Trang Chủ Tin tức ĐÁP ỨNG VỚI MA TÚY TỔNG HỢP DẠNG AMPHETAMIN TRÊN THẾ GIỚI

ĐÁP ỨNG VỚI MA TÚY TỔNG HỢP DẠNG AMPHETAMIN TRÊN THẾ GIỚI

449
0

ThS. BS. Nguyễn Thị Minh Tâm
Trưởng phòng Can thiệp giảm hại
Cục Phòng, chống HIV/AIDS
Bộ Y tế

1.Tình hình sử dụng chất kích thích dạng Amphetamin trên thế giới

Chất kích thích dạng Amphetamin (Amphetamin Type Stimulants- ATS một dạng chất ma túy tổng hợp) là tên gọi chung của một nhóm chất kích thích có cấu trúc hóa học dạng amphetamin. Chúng có tác dụng kích thần gây cảm giác hưng phấn, khoái cảm, chống mệt mỏi… khi sử dụng liều cao kéo dài có thể gây hoang tưởng, ảo giác. Những năm gần đây nhóm ATS ngày càng được sử dụng phổ biến trong giới trẻ trên Thế giới và ở Việt Nam.
Trong nhóm Amphetamine có chất Methamphetamine được sử dụng ngày càng phổ biến trên Thế giới, đang mở rộng ở Đông Á và Đông Nam Á. Trong giai đoạn 2008-2015, có 644 loại chất hướng thần khác nhau được 102 nước báo cáo (41 nước châu Âu, 30 nước châu Á, 16 nước châu phi, 13 nước châu Mỹ, 2 nước châu Đại Dương).

Một dạng ma túy tổng hợp

Theo báo cáo tình hình ma túy toàn cầu năm 2016 của Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC), số người sử dụng ma túy trên toàn cầu là khoảng 247 triệu người (tương đương với 4% dân số thế giới ở độ tuổi từ 15-64 đã từng sử dụng các chất ma túy trái phép trong năm 2014). Trong đó, số người lệ thuộc ma túy chiếm khoảng 29 triệu người (chiếm xấp xỉ 0,4% dân số trưởng thành trên toàn cầu). Trong số 247 triệu người sử dụng ma túy có 183 triệu người sử dụng cần sa, 35,7 triệu người sử dụng Amphetamin, 33 triệu sử dụng chất dạng thuốc phiện và 19,4 triệu sử dụng ectasy. Có 29 triệu người có rối loạn tâm thần nhưng chỉ 1/6 trong số đó được điều trị.

ATS gây ra các tác hại cả về thể chất, tâm thần đối với người sử dụng và tới trật tự xã hội, cụ thể:
Về mặt thể chất: nghiêm trọng nhất là tình trạng ngộ độc, đặc biệt tác động đến não, tim và ruột. Trong đó, các tác hại đặc biệt nghiêm trọng là nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp kịch phát, chảy máu não và viêm ruột hoại tử do thiếu máu. Ngoài ra, còn xuất hiện một số triệu chứng cơ thể và thần kinh khác như tăng hay giảm nhịp tim, giãn đồng tử, tăng hay giảm huyết áp, vã mồ hôi rét run, đau mỏi cơ, đau ngực, khó thở, ức chế hô hấp, co quắp chân tay, co giật toàn thân, loạn trương lực cơ, lú lẫn, hôn mê, tử vong.
Nếu sử dụng Amphetamin qua đường hít thường xuyên và lâu dài sẽ gây ra tình trạng viêm niêm mạc mũi, tổn thương các tuyến tiết nhầy. Sử dụng Amphetamin qua đường uống, hút cũng gây ra tình trạng viêm răng lợi, quá sản lợi, viêm lưỡi. Ngoài ra khi sử dụng lâu dài Amphetamin sẽ gây ra nhiều vết xước, rách da, áp xe vùng tiêm chích, phản ứng với hiện tượng dị cảm và ảo giác xúc giác.

Sử dụng ATS đường tiêm chích có thể liên quan đến lây truyền HIV và viêm gan virus (viêm gan B, viêm gan C…). Đây còn là cơ địa phát sinh áp xe phổi, viêm nội tâm mạc, viêm mạch hoại tử….
Nghiên cứu về thực trạng sử dụng ATS trong nhóm MSM ở Việt Nam (2013) cho thấy nhóm đối tượng nghiên cứu có sử dụng ATS có hành vi tình dục không an toàn (dùng bao cao su không thường xuyên) cao gấp 2 lần so với nhóm không sử dụng1.


