Trong vòng 3 năm gần đây, thông qua hoạt động sàng lọc HIV trong phụ nữ mang thai tại các cơ sở sản khoa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, đã phát hiện 27 phụ nữ nhiễm HIV, trong đó có 19 bà mẹ được tiếp cận điều trị thuốc ARV và 25 trẻ sinh ra từ mẹ được điều trị dự phòng bằng ARV. Kết quả chỉ có 1 trưởng hợp trẻ được chẩn đoán nhiễm HIV trong số 23 trẻ quản lý, chiếm tỷ lệ 4%.
Trong vòng 3 năm gần đây, thông qua hoạt động sàng lọc HIV trong phụ nữ mang thai tại các cơ sở sản khoa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, đã phát hiện 27 phụ nữ nhiễm HIV, trong đó có 19 bà mẹ được tiếp cận điều trị thuốc ARV và 25 trẻ sinh ra từ mẹ được điều trị dự phòng bằng ARV. Kết quả chỉ có 1 trưởng hợp trẻ được chẩn đoán nhiễm HIV trong số 23 trẻ quản lý, chiếm tỷ lệ 4%.
Để có được kết quả ban đầu đáng khích lệ ấy, trong những năm qua chương trình phòng, chống HIV/AIDS thành phố Đà Nẵng đã tích cực, chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Các hoạt động can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã được triển khai rộng khắp tại 7/7 quận, huyện với các nội dung: Phòng lây nhiễm HIV ban đầu cho phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ; Phòng mang thai ngoài ý muốn cho phụ nữ nhiễm HIV; Phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con trong thời gian mang thai, trong khi sinh con và khi cho con bú; Chăm sóc và hỗ trợ phụ nữ nhiễm HIV. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ y tế ở các tuyến được tập huấn nâng cao nghiệp vụ trong công tác tư vấn, xét nghiệm sàng lọc HIV cho phụ nữ mang thai; điều trị ARV để dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con; chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị trẻ nhiễm phơi nhiễm HIV….Khoa Sản – Bệnh viện Phụ sản nhi Đà Nẵng đã triển khai gói dịch vụ phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con có hiệu quả.
Phát huy những kết quả đạt được, Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2012, Đà Nẵng phấn đấu có ít nhất 80% số phụ nữ từ 15-49 tuổi được tiếp cận với các thông tin về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; 6000 phụ nữ mang thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được truyền thông tư vấn về dự phòng lây truyền HIV; 1.800 phụ nữ mang thai được tư vấn xét nghiệm HIV; 90% số phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị, chăm sóc dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và 100% trẻ sinh từ mẹ nhiễm HIV được điều trị, chăm sóc dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng thuốc ARV và có chế độ nuôi dưỡng phù hợp.
Để đạt được mục tiêu của Tháng Cao điểm, chương trình phòng, chống HIV/AIDS thành phố tập trung các hoạt động thông tin, truyền thông dưới nhiều hình thức nhằm cung cấp đầy đủ các thông tin, dịch vụ về tư vấn, chăm sóc phụ nữ, trẻ em nhiễm HIV/AIDS; các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV nói chung và dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con nói riêng. Đồng thời, khuyến khích trực tiếp những người phụ nữ thuộc các nhóm đối tượng khác nhau tự nguyện xét nghiệm HIV và thực hiện các hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Bên cạnh đó, các cơ sở y tế có liên quan cũng đảm bảo đầy đủ các điều kiện để triển khai gói dịch vụ phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Bác sĩ Phạm Thị Đào – Giám đốc trung tâm phòng chống HIV/AIDS cho biết: Phụ nữ mang thai cần được tư vấn, xét nghiệm HIV để xác định sớm tình trạng nhiễm HIV. Trên cơ sở kết quả xét nghiệm, các bà mẹ nhiễm HIV, sẽ được tư vấn và giới thiệu chuyển tiếp đến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho mẹ, cũng như được hướng dẫn các biện pháp dự phòng lây truyền HIV cho con. Thông qua các biện pháp can thiệp toàn diện như uống thuốc kháng virút cho mẹ và bé, đặc biệt có ý nghĩa dự phòng lây truyền khi mẹ được uống thuốc từ tuần 14 của thai kỳ; can thiệp sản khoa thích hợp và chế độ sữa ăn thay thế cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, sẽ góp phần làm giảm đáng kể nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con.