Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone đã triển khai 10 năm nay và hiện nay vẫn là phương pháp điều trị có hiệu quả và đem lại nhiều lợi ích về sức khỏe, kinh tế và trật tự an toàn xã hội cho những người nghiện các chất dạng thuốc phiện. Mặc dù xu hướng người sử dụng ma túy tổng hợp tăng lên nhưng theo báo cáo của Bộ Công an, số người nghiện các chất dạng thuốc phiện vẫn chiếm đa số. Do vậy đây vẫn là biện pháp can thiệp cần thiết và hiệu quả cho những ai đang sử dụng các chất dạng thuốc phiện này.
Lợi ích của Methadone:
– Methadone giúp dừng hoặc giảm sử dụng ma túy bất hợp pháp: Methadone là chất đồng vận với chất dạng thuốc phiện, khi vào cơ thể Methadone chiếm chỗ các thụ cảm thể do đó tranh chấp vị trí gắn kết thụ cảm thể với Heroin và khóa các tác dụng của Heroin. Nghiên cứu ở 6 chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone ở Hoa Kỳ cho thấy tỷ lệ tiêm chích ma túy giảm từ 100% tại thời điểm bắt đầu điều trị xuống 28,9% sau 4 năm điều trị. Tại Việt Nam, nghiên cứu thuần tập 965 người bệnh năm 2009-2011 của Bộ Y tế cho thấy tỷ lệ phần trăm còn sử dụng heroin giảm từ 100% khi bắt đầu điều trị xuống 27,5% ở tháng thứ 3 và tiếp tục giảm còn 15,9% sau hai năm điều trị.
– Methadone giúp làm giảm tỷ lệ tiêm chích ma túy trong nhóm bệnh nhân tham gia điều trị, từ đó giúp giảm nguy cơ lây truyền các bệnh qua đường máu như HIV, Viêm gan B, C. Methadone là thuốc được sử dụng qua đường uống nên người bệnh không còn tiêm chích ma túy hoặc giảm tần suất tiêm chích từ đó giảm nguy cơ lây truyền các bệnh qua đường máu. Tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện (CDTP) bằng thuốc Methadone, người bệnh sẽ được cung cấp thông tin về các biện pháp can thiệp giảm nguy cơ như tình dục an toàn, không dùng chung bơm kim tiêm, đối với người bệnh có HIV dương tính sẽ được giới thiệu chuyển gửi và điều trị sớm giúp giảm khả năng lây nhiễm cho người khác. Nghiên cứu do tác giả Metzger và cộng sự năm 1993 công bố sau 5 năm nghiên cứu, nếu được điều trị Methadone, tỷ lệ bệnh nhân chuyển thành dương tính HIV chỉ tăng 8% (từ 13% lên 21%) so với tỷ lệ tăng 30% nếu không được điều trị Methadone (từ 21% lên 51%); Tại Việt Nam, sau 24 tháng theo dõi, tỷ lệ chuyển thành dương tính HIV ở 956 người bệnh điều trị Methadone chỉ là 1 người.
– Giảm tỷ lệ tử vong do quá liều heroin: Methadone cạnh tranh và khóa tác động của heroin tại các thụ cảm thể do đó hạn chế việc người bệnh dùng quá liều heroin. Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy, với liều Methadone trên 60mg điều trị cho người nghiện các CDTP có tác dụng bảo vệ, giảm tử vong do quá liều khi dùng thêm heroin. Phải dùng liều heroin rất lớn (hơn nhiều lần so với bình thường) mới gây hiện tượng quá liều. Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ tử vong do quá liều heroin ở người nghiện không được điều trị cao hơn gấp gần 7 lần so với những người được điều trị Methadone. Ở Việt Nam, sau 5 năm triển khai chương trình điều trị nghiện bằng thuốc Methadone cho trên 15.000 người bệnh, chưa có trường hợp nào tử vong do quá liều heroin.
– Cải thiện chức năng gia đình và tình trạng kinh tế: Người bệnh khi tham gia điều trị Methadone sẽ giảm dần và tiến tới không còn lệ thuộc vào ma túy, người bệnh dần phục hồi sức khỏe, ổn định tâm lý, ổn định cuộc sống, tham gia vào các hoạt động lành mạnh khác, tái hòa nhập cộng đồng. Tham gia điều trị bằng Methadone giúp làm giảm đáng kể chi phí đối với các gia đình có người nghiện các chất dạng thuốc phiện. Nếu trước điều trị chỉ có 64,04% người bệnh có việc làm thì sau 24 tháng điều trị đã có 75,9% người bệnh có việc làm. Thu nhập của gia đình người bệnh cũng tăng theo thời gian từ 2,6 triệu đồng/tháng sau 6 tháng điều trị lên đến 3,2 triệu đồng/tháng sau 24 tháng điều trị do người bệnh có thể đi làm bình thường.