Bùi Thị Minh Hảo và cộng sự. Thực trạng sử dụng ATS trong nhóm MSM tại Việt Nam.Tạp chí Y học thực hành (2013)

Trong báo cáo tổng quan của Đại học Y Hà Nội về sử dụng ATS và các vấn đề sức khỏe liên quan trong các nhóm nguy cơ cao lây nhiễm HIV như người sử dụng ma túy, nam quan hệ tình dục đồng giới và phụ nữ mại dâm,cho thấy”sử dụng ATS tương đối phổ biến trong các nhóm nguy cơ cao, thường bắt đầu sử dụng thuốc lắc và amphetamine sau đó chuyển sang sử dụng Methamphetamine dạng tinh thể đá. Có mối liên quan giữa sử dụng ATS và hành vi tình dục không an toàn. Tuy nhiên tác động đến dịch HIV ở mức độ nào cần nghiên cứu thêm2

Các tác dụng khác: đỏ mặt, tái nhợt, sốt, đau đầu, buồn nôn, nôn, nghiến răng, thở nhanh, run, thất điều…
Phụ nữ có thai nghiện Amphetamin gây đẻ non, thai thiếu cân, đầu thai nhỏ, chậm phát triển.
Về mặt tâm thần: Sử dụng ATS liều thấp gây các biểu hiện bồn chồn, bất an, loạn cảm, mất ngủ, tăng kích thích, hằn học, thù địch. Sử dụng ATS liều cao kéo dài có thể xuất hiện các triệu chứng của rối loạn lo âu lan toả, rối loạn hoảng sợ, rối loạn giấc ngủ, giảm tình dục. Hội chứng Paranoid với các ý tưởng liên hệ, hoang tưởng bị theo dõi, ảo giác (thị giác, thính giác…) cũng hay gặp trên lâm sàng.

Về trật tự xã hội: người sử dụng ATS dễ dẫn tới các biểu hiện rối loạn tâm thần có thể gây các hành vi bạo lực, mất trật tự gây nguy hiểm cho người khác. Nghiện ATS cũng như nghiện các chất khác đòi hỏi phải dùng hằng ngày và tăng liều thỏa mãn vì vậy những hệ lụy kéo theo rất phức tạp: tội phạm, trộm cắp, buôn bán ma túy… và cũng là gánh nặng cho chăm sóc và điều trị y tế. Nghiên cứu tại Thái Lan năm 2008 cho thấy có tới 38% các đối tượng hút ATS có hành vi bạo lực, 37% hành vi lái xe không an toàn. Ngoài ra các hành vi nguy cơ khác cũng được ghi nhận: uống rượu 67%, quan hệ tình dục 54%.

Tác hại của ATS khi dùng kết hợp với chất khác
Nhiễm độc ATS tăng lên khi sử dụng kết hợp với rượu, cocain hoặc opiat. Sử dụng rượu với ATS gây tăng huyết áp, tăng gánh nặng cho tim. ATS cũng làm tăng tác hại của rượu, tăng nguy cơ nhiễm độc rượu và tai nạn giao thông.
Sử dụng cần sa cùng với ATS làm tăng các triệu chứng loạn thần trong một số trường hợp. Sử dụng heroin và ATS có thể gây tình trạng ức chế hô hấp và có thể suy tim. ATS cũng có thể làm tăng tình trạng quá liều heroin.

2. Các can thiệp đối với người sử dụng, lạm dụng và nghiện ATS
2.1. Phân loại mức độ nghiện ATS: trên thế giới, hiện nay chẩn đoán nghiện ma túy tổng hợp dựa trên bảng phân loại bệnh tật quốc tế (ICD 10 của Tổ chức Y tế thế giới hoặc DSM5 của Hoa Kỳ). Người sử dụng ma túy ATS có các cấp độ nghiện ATS khác nhau (từ sử dụng đến rối loạn), bao gồm: mức độ nguy cơ thấp (sử dụng); mức độ nguy cơ trung bình (lạm dụng, lệ thuộc) và mức độ nguy cơ cao (nghiện).


2Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo HIV/AIDS và Trung tâm Chuyển giao công nghệ điều trị nghiện chất phòng,chống HIV. Đại học Y Hà Nội. Báo cáo Sử dụng ATS và nguy cơ HIV trong các nhóm nguy cơ cao tại Việt Nam tại hội thảo “Điều trị nghiên ma túy tổng hợp dạng Amphetamine (ATS), do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội,21/12/2016.

Theo nghiên cứu tại Thái Lan, dựa vào thang điểm đánh giá mức độ nguy cơ của Tổ chức Y tế thế giới (thang điểm ASSIST), trong số những người sử dụng ma túy ATS thì 88% có nguy cơ thấp (sử dụng nhưng không gây hại), 11% có nguy cơ trung bình (có rối loạn tâm thần ở mức độ nhẹ và trung bình) và 01% có nguy cơ cao (nghiện, có các rối loạn tâm thần mãn tính, cấp độ nặng). Vì vậy, số trường hợp có nguy cơ nghiện trung bình và cao vào khoảng 12% trong số những người sử dụng ATS cần phải điều trị.

2.2. Các can thiệp cho người sử dụng ma túy tổng hợp ATS tùy thuộc vào cấp độ nghiện ATS, cụ thể như:
– Ở mức độ nguy cơ thấp (sử dụng nhưng không gây hại): sử dụng các can thiệp về tâm lý và xã hội nhằm thay đổi hành vi của người sử dụng ma túy ATS (giảm tiến tới không sử dụng ATS). Các can thiệp này được tiến hành ở cộng đồng, không cần vào các cơ sở điều trị nội trú.
– Ở mức độ nguy cơ trung bình và cao (có các rối loạn tâm thần từ nhẹ đến nặng): bên cạnh các can thiệp tâm lý xã hội còn có điều trị các rối loạn tâm thần. Can thiệp này được thực hiện ở các cơ sở y tế, chủ yếu là ở các trung tâm điều trị nghiện chất và bệnh viện tâm thần.
Tại Việt Nam, bệnh viện Tâm thần trung ương 1 đã sử dụng liệu pháp tâm lý Matrix trong hỗ trợ điều trị nghiện và phục hồi chức năng cho 20 bệnh nhân nghiện ma túy dạng amphetamine. Kết quả sau 16 tuần trị liệu cho thấy: Đã có sự thay đổi tình trạng lo âu, trầm cảm, kiến thức – thực hành về việc sử dụng chất dạng amphetamine, nhân cách,lòng tự trọng,lòng tự tin và các kỹ năng của người bệnh sau khi được can thiệp bằng mô hình Matrix. Sau 16 tuần tham gia trị liệu, không có người bệnh nào tái sử dụng ATS (kết quả nước tiểu âm tính)3

2.3. Thuốc trong điều trị nghiện ATS: các nghiên cứu trên thế giới mới xác định 18 loại thuốc tiềm năng điều trị nghiện ATS và các thuốc điều trị dự phòng tái nghiện (thuộc nhóm đồng vận chức năng hoặc chất tạo Serotin).
Tuy nhiên, các thuốc này chỉ dừng lại ở mức độ nghiên cứu mà chưa có bằng chứng thuyết phục rõ ràng để các bác sỹ kê đơn thuốc cho người nghiện. Các nước trên thế giới vẫn tiếp tục nghiên cứu để tìm thuốc điều trị. Trong khi đó, theo báo cáo của UNODC hiện có khoảng 644 loại ma túy thuộc nhóm ATS và các chất ma túy hướng thần mới khác nhau và phần lớn các phòng xét nghiệm trên thế giới đều không xác định được hoạt chất của các loại ma túy mới.


Bộ Y tế. Bệnh viện Tâm thần trung ương 1. Báo cáo kết quả khoa học công nghệ đề tài nghiên cứu sử dụng liệu pháp tâm lý Matrix trong hỗ trợ điều trị nghiện và phục hồi chức năng cho người nghiện ma túy tổng hợp dạng amphetamine,tại hội thảo “Điều trị nghiên ma túy tổng hợp dạng Amphetamine (ATS), do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội,21/12/2016

3. Khó khăn, tồn tại
– Gia tăng số lượng người buôn bán ma túy tổng hợp ATS.
– Gia tăng số người có rối loạn tâm thần và các tổn thương do sử dụng ATS.
– Tình trạng kinh tế xã hội: thu nhập thấp, thất nghiệp ảnh hưởng tới việc gia tăng người sử dụng và gây trở ngại tới việc tiếp cận điều trị.
– Thiếu hoặc chương trình can thiệp, điều trị chưa hiệu quả. Thiếu sự tham gia của cộng đồng. Tỷ lệ tuân thủ điều trị thấp, tỷ lệ tái phát cao.
– Thiếu nguồn lực (nhân lực, vật lực) để triển khai các can thiệp.
– Không có thuốc điều trị sẵn có được công nhận hiện nay.
– Chưa có sự kết hợp chặt chẽ giữa hệ thống tòa án, hành pháp, y tế và các đơn vị hỗ trợ xã hội trong quản lý và triển khai các can thiệp.

