Nhiều chuyên gia trong nước cũng và quốc tế về lĩnh vực y tế công cộng cho rằng: Các tổ chức cộng đồng (CBO) của những người sống chung với HIV và cộng đồng chịu ảnh hưởng chính bởi HIV (Gọi tắt là MARP)
Nhiều chuyên gia trong nước cũng và quốc tế về lĩnh vực y tế công cộng cho rằng: Các tổ chức cộng đồng (CBO) của những người sống chung với HIV và cộng đồng chịu ảnh hưởng chính bởi HIV (Gọi tắt là MARP) được đánh giá là hiệu quả, thân thiện và không thể thiếu trong hệ thống phòng, chống HIV/AIDS. Trong bối cảnh các nhà tài trợ quốc tế đang có chiều hướng cắt giảm,làm thế nào thích ứng với bối cảnh hiện tại, đã có không ít sáng kiến ra đời. Vậy đâu là mô hình lý tưởng cho sự sống còn và bền vững cho hệ thống?
Một số tổ chức cộng đồng (CBO) đã lựa chọn mô hình đăng ký tư cách pháp nhân dưới hình thức doanh nghiệp như là công ty, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh cá thể với mục đích phát triển sinh kế tạo việc làm và thu nhập cho các thành viên trong nhóm.
Hợp tác xã mang tên một dòng sông
Nằm trên đường Nguyễn Viết Xuân, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, có một cửa hàng tạp hóa mang tên Hợp tác xã Thương mại Sông Lam Xanh. Ấn tượng đầu tiên khi đến đây là hình ảnh tấp nập của các thành viên phân công nhau, người bán hàng, người đi giao hàng, cùng với bốn câu thơ ghi phía dưới biển hiệu:
“Thắp nên ngọn lửa hồng;
Ấm áp cả trời đông;
Giữa cõi đời mênh mông;
Cần nhau một tấm lòng”.
“Tôi vô cùng khâm phục trước nghị lực của các em. Ở trong hoàn cảnh như vậy mà các em vẫn vươn lên làm những công việc có ích cho xã hội. Giá cả cũng phải chăng, các em lại nhiệt tình. Do đó, tôi hay mua hàng ở đây”. Chia sẻ của một phụ nữ là khách hàng quen.
Xuất phát điểm là một nhóm Tự lực của những người có HIV, được thành lập vào ngày 01 tháng 10 năm 2008. Với sự hỗ trợ kỹ thuật của Trung tâm Nâng cao Sức khỏe cộng đồng CHP, đến nay số thành viên tham gia lên tới 52 người. Khi được hỏi tại sao lấy tên là Sông Lam Xanh, một thành viên trong Ban điều hành tâm sự. “Vì tỉnh Nghệ An có dòng sông Lam, còn màu xanh tượng trưng cho sự hy vọng ”.
Trong bối cảnh dự án về HIV tại Nghệ An kết thúc, nhu cầu của người sống chung với HIV lại tăng. Đứng trước thách thức đó, Ban điều hành nhóm Sông Lam Xanh đã phải họp đi họp lại nhiều lần và phải cân nhắc rất kỹ mới đi đến quyết định phát triển mô hình doanh nghiệp xã hội. Năm 2011, nhóm được sự hỗ trợ kỹ thuật và khoản tài trợ nhỏ 200 USD từ Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ, thông qua Dự án Sáng kiến Chính sách về Y tế tại Việt Nam (HPI).
Với số vốn ít ỏi đó chỉ là chất liệu để thực hành bài tập về kinh doanh, các thành viên trong nhóm phải góp vốn thêm. Ông Phan Văn Kiên Chủ nhiệm Hợp tác xã bộc bạch: “ Nghệ An là một tỉnh thuộc miền Trung nên văn hóa hơi khắc nghiệt. Trước đây sự kỳ thị với người có HIV tương đối nặng nề nhưng bây giờ những người dân ở đây họ rất ủng hộ mô hình này. Rất nhiều khách hàng đến đây họ không khỏi ngỡ ngàng trước bốn câu thơ ghi trên biển hiệu cửa hàng. Sau khi được các thành viên trong nhóm giải thích, họ hiểu và cảm thông hơn. Tuy nhiên, việc kinh doanh không nên trông đợi sự thương hại mà chất lượng phục vụ luôn được đặt lên hàng đầu. Vấn đề kinh doanh chỉ để nhóm tồn tại và duy trì hoạt động, nhóm không phải để làm giàu. Hoạt động cộng đồng chủ yếu là tìm thấy niềm vui. Một nhóm Tự lực có tư cách pháp nhân đầy đủ cũng dễ giao dịch và nói chuyện với chính quyền địa phương hơn”.
Mô hình Hợp tác xã Sông Lam Xanh đã được một số tổ chức mời tham gia chia sẻ kinh nghiệm, trong các hội nghị, hội thảo. Trong hội nghị đối thoại chính sách năm 2012 tại Hà Nội, ông Kiên chia sẻ về tầm nhìn của tổ chức. “Hợp tác xã Sông Lam Xanh sẽ trở thành một doanh nghiệp xã hội chuyên nghiệp hơn, với mong muốn mở rộng mô hình sinh kế tạo việc làm cho người có HIV tại địa phương và nhân rộng mô hình này ra một số tỉnh lân cận”.
