Những năm gần đây nước ta đã xuât hiện các chất ma tuý tổng hợp rất nguy hiểm, đặc biệt là các chất ma tuý kích thích dạng amphetamine (viết tắt là ATS) có xu hướng gia tăng rất mạnh. Đáng lo ngại là việc sử dụng ATS đang tăng lên, phổ biến trong nhóm nam có quan hệ tình dục đồng tính (MSM).
Các chất ma tuý thuộc nhóm ATS như amphetamine, methamphetamine, MDMA (3, 4 methylenedioxymethaphetamine, còn gọi là Ecstasy). Nếu dùng ATS thời gian dài sẽ gây nghiện. Người sử dụng ATS thường thiếu ngủ, chán ăn, đánh trống ngực, chóng mặt và các dấu hiệu cường giao cảm như: tăng huyết áp, tăng thân nhiệt và rối loạn tâm thần, rối loạn nội tiết, rối loạn tâm sinh lý và nhiều chức năng khác của cơ thể. Dùng ATS liều cao bằng nhiều hình thức như tiêm chích, hút, hít… Nhưng hiện nay, hình thức sử dụng ATS phổ biến nhất là dạng thuốc viên (như viên nhộng, viên nén) có kích thước, màu sắc, kí hiệu khác nhau.
TS. Cathy J. Reback, Viện nghiên cứu Chương trình lồng ghép điều trị lạm dụng chất, Đại học California, Los Angeles cho biết, đồng tính nam và nam giới lưỡng tính ở Mỹ thường sử dụng ATS, đặc biệt là Methamphetamine khi quan hệ tình dục.
Một điều tra nghiên cứu trên gần 300 người MSM sử dụng Methamphetamine ở các điểm xét nghiệm ẩn danh tại San Francisco, California, Hoa Kỳ cho thấy tỷ lệ nhiễm mới HIV ước tính trong nhóm này là 6.3% so với 2.1% trong số hơn 2.700 người MSM không sử dụng ma túy. Như vậy, việc sử dụng ATS gây nên các hành vi tình dục có nguy cơ, vì thế cũng làm cho tỷ lệ nhiễm mới HIV trong nhóm này gia tăng cao gấp 3 lần bình thường.
Việt Nam cũng là nước nằm trong khu vực có 60% người sử dụng ATS trên thế giới. Việc sử dụng ATS bắt đầu từ năm 2000 và bắt đầu tăng nhanh từ sau năm 2007. Tuy nhiên, tại Việt Nam, Heroin vẫn đang là loại ma túy sử dụng nhiều nhất, Methamphetamine và Ecstasy là chất phổ biến thứ 2 sau heroin.
Theo TS. Cathy J. Reback, nhóm MSM chuộng sử dụng ATS vì làm tăng mối quan hệ giữa nhân dạng đồng tính, tình dục đồng tính; tăng cường chức năng tình dục; tăng trải nghiệm tình dục và cảm giác tình dục…Chính vì vậy, ngày càng có nhiều MSM sử dụng ATS.
Việc sử dụng ATS có liên quan mật thiết với lây nhiễm HIV. Thời gian sử dụng ATS càng lâu thì nguy cơ nhiễm HIV càng lớn. Do đó, giảm sử dụng ATS, đồng thời sẽ giảm được các hành vi tình dục có nguy cơ lây nhiễm HIV và giúp tăng cường tuân thủ điều trị HIV đối với những người nhiễm HIV.
Hình thức sử dụng ATS phổ biến nhất là dạng thuốc viên (như viên nhộng, viên nén)
có kích thước, màu sắc, kí hiệu khác nhau
Tuy nhiên, điều trị ATS tại Việt Nam đang tồn tại những vấn đề bất cập, chẳng hạn như không có hướng dẫn chẩn đoán lệ thuộc ATS, không có hướng dẫn điều trị, điều trị loạn thần cấp tại bệnh viện tâm thần, thử nghiệm mô hình Matrix tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 và chỉ điều trị nhóm nhỏ trong 2 tháng nên không theo dõi được bệnh nhân sau thời gian nội trú.
Theo TS. Cathy J. Reback điều trị lạm dụng ATS trong nhóm MSM là nhu cầu cấp thiết, cần xây dựng hệ thống sàng lọc và can thiệp ngắn tại các cơ sở y tế ban đầu. Việt Nam cũng có thể xây dựng hệ thống chăm sóc tại nhà và tổ chức điều trị ngoại trú cho cávc trường hợp lệ thuộc sử dụng liệu pháp tâm lý xã hội và thuốc điều trị Việc điều trị lạm dụng ATS trong nhóm MSM có nhiều biện pháp can thiệp rất đa dạng, từ cường độ thấp, giảm hại cho tới các can thiệp cường độ trung bình và điều trị ngoại trú cường độ cao.
Cụ thể, đối với các can thiệp cường độ thấp, giảm hại nhằm làm giảm nguy cơ/thiệt hại của bản thân mà không cần phải kiêng hoàn toàn. Trong biện pháp can thiệp này, đồng đẳng viên hoặc cán bộ tiếp cận cộng đồng có thể là “các hình mẫu vai trò” quan trọng. Can thiệp cường độ thấp có thể triển khai ở các tổ chức dựa vào cộng đồng, bệnh viện, trung tâm y tế công cộng và ngay cả trên đường phố.
Đối với can thiệp cường độ trung bình, sử dụng y tế di động (kỹ thuật y tế di động) và các can thiệp hành vi sinh học hoặc liệu pháp dự phòng kết hợp, ví dụ như dự phòng sau phơi nhiễm HIV (PEP), chăm sóc tiêu chuẩn sau khi bị phơi nhiễm nghề nghiệp với máu hoặc với dịch cơ thể có máu nhiễm HIV tại các cơ sở y tế. Đồng thời, khuyến nghị phòng, chống lây nhiễm HIV đối với các hành vi nguy cơ cao.
Các chiến lược điều trị cường độ cao bao gồm điều trị ngoại trú chuyên sâu, liệu pháp trị liệu tâm lý và hành vi như trị liệu nhận thức hành vi (CBT), quản lý hành vi tích cực và kết hợp trị liệu CBT. Bên cạnh đó, có thể triển khai các can thiệp y tế di động cùng với các trị liệu khác để đạt được kết quả tối ưu.
(Th Theo Thùy Chi Tiếng Chuông.vn)