4. Kế hoạch của một số quốc gia trên thế giới
4.1. Úc: Chính phủ Úc đầu tư 300 triệu đô la Úc đế đáp ứng với dịch ma túy đá, tập trung vào một số hoạt động chính sau: (1) tăng cường các hoạt động dựa vào cộng đồng, mạng lưới địa phương và sự hỗ trợ của gia đình của người sử dụng ma túy tổng hợp ATS; (2) dự phòng có trọng điểm và giáo dục cho những người có nguy cơ; (3) đầu tư cho hệ thống điều trị và hỗ trợ nhân lực ngành y tế; (4) tập trung vào thực thi luật pháp; (5) nghiên cứu, đánh giá các mô hình can thiệp hiệu quả; ban hành các hướng dẫn can thiệp.

4.2. Thái Lan: hiện đang triển khai một số giải pháp như: (1) thực hiện các chiến lược giảm cung, giảm cầu, giảm hại; (2) tăng cường thực thi pháp luật; (3) đang trong quá trình sửa đổi Luật phòng, chống ma túy theo hướng phi hình sự hóa với người sử dụng ma túy; (4) nâng cao nhận thức và sự tham gia của cộng đồng, giảm kỳ thị với người sử dụng ma túy; (5) tăng cường năng lực và chất lượng các dịch vụ dự phòng, điều trị.

4.3. Việt Nam: Ngày 7/4/2017,Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 424/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng,chống ma túy đến năm 2020. Một trong các giải pháp chủ yếu là “Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác điều trị, cai nghiện ma túy. Nghiên cứu,thí điểm, xây dựng quy trình và tiến hành điều trị nghiện ma túy có hiệu quả với từng loại ma túy,đặc biệt là ma túy tổng hợp để áp dụng tại các cơ sở cai nghiện ma túy và cơ sở y tế”. Nghành y tế có nhiệm vụ nghiên cứu và ứng dụng các thuốc, phương pháp y học và phác đồ điều trị dùng trong cai nghiện,điều trị nghiện ma túy,đặc biệt là ma túy tổng hợp và các chất hướng thần mới.

5. Vai trò của cộng đồng
Báo cáo của Robert Ali đánh giá thực trạng sử dụng ATS ở Úc và thiết kế các đáp ứng phù hợp cho thấy “dự phòng vẫn giữ vai trò then chốt” và cần phải “tăng cường sự tham gia của cộng đồng và mạng lưới ở địa phương và sự hỗ trợ nhiều hơn của gia đình người sử dụng”4 . Tại Thái Lan, các biện pháp chính điều trị lệ thuộc ATS đó là: i) Sàng lọc,can thiệp ngắn và chuyển gửi điều trị tại cơ sở y tế; ii) liệu pháp Matrix; iii) trị liệu nhận thức hành 5; iv) Phỏng vấn tạo động lực và v) Liệu pháp điều trị cộng đồng .Chương trình phòng,chống ma túy của Việt Nam đến năm 2020 cũng nhấn mạnh phải tuyên truyền,giáo dục kiến thức về phòng chống ma túy, “chú ý đến tác hại và xu hướng sử dụng matúy tổng hợp,chất hướng thần và một số chất ma túy mới” và “ đổi mới công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng phù hợp với tình hình thực tế”6


Robert Ali. Báo cáo tại hội thảo “Điều trị nghiên ma túy tổng hợp dạng Amphetamine (ATS), do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội,21/12/2016
ApinunAramrattana. Khoa y,trường đại học Chiang Mai. Quản lý lạm dụng và lệ thuộc ATS dựa vào cộng đồng: Bài học từ Thái Lan.
Thủ tướng chính phủ. Quyết định Phê duyệt Chương trình phòng, chống ma túy đến năm 2020.Hà Nội ngày 7/4/2017.