng thẻ BHYT để tiếp cận dịch vụ điều trị vì các dịch vụ này đang được các chương trình, dự án cấp miễn phí. Việc huy động nguồn quỹ BHYT còn nhiều khó khăn đặc biệt là các cơ sở điều trị HIV/AIDS chưa đủ điều kiện ký hợp đồng với các cơ quan bảo hiểm, cơ chế mua sắm thuốc ARV cần phải xin cơ chế đặc thù để đảm bảo mua sắm thuốc ARV tập trung và thanh toán tập trung nhằm tận dụng tối đa hiệu quả nguồn lực.

Mặc dù đã có những cam kết của chính phủ trong việc đầu tư kinh phí cho chương trình phòng chống HIV/AIDS, tuy nhiên vấn đề đầu tư bền vững vẫn là một thách thức lớn. Đáp ứng với dịch HIV vẫn dựa trên nguồn tài trợ quốc tế là chính. Hiện nay, việc Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình trong bối cảnh kinh tế trên toàn cầu gặp khó khăn chung sẽ góp phần làm giảm hơn nữa nguồn kinh phí cho chương trình phòng chống HIV/AIDS. Một số nhà tài trợ khác cũng sẽ dừng viện trợ trong thời gian ngắn sắp tới. Nếu kinh phí quốc gia không tăng để lấp bù những khoảng trống này, những thành tựu đạt được trước đây sẽ khó có thể duy trì.

Đề án đảm bảo tài chính cho HIV/AIDS đã có tác động lớn đến việc đảm bảo tài chính cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS nhưng vẫn còn rất hạn chế

Thực hiện Quyết định 1899/2013 QĐ-TTg ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Đảm bảo tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2013-2020”, Theo quy định này, Bộ Y tế được giao  hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính xây dựng kế hoạch huy động nguồn kinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS ở địa phương và theo dõi, giám sát, đánh giá, kiểm tra tình hình thực hiện đề án của các địa phương để định kỳ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời Bộ Tài chính cũng như Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng các cơ chế, chính sách để tổ chức triển khai đề án trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền;  đề xuất tổng dự toán ngân sách nhà nước hàng năm cho phòng, chống HIV/AIDS trình Quốc hội theo lộ trình tăng dần qua các năm để bảo đảm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 v.v…. Đặc biệt, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm: Xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án “Bảo đảm nguồn lực tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2013 – 2020” trên địa bàn phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 của tỉnh, thành phố, trình Hội đồng nhân dân phê duyệt; Chỉ đạo lồng ghép, phối hợp và điều hành thực hiện các mục tiêu, giải pháp của đề án này với các chương trình, dự án khác trên địa bàn do địa phương trực tiếp quản lý; Chủ động đầu tư, bố trí ngân sách thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 của tỉnh, thành phố và theo các mục tiêu đã xác định tại Đề án này. Đồng thời chịu trách nhiệm về việc sử dụng kinh phí hiệu quả, không để thất thoát, thực hiện thanh toán, quyết toán theo quy định về tài chính hiện hành v.v…

Cho đến nay. trong 51 tỉnh đã được phê duyệt Đề án Đảm bảo tài chính, ước tính nhu cầu kinh phí cho công tác phòng, chống HIV/AIDS và khả năng huy động từ ngân sách địa phương của 51 tỉnh theo đề án được phê duyệt như sau:

Bảng 2. Nhu cầu và khả năng huy động từ ngân sách địa phương của 51 tỉnh, thành phố đã được phê duyệt

Đơn vị tính: tỷ đồng

Hoạt động 2015 2016 2017 2018 2019 2020 Tổng cộng
Nhu cầu kinh phí 1.112,7 1.245,0 1.350,0 1.477,5 1.588,3 1.698,9 8.547,5
Khả năng huy động từ ngân sách địa phương 184,3 252,0 266,6 290,1 323,0 351,7 1.667,6
% huy động so với nhu cầu 16.5 20.2 19.7 19.63 20.3 20.6 19.5

Nguồn: Cục Phòng, chống HIV/AIDS

Như vậy có thể thấy so với những năm trước khi có Quyết định1899/2013 QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngân sách địa phương cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS đã tăng lên. Tuy nhiên cũng từ Đề án đảm bảo tài chính của 51 địa phương đã được phê duyệt cho thấy khả năng huy động kinh phí của các địa phương vẫn còn rất thấp, mới chỉ đáp ứng được từ 16% đến khoảng 20% so với nhu cầu cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS của các địa phương.

