Sự kỳ thị vốn đã tồn tại trong xã hội và tiềm thức của con người bao gồm giữa những người có học thức, bằng cấp và người ít học, nông thôn và thành thị, giàu và nghèo, sống chung và chưa sống chung với HIV.
Sự kỳ thị vốn đã tồn tại trong xã hội và tiềm thức của con người bao gồm giữa những người có học thức, bằng cấp và người ít học, nông thôn và thành thị, giàu và nghèo, sống chung và chưa sống chung với HIV…Nhưng một số người cung cấp dịch vụ và một số người làm công tác xã hội cũng phân biệt giữa các nhóm dễ bị tổn thương và ngay trong một nhóm dễ bị tổn thương cũng xuất hiện kỳ thị giữa các phân nhóm.
Tôi là một người sống chung với HIV và trước đây đã từng làm việc cho một số tổ chức Phi chính phủ quốc tế. Trong một số lần đi khám sức khoẻ định kỳ, người bác sĩ làm công việc siêu âm cầm tờ giấy chuyển gửi từ bác sĩ chuyên khoa trên tay và đọc rồi hỏi. “Anh có biết tại sao nhiễm HIV hay không?” Tôi trả lời “Dạ em bị từ chị em ạ”. Người bác sĩ cười và nói tiếp. “Chị em tốt đấy chứ tiêm chích thì gay”. Câu chuyện giữa tôi và bác sĩ vẫn tiếp tục và rôm rả cho đến khi kết thúc.
Là một người làm công tác xã hội và truyền thông do đó tôi cũng khá là nhạy cảm về các vấn đề liên quan đến con người. Trong những lần khám sau tôi bắt đầu để ý quan sát thái độ của người bác sĩ. Anh dành cho tôi sự ân cần và chu đáo,còn đối với một số anh em nhìn bề ngoài có vẻ giống người sử dụng ma tuý thì thái độ của anh ấy lại khác. Tôi nghĩ đến phải chăng có sự phân biệt giữa các nhóm dễ bị tổn thương và ngay cả giữa những người sống chung với HIV. Một số người là doanh nhân hoặc cán bộ bị lây nhiễm qua quan hệ tình dục có vẻ như giữ một khoảng cách nào đó hoặc không muốn giao tiếp với các bạn tiêm chích ma tuý.
Nhận định của tôi dần dần được rõ hơn qua những tiếp xúc với những người làm công tác xã hội trong những lần tiếp theo. Một lần đi các tỉnh phía Bắc với một chị đồng nghiệp, tôi đã làm việc đánh giá nhu cầu các nhóm dễ bị tổn thương. Lúc ăn cơm tối, chúng tôi đã cùng nhau nói chuyện và trao đổi quan điểm về phụ nữ lao động tình dục. Chị ấy cho rằng “Một số dự án lại làm công việc hỗ trợ, thậm chí là nâng cao vị thế của phụ nữ lao động tình dục. Họ kiếm được nhiều tiền lại được dự án cho làm đồng đẳng, vẫn có thể tiếp tục “làm thêm”. Trong khi lương của em làm cán bộ mới chỉ đủ ăn. Trong xã hội còn bao nhiêu nhóm yếu thế cần sự hỗ trợ”.
Có nhiều người cho rằng lao động tình dục vừa vui vẻ vừa được tiền, nhưng trên thực tế đây là công việc hết sức nguy hiểm. “Chúng em có thể bị hiếp dâm tập thể, bị lây truyền các bệnh qua quan hệ tình dục, thậm chí là HIV, viêm gan siêu vi B,C, bị buôn bán, bạo lực, quỵt tiền và còn bao nhiêu rủi ro khác luôn rình rập” Đây là sự chia sẻ của một phụ nữ đã từng làm lao động tình dục, hiên nay lànhân viên tiếp cận đồng đẳng của dự án, Có nhiều người lại khuyên họ tại sao không tìm công việc khác để làm như là làm giúp việc chẳng hạn? Tôi muốn đặt câu hỏi ngược lại rằng. Nếu ai đó biết quá khứ của họ liệu có chấp nhận tuyển dụng họ hay không? Con người ai cũng muốn được tôn trọng, không bị kỳ thị, thành công và có vị trí trong xã hội như là trở thành giáo viên, bác sĩ…Nhưng thực tế không phải ai cũng may mắn có cơ hội học hành và có nghề nghiệp cũng như trình độ để đáp ứng với công việc đó.
Tôi còn nhớ một chị giảng viên khoa công tác xã hội cho biết. “Một số sinh viên ngành công tác xã hội hiện nay phân biệt giữa nhóm dễ bị tổn thương đáng thương và nhóm dễ bị tổn thương có tội. Nhóm đáng thương như là người mù, người khuyết tật còn nhóm có tội bao gồm các nhóm liên quan đến tệ nạn xã hội như là phụ nữ bán dâm, người sử dung ma tuý. Nhóm đáng thương thì cần quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn còn các nhóm kia thì họ đáng bị như vậy”.
Tôi không dám phán xét về điều này vì ai cũng có quan điểm riêng của họ nhưng tôi và một số đồng nghiệp khác cho rằng. “Tất cả những nhóm dễ bị tổn thương nên được đối xử và hỗ trợ như nhau và đã nhiễm HIV thì ai cũng như ai”. Đây chỉ là một phát hiện mang tính cá nhân. Mặc dù chưa có bằng chứng thông qua khảo sát, biết đâu đây là gợi ý đối với các chuyên gia và các giảng viên có nên tiến hành một nghiên cứu để làm căn cứ và cơ sở cho can thiệp đối với những người làm công tác xã hội hoặc cung cấp dịch vụ và cho các em sinh viên ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.
Đồng Đức Thành