– Giảm tội phạm liên quan đến ma túy: Người nghiện dừng và giảm sử dụng heroin, từ đó giảm các hành vi phạm pháp nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng heroin. Tình hình trật tự, an ninh xã hội và an toàn của cộng đồng nơi có người nghiện ma túy cũng được cải thiện (tỷ lệ người bệnh tự báo cáo có các hành vi vi phạm pháp luật đã giảm từ 40,8% xuống chỉ còn 1,34% sau 24 tháng điều trị); Theo báo cáo của Công an quận Lê Chân – Thành phố Hải Phòng, sau 6 tháng triển khai chương trình điều trị Methadone, số vụ trộm cắp vặt liên quan đến người nghiện ma túy tại khu vực Bệnh viện Việt Tiệp giảm 60 – 70%, vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy khu vực chợ Sắt giảm hơn 70%.
– Giảm chi phí đầu tư vận hành: Vì thuốc Methadone rẻ, cơ sở điều trị Methadone là cơ sở điều trị ngoại trú nên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực không nhiều. Để xây một cơ sở điều trị Methadone cho 250 người bệnh cần từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng; chi phí vận hành cho 1 cơ sở công suất từ 250 người bệnh là 1,4 tỷ đồng/năm. Giá thuốc Methadone thấp, trung bình một người nghiện chỉ tiêu tốn 7.500 đồng/ngày tương đương 2.750.000 đồng/năm. Nghiên cứu Kết quả Điều trị Quốc gia (NTORS) của Vương Quốc Anh cho thấy 1 đô la Mỹ đầu tư vào điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone thu được 3 đô la Mỹ nhờ giảm chi phí xét xử tội phạm liên quan đến ma túy và tiết kiệm cho cộng đồng từ 7 đến 10 lần chi phí pháp luật, thực thi pháp luật/trại giam, sức khỏe, xã hội, bảo hiểm và tử vong.
Có thể nói điều trị nghiện bằng Methadone đã được các nước trên thế giới và ở Việt Nam đánh giá đem lại nhiều hiệu quả cho người nghiện, gia đình họ và xã hội. Người nghiện giảm và tiến tới dừng sử dụng ma túy bất hợp pháp, không còn nhu cầu bức bách kiếm tiền để mua ma túy nên giảm tội phạm và giảm bạo lực gia đình, họ có khả năng lao động và tạo thu nhập, được sống hòa nhập với gia đình và cộng đồng, chi phí điều trị thấp.
Nhiều kết quả đã được nhưng cũng còn nhiều khó khăn:
Tại Việt Nam, điều trị nghiện các các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone (MMT) bắt đầu triển khai từ năm 2008. Sau 1 năm triển khai thí điểm và đánh giá kết quả chương trình thí điểm thấy hiệu quả tốt, Chính phủ đã cho phép mở rộng chương trình ra toàn quốc và đặt mục tiêu điều trị 80.000 bệnh nhân trên toàn quốc.
Với sự nỗ lực của các địa phương, đến 30/9/2017, cả 63 tỉnh/thành phố đã triển khai điều trị Methadone cho 52.572 bệnh nhân tại 302 cơ sở điều trị. Có thể nói đây là can thiệp lớn nhất cho những người nghiện chất dạng thuốc phiện từ trước tới nay.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nguồn lực dành cho phòng, chống HIV/AIDS liên tục cắt giảm, bao gồm cả ngân sách nhà nước và vốn viện trợ quốc tế, làm ảnh hưởng đến việc triển khai mở rộng các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS trong đó có điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng Methadone. Nhiều địa phương chưa bố trí đủ nguồn lực về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thiếu nhân lực và kinh phí. Tuyên truyền về điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng Methadone chưa sâu rộng, nhiều người chưa hiểu rõ lợi ích của chương trình, vẫn còn những thông tin trái chiều về chương trình. Việc tăng số người sử dụng ma túy tổng hợp, sử dụng đồng thời nhiều loại ma túy cũng như số bệnh nhân đang tham gia điều trị Methadone sử dụng thêm ma túy khác dẫn đến bị bắt đi cai nghiện bắt buộc nên cũng là những khó khăn khi mở rộng chương trình.
Một vấn đề nữa là điều trị Methadone là điều trị lâu dài và phải đến uống thuốc hàng ngày tại cơ sở y tế do đó có một tỷ lệ không nhỏ bệnh nhân đã bỏ trị. Tình trạng bỏ trị theo thời gian có chiều hướng gia tăng, trong đó bỏ không rõ lý do, bỏ do khoảng cách xa, bị bắt giam, tự nguyện xin dừng điều trị, chuyển cơ sở, bị đưa vào cơ sở cai nghiện là những nguyên nhân chính.
Để duy trì thành quả đã đạt được và tăng số người nghiện ma túy được điều trị, thời gian tới cần tăng cường công tác truyền thông, vận động chính sách; Tiếp tục mở rộng mô hình cấp phát thuốc tại tuyến xã, đặc biệt tại các tỉnh miền núi. Đồng thời, triển khai điều trị bằng các thuốc khác như Suboxone, Buprenorphine, Tăng cường chất lượng điều trị, phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin vào điều trị Methadone nhằm giảm tải các hồ sơ biểu mẫu rườm rà, tạo điều kiện cho người bệnh tiếp cận điều trị và uống thuốc tại địa phương một cách đơn giản hơn; Triển khai điều trị tại các cơ sở cai nghiện, cơ sở giam giữ là cần thiết.
Theo BP