Một nghiên cứu quốc tế vừa công bố hôm 25 tháng 7 năm 2017 tại Hội nghị quốc tế về AIDS, Paris, Pháp (IAS 2017) cho thấy rằng trong số các cặp đồng tính nam mà một trong hai người có HIV dương tính nhưng có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện nhờ vào điều trị bằng thuốc kháng virus thì không có trường hợp nào lây nhiễm cho bạn tình âm tính của họ.
Giáo sư, tiến sĩ Andrew Grulich
Nghiên cứu này được thực hiện trên 343 cặp đồng tính nam. Mỗi cặp đều có một người nhiễm HIV và người còn lại thì không. Cho đến nay nghiên cứu đã không thấy có trường hợp nào xảy ra lây nhiễm HIV trong các cặp đồng tính nam đang tham gia nghiên cứu mặc dù họ đã có đến 16.889 lần quan hệ tình dục xâm nhập qua đường hậu môn.
Nghiên cứu thuần tập mang tên “Opposites Attract” có mục đích nhằm tìm hiểu xem liệu giữa những cặp bạn tình là người đồng tính nam – trong có có một người có HIV dương tính nhưng được điều trị và ức chế được hoàn toàn virus, còn người còn lại thì âm tính có xảy ra trường hợp lây nhiễm HIV nào cho người bạn tình âm tính với HIV hay không. Những người dương tính với HIV trong các cặp đồng tính nam tham gia nghiên cứu Opposites Attract đều có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện trong 98% thời gian trong suốt giai đoạn nghiên cứu.
Opposites Attract định nghĩa tải lưỡng virus dưới ngưỡng phát hiện là khi số lượng phiên bản virus HIV trong một ml máu dưới 200. Nghiên cứu đã được thực hiện và theo dõi trên các cặp đồng tính nam tại các phòng khám tại Úc, Thái Lan và Brazil. Các bằng chứng trong nghiên cứu Opposites Attract đã củng cố thêm bằng chứng cho nghiên cứu trước đó có tên là The PARTNER Study rằng những có HIV dương tính đang được điều trị hiệu quả và ức chế được hoàn toàn virus thì không còn khả năng lây truyền virus này qua quan hệ tình dục. Tuy nhiên nghiên cứu PARTNER đã được thực hiện trên cả những cặp đôi dị tính lẫn đồng tính nam.
Số liệu từ nghiên cứu này đã củng cố cho nhận định rằng “Tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện đồng nghĩa với việc không có khả năng lây nhiễm” (Undetectable equals Untransmittable) – một nhận định đã được đồng thuận bởi Hiệp hội Quốc tế về AIDS – International AIDS Society.
Giáo sư, tiến sĩ Andrew Grulich từ Viện Kirby của Trường Đại học Wales, Sydney và đồng thời cũng là lãnh đạo của cuộc nghiên cứu nói trên đã đưa ra kết luận về kết quả của nghiên cứu rằng: “Dữ liệu của chúng tôi củng cố cho các nghiên cứu trước đây cho thấy rằng chưa có trường hợp lây truyền HIV từ một người HIV dương tính cho bạn tình quan hệ tình dục đồng giới nam khi người bạn tình HIV dương tính có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện.”
“Đây là một tin mang ý nghĩa thay đổi cuộc sống cho những cặp đôi HIV trái dấu”, Giáo sư Grulich nói. “Nhưng điều quan trọng là người sống với HIV cần được chăm sóc y tế định kỳ đều đặn và không quên bất kỳ liều thuốc kháng virus nào để giữ cho tải lượng virus HIV của họ dưới ngưỡng phát hiện”.
Matthew Hodson – Giám đốc điều hành chuyên trang khoa học về AIDS đã hoan nghênh những số liệu mới được tìm ra này. “Nhiều năm trở lại đây, chúng ta đều biết rằng việc điều trị HIV không những giúp giảm tỷ lệ tử vong mà còn giảm nguy cơ lây nhiễm cho người khác. Do đó, chúng tôi tự tin rằng sẽ có những chuyển biến tích cực diễn ra khi chúng ta không còn xem những người dương tính với HIV và đang điều trị hiệu quả là mối nguy cơ lây nhiễm cho bạn tình của họ nữa.”
Matthew Hodson nói tiếp, “Trong nhiều năm, những người sống với HIV luôn nghĩ rằng cơ thể của họ là mối nguy hiểm cho cộng đồng. Ý nghĩ này có tác động tiêu cực lớn lao tới tinh thần của nhiều người sống với HIV. Thật tuyệt khi giờ đây, với những dữ liệu của các nghiên cứu mới được tìm ra đã thay đổi hoàn toàn cách chúng ta suy nghĩ.”
Khả năng dự phòng của việc điều trị HIV hiệu quả đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở rộng tiếp cận điều trị và cải thiện việc tiếp nhận và tuân thủ điều trị cho mọi người sống chung với HIV trên toàn thế giới.
Hội nghị Quốc tế về AIDS (IAS 2017) – một hội nghị lớn nhất thế giới quy tựu hơn 6000 người gồm các nhà nghiên cứu, bác sĩ, chuyên gia trong trị liệu và nhà hoạt động xã hội về HIV/AIDS được tổ chức mỗi hai năm một lần tại Paris.
Nguyễn Lâm Duy Quý