Điều trị HIV/AIDS còn nhiều thách thức
Hội nghị khoa học Quốc tế lần thứ 9 về HIV được tổ chức từ ngày 23 đến 26 tháng 7 năm 2017 tại Paris, Pháp đã thu hút hơn 6.000 các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS để đánh giá về những tiến bộ trong khoa học cũng như định hướng nghiên cứu về HIV trong thời gian tới. Nhiều thành tựu trong nghiên cứu về điều trị HIV/AIDS đã được báo cáo, cũng như việc phát triển các loại thuốc mới giúp cho người nhiễm HIV tiếp cận dễ dàng và hiệu quả hơn trong điều trị. Tuy nhiên rất nhiều khó khăn thách thức trong điều trị HIV/AIDS vẫn đang chờ đợi.
Thách thức đầu tiên đó là cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ loại thuốc nào có thể chữa khỏi hoàn toàn căn bệnh này, những người nhiễm virus HIV cho đến nay họ chỉ có thể kéo dài sự sống nhờ điều trị ARV để làm giảm sự sinh sôi nảy nở của HIV trong cơ thể đồng thời kiềm chế virus này tiến triển thành bệnh AIDS ngăn chặn sự lây lan của HIV. Một số báo cáo đánh giá hiệu quả của điều trị bằng thuốc ARV chỉ ra rằng có thể kiểm soát được lượng vi rút trong máu dưới ngưỡng phát hiện bằng thuốc ARV và như vậy có thể không làm lây truyền HIV sang người khác qua quan hệ tình dục cũng như lây truyền từ mẹ sang con. Tuy nhiên điều đó không đồng nghĩa với việc không còn HIV trong máu và nguy cơ HIV có thể sinh sôi nếu không tiếp tục dùng thuốc ARV.
Khó khăn tiếp theo là số người tiếp cận với ARV đã tăng lên nhưng vẫn còn xa so với mục tiêu 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV. Báo cáo của Liên hợp quốc đã chỉ ra lần đầu tiên có trên 50% người nhiễm HIV trên thế giới được điều trị ARV (19,5 triệu người đã được điều trị bằng ARV trên tổng số 36,7 triệu ca nhiễm HIV). Trong khi phần lớn số người được điều trị ARV hiện nay đang là từ nguồn viện trợ miễn phí. Do vậy để tiếp cận mục tiêu 90% người nhiễm HIV được điều trị là thách thức rất lớn.
Một khó khăn khác là các nguồn viện trợ hoặc đóng góp của các tổ chức quốc tế cho phòng, chống HIV/AIDS đang giảm đi kể cả cho các nghiên cứu khoa học về HIV/AIDS. Theo Chủ tịch Hiệp hội AIDS Quốc tế tại Hội nghị khoa học Quốc tế lần thứ 9 về HIV, bà Linda-Gail Bekker cảnh báo: “HIV sẽ không bao giờ bị diệt nếu không có nghiên cứu. Nghiên cứu sẽ không tiến triển nếu không có đầu tư lâu dài” và “đại dịch HIV/AIDS sẽ bùng phát trở lại như núi lửa nếu không tiếp tục đầu tư lâu dài cho việc nghiên cứu khoa học để chấm dứt đại dịch AIDS, vì phần lớn nguồn đầu tư cho nghiên cứu phụ thuộc vào nguồn tài chính mà các nước đóng góp cho chương trình phòng chống HIV/AIDS nhưng hiện nay đang cắt giảm”.
Bà Bekker nói với các đại biểu tham dự hội nghị: “Nếu chúng ta không tích cực tiến lên phía trước để chống chọi với HIV, chúng ta sẽ tuột dốc trở lại. Tuột dốc trở lại có nghĩa là bệnh nhân ốm yếu, cái chết, sự lan truyền HIV và trẻ em bị nhiễm bệnh – một thế giới mà chúng ta không muốn quay lại.”
Bảo hiểm y tế là giải pháp cho điều trị ARV lâu dài ở Việt Nam
Từ năm 2013, các nguồn viện trợ quốc tế cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam đã cắt giảm. Việt Nam đã xác định bảo hiểm y tế sẽ là giải pháp cho điều trị ARV lâu dài tại Việt Nam. Hiện Chính phủ Việt Nam đang tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để có thể cung ứng và thanh toán việc điều trị ARV qua Quỹ bảo hiểm y tế từ đầu năm 2018 cho những người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế. Tuy nhiên có đến nay vẫn còn nhiều bệnh nhân HIV/AIDS tại Việt Nam còn ngần ngại chưa tham gia Bảo hiểm y tế vì nhiều lý do khác nhau trong đó lo sợ bị kỳ thị.
Trong tháng 7 vừa qua, Phòng khám Từ thiện Kim Long, thành phố Huế đã tổ chức diễn đàn nhằm thu thập ý kiến đóng góp cho công việc mục vụ truyền thông và chăm sóc anh chị em bệnh nhân HIV/AIDS trên địa bàn hai tỉnh miền Trung. Anh B, trưởng nhóm Niềm Tin – Huế đưa ra giải pháp cho việc đảm bảo sức khỏe trước tiên và lâu dài là tham gia bảo hiểm y tế vì từ năm 2018 thuốc ARV sẽ được bảo hiểm y tế chi trả.“Đó là niềm hy vọng của bệnh nhân HIV dù trẻ hay già, thành phố hay nông thôn” – anh B nói.
Phát biểu tại diễn đàn, luật gia Lê Thế Nhân, giám đốc Trung tâm Phát triển Cộng đồng và Công tác Xã hội cũng khẳng định: “Bảo hiểm y tế giúp cho chúng ta chủ động và tăng khả năng tự bảo vệ hơn”.
Tuy nhiên đồng hành cùng Chính phủ, mỗi người nhiễm HIV cũng cần phải vượt qua rào cản tự ti do sự tự kỳ thị và chủ động tham gia bảo hiểm y tế. Đó là giải pháp để bảo vệ chính mình.
Ngọc Giáo