Bà Phó giám đốc Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh Nghệ An đã mời các thành viên trong Ban điều hành nhóm Sông Lam Xanh đi ăn trưa và có lời động viên khen ngợi kịp thời. “Các anh em đã đi tiên phong và làm rất nhiều việc tốt cho Nghệ An, cần phát huy nhiều hơn nữa”.
Các bạn trong nhóm Sông Lam Xanh duy trì được hoạt động của nhóm là do nhiều yếu tố hội tụ: thiên thời, địa lợi và nhân hòa, sự lãnh đạo của trưởng nhóm và các thành viên trong Ban điều hành và một phần không thể thiếu được là ngọn lửa của lòng nhiệt tình.
Tổ hợp tác Đất Mỏ Quang Hanh
Cùng thời điểm với Sông Lam Xanh một số nhóm Tự lực cũng phát triển theo hướng sinh kế nhưng không được thuận lợi. Ban điều hành nhóm Đất Mỏ Quanh Hanh lựa chọn mô hình sinh kế đóng than tổ ong, một loại than tiết kiệm trong sinh hoạt của người dân và đăng ký dưới hình thức tổ hợp tác. Ông Quang trưởng nhóm cho biết: “Tôi có khát vọng muốn làm được cái gì đó cho người có HIV ở đất mỏ này. Mới đầu, tôi không biết đường đi nước bước do không có người chỉ đường dẫn lối. Giữa trưa trời nắng, với cái nắng nóng như thiêu, như đốt của mùa hè, nhiều lần hai vợ chồng tôi phải đi xe máy từ Quang Hanh xuống thị xã Cẩm Phả để hỏi về thủ tục đăng ký tư cách pháp nhân dưới hình thức Tổ hợp tác”.
Cho đến nay, nhóm Đất Mỏ Quang Hanh vẫn tiếp tục duy trì hoạt động và tham gia phòng, chống HIV/AIDS như hỗ trợ chăm sóc tại nhà, tư vấn, chuyển gửi và sinh hoạt nhóm tương đối đều đặn.
Theo đánh giá của những người có kinh nghiệm làm kinh doanh, đối với mô hình đóng than tổ ong quả thực khó cạnh tranh với những hộ gia đình đi trước vì họ có máy móc, có nhân công với sức khỏe tốt. Giá mua than theo nguồn chính thống từ các công ty khá cao dẫn tới giá thành và giá bán cao. Hơn nữa, vốn ít, mua nhỏ lẻ họ cũng không bán, còn mua than từ các nhóm tội phạm (than thổ phỉ) là bất hợp pháp.
Ban điều hành nhóm Đất Mỏ Quang Hanh đã kịp thời linh hoạt chuyển đổi sang mô hình khác mang tính khả thi hơn, thay vì đóng than tổ ong, các thành viên đi giao than và chăn nuôi để tạo thu nhập. Đã có tổ chức Phi chính phủ Việt Nam đặt vấn đề hợp tác với nhóm về dự án đi chăm sóc tại nhà nhưng thu phí. Tuy nhiên, với kinh nghiệm xương máu từ mô hình than tổ ong, Ban điều hành nhóm còn phải cân nhắc chưa quyết định. Cũng có gia đình có con em của họ là người có HIV sẵn sàng trả phí nhưng số đó là bao nhiêu vẫn chưa có nghiên cứu. Theo nhận định của những người trong cuộc, rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn đã trở nên khánh kiệt do gánh nặng về y tế và số khác họ sợ lộ thông tin ra ngoài.
Những rủi ro khó lường trước
Bên cạnh những mô hình thành công có không ít mô hình đã thất bại ngay từ khi khởi nghiệp.Nhóm Hoa Bất Tử Vân Đồn lựa chọn mô hình nuôi tù hài và đăng ký dưới hình thức hộ kinh doanh cá thể nhưng đã xảy ra rủi ro vì tù hài bị chết sạch do bệnh dịch. Mô hình sản xuất nhang để cung cấp cho thị trường nhằm phục vụ nhu cầu tâm linh của người dân địa phương cũng đăng ký với hình thức Tổ hợp tác do nhóm Hy Vọng tại tỉnh An Giang thực hiện chưa rõ kết quả và cho đến nay, không ai nói đến mô hình này nữa.
Đăng ký tư cách pháp nhân cho các nhóm, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều từ phía các nhà hoạt động xã hội, các chuyên gia và những người làm chương trình. Tư cách pháp nhân cho các tổ chức cộng đồng (CBO) đúng là điều kiện cần nhưng có lẽ chưa đủ. Tư cách pháp nhân có phải là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển bền vững hay không? Gây quỹ bằng mô hình sinh kế được coi là mục đích hay phương tiện để tham gia các hoạt động xã hội? “Một đứa trẻ sinh ra, nó cần phải bú rồi mới ăn bột, tập lãy, tập ngồi, tập bò, rồi mới tập đi và tập nói. Tóm lại phải có lộ trình”, đó là ý kiến của một chuyên gia về phát triển tổ chức cộng đồng.
Mỗi nhóm đều có một thế mạnh riêng, vậy làm thế nào để tiếp cận dựa trên điểm mạnh của họ là vấn đề không dễ. Họ phải biết mình là ai, đang ở đâu, sẽ đi đâu và đi như thế nào mới đến đích thành công..
Đồng Đức Thành