Cho đến nay vẫn còn 12 tỉnh, thành phố chưa phê duyệt được Kế hoạch thực hiện Đề án theo Quyết định1899/2013 QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là: Bắc Cạn, Bình Định, Bình Phước, Cao Bằng, Hà Nội, Hải Phòng, Hậu Giang, Hòa Bình, Thái Nguyên, Trà Vinh, Tuyên Quang, Yên Bái.

Nhiều khó khăn, thách thức khác

Song song với vấn đề tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS, nhiều khó khăn thách thức với chương trình phòng, chống HIV/AIDS trong những năm tới vẫn đang được đặt ra đó là:

Tình hình dịch HIV tuy có xu hướng giảm nhưng chưa bền vững, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát nếu không được quan tâm tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động. Trong khi đó diễn biến của tình hình sử dụng ma túy, mại dâm có xu hướng gia tăng sẽ tiềm ẩn nguy cơ dịch HIV cũng đồng hành gia tăng.

Hệ thống phòng chống HIV/AIDS dựa nhiều vào nguồn viện trợ và còn một số bộ phận chưa hòa nhập và lồng ghép vào hệ thống khám chữa bệnh như các phòng khám ngoại trú của các dự án cung cấp dịch vụ điều trị ARV, Methadone, gây khó khăn cho việc triển khai và thanh toán qua bảo hiểm y tế.

Nhân sự, cơ sở vật chất, trang thiết bị và phòng xét nghiệm còn thiếu. Năng lực cán bộ địa phương trong việc quản lý và thực hiện chương trình còn hạn chế là do thiếu cán bộ ở mọi cấp trong hệ thống phòng chống HIV và đặc biệt gây khó khăn cho việc mở rộng các chương trình điều trị và giảm tác hại.  Khó khăn không chỉ đến từ việc tuyển dụng nhân sự kinh nghiệm mà bản thân những cán bộ hiện hữu cũng muốn chuyển sang nơi khác do những áp lực từ công việc cũng như đãi ngộ thấp.

Các tổ chức cộng đồng đã được hỗ trợ và củng cố và hiện đang đóng một vai trò ngày càng tích cực trong việc xây dựng chính sách và thực hiện chương trình. Tuy nhiên, các tổ chức này vẫn phải đối mặt với sự thiếu hụt nguồn nhân lực và tài chính, là những cản trở họ phát huy hết tiềm năng của mình.

Tỷ lệ hiểu biết đúng và phản đối các quan niệm sai lầm về HIV/AIDS của người dân còn ở mức độ thấp chỉ đạt khoảng 30-50% tùy vào địa phương, còn cách xa so với chỉ tiêu của chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS đã đặt ra. Đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số việc tiếp cận với truyền thông phòng, chống HIV/AIDS còn hạn chế. Kinh phí phòng, chống HIV/AIDS cho hoạt động truyền thông cắt giảm mạnh, không còn dự án riêng về truyền thông nên các đơn vị triển khai cầm chừng, hoạt động đơn lẻ. Tài liệu và phương tiện truyền thông ở các cấp, các ngành, các địa phương còn thiếu dẫn đến việc truyền thông phòng, chống HIV/AIDS  hiệu quả còn hạn chế, truyền thông thay đổi hành vi cho các nhóm nguy cơ cao còn yếu.

Tất cả những khó khăn trên là những trở ngại không nhỏ cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS nếu muốn giữ được những thành quả của chương trình như những năm qua, chưa kể khi Việt Nam đặt ra những mục tiêu cao hơn đó là Mục tiêu 90-90-90: 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi rút kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác và hướng tới kết thúc dịch HIV/AIDS ở Việt Nam vào năm 2030.

Hữu Thủy

                                                           Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế