Trang Chủ Tin tức Dấu lặng buồn ở miền biên ải xứ Nghệ

Dấu lặng buồn ở miền biên ải xứ Nghệ

111
0

“Hết khai thác đá đỏ, lại đến lên rừng “kéo” gỗ. Khi đá và gỗ cạn kiệt, rừng núi bị tàn phá, bản làng bắt đầu trắng màu khăn tang vì căn bệnh “lạ” xuất hiện.

902 người nhiễm HIV

Chúng tôi có mặt tại xã Châu Hạnh, huyện miền núi Quỳ Châu vào một ngày cuối năm. Gần Tết nhưng không khí nơi đây vẫn trầm lắng lạ kỳ. Dạo quanh bản Kẻ Nính, tôi bắt gặp một vài ngôi nhà sàn đồ sộ bằng gỗ lim quý, vài cô gái Thái buông tóc gội đầu bên suối, nhưng ít ai biết đằng sau vẻ thơ mộng đó là cả một nỗi buồn đến hoang lạnh.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Hủn Vi Trường – Giám đốc Trung tâm Y Tế huyện Quỳ Châu cho biết, tính đến cuối năm 2016, toàn huyện đã ghi nhận 902 trường hợp nhiễm HIV, đặc biệt tỷ lệ trong độ tuổi lao động chiếm khá cao. Bên cạnh đó, ở đây có đến 12/12 xã, thị trấn có người nhiễm HIV. Hiện tại, huyện đang xây dựng thêm 2 điểm vệ tinh cấp phát Methadone tại xã Châu Tiến và Châu Bình.

0001

Đường vào bản Kẻ Nính-Ảnh: Bình Nguyên

Ông Trường tâm sự, người Thái ở các làng bản xa trung tâm, vẫn còn đói cái chữ. Nhiều người đến phòng xét nghiệm không ký nổi cái tên của mình; đi xét nghiệm HIV chỉ dám xuyên qua đường tắt, luồn đường rừng vì sợ bị kỳ thị. Ông Trường khẳng định, Quỳ Châu đã trở thành “rốn” ma túy của cả tỉnh Nghệ An. Thời gian qua cộng tác viên đã phát cho người nghiện ma túy 36.000 bơm kim tiêm sạch và thu gom 4.000 bơm bẩn.

Thiếu việc làm, thiếu hiểu biết… thiếu đủ thứ

Khi được hỏi về nguyên nhân khiến tình trạng nhiễm HIV tăng cao, anh Nguyễn Trọng Khánh, cán bộ Trung tâm Y tế lý giải, gốc rễ của dịch bệnh là do tàn tích từ cơn lốc đá đỏ từ quá khứ. Hơn hai chục năm trước, đất này được mệnh danh là “thủ phủ đá đỏ”. Hiện tại, nhiều người nghiện không có thu nhập và việc làm ổn định. Nên dù được đi cai, trở về, thiếu việc làm, nhàn rỗi sinh buồn chán nên họ vẫn tìm đến ma túy để giải tỏa.

Từ góc nhìn của một bác sĩ hằng ngày tiếp xúc với bệnh nhân, anh chia sẻ, cuộc chiến chống HIV ở đây không thể triệt để nếu chưa giải quyết được việc làm cho người dân trên địa bàn. Do điều kiện địa lý, kinh tế kém phát triển nên người dân phải bỏ xứ đi làm ăn xa. Nhiều người không muốn xét nghiệm vì xấu hổ, họ sợ các đồng đẳng viên đến nhà tiếp cận mình để báo công an bắt đi cai nghiện tập trung. Bên cạnh đó, nhiều người nhiễm HIV vẫn mang nặng tư tưởng chán nản, bất mãn với cuộc sống nên không kiên trì điều trị và bất hợp tác với cán bộ y tế.

0002

Dấu vết khai thác gỗ một thời -Ảnh: Bình Nguyên

Dẫn tôi đi khắp bản, anh M.V.L – một tiếp cận viên ở xã Châu Hạnh trải lòng, đến bây giờ người dân ở đây vẫn ám ảnh câu xẩm: Anh đi đào đá đỏ, ở vùng mỏ Quỳ Châu. Anh biết tìm đâu, tìm đâu ra đá đỏ. Cuối năm 1991, người tứ xứ khắp nơi đổ về đây tìm đá. Họ xới tung cả nghĩa trang, ruộng đồng của người Thái. Giang hồ, trộm cướp, ma túy được dịp hoành hành. Sau tất cả chỉ còn là những hoang tàn, bệnh tật và nghèo đói. Lốc đá đỏ qua đi, bão gỗ lại kéo đến.

Trước đây, gỗ lim, sến bao bọc lấy làng. Dân lên rừng, chỉ chặt đủ gỗ cần thiết. Rồi các “đầu nậu” gỗ dưới xuôi lên với bao điều hứa hẹn. Dân bản bỏ ruộng lúa, nương ngô, xắn quần, vác thuổng hòa cùng nhóm người tiến dần vào đỉnh Pu Tôn, Pu Xen chặt gỗ. Có tiền, một bộ phận người dân thường tụ tập chơi bời, các tệ nạn như nghiện hút, trộm cắp, mại dâm được dịp hoành hành. Nhiều người dân đi “kéo” gỗ trong rừng, xa vợ con nảy sinh tâm lý buồn chán bị các chủ gỗ dụ dỗ sử dụng ma túy. Khi lên cơn nghiện, không có điều kiện mua kim tiêm mới nhiều người dùng chung một bơm kim tiêm.

0003

Một ngôi nhà ở xã Châu Hạnh-Ảnh: Bình Nguyên

Cũng như nạn đá đỏ trước đây, gỗ cũng đến hồi cạn kiệt. Dân bản lại lũ lượt kéo về. Trong một thời gian ngắn, dân Quỳ Châu hứng hai cái bão quá lớn: bão gỗ và bão đá đỏ. Đất đai bị xới tung lên, rừng bị tàn phá, rồi con người phải trả giá với bệnh tật, nghèo đói, tệ nạn…. Cái giá đắt quá! Với những phức tạp về điều kiện tự nhiên – xã hội, cuộc chiến phòng chống HIV/AIDS ở huyện miền biên ải Nghệ An vẫn đang diễn ra quyết liệt, cam go. Bên cạnh những can thiệp phòng, chống HIV/AIDS đang triển khai, thiết nghĩ của các lực lượng chức năng cũng cần tính đến việc tạo được sinh kế ổn định cho bà con dân tộc trên địa bàn.

Bình Nguyên