Ngày 2 tháng 12 năm 2016, tại thành phố Hồ Chí Minh Bộ Y tế tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo sửa đổi Nghị định 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT. Theo dự thảo, sẽ có nhiều điểm mới có lợi cho người nhiễm HIV.
Tham dự Hội thảo có đại diện một số đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, đại diện Bảo hiểm Xã hội (BHXH) một số tỉnh, thành phố và cơ sở khám chữa bệnh ở phía Nam. Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn và Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn đồng chủ trì Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, sau hai năm thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT), đã có rất nhiều điểm mới đáng ghi nhận, đó là: Người dân bắt buộc phải tham gia BHYT theo 5 nhóm đối tượng; khuyến khích tham gia BHYT theo hộ gia đình; mở rộng quyền lợi, nâng mức hưởng BHYT; quy định cụ thể việc quản lý, sử dụng quỹ BHYT và bổ sung trách nhiệm của các bên liên quan.
Tuy nhiên, cũng theo ông Tuấn, trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều hạn chế như: Có hiện tượng lạm dụng quỹ khám chữa bệnh (KCB) BHYT; bệnh nhân khám chữa bệnh vượt tuyến nhiều, gây quá tải cho các cơ sở KCB… Chính vì vậy, thời gian qua, các ban, ngành chức năng đã quyết định trình Chính phủ Nghị định sửa đổi Nghị định 105/2014/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT. Do việc xây dựng Nghị định mới không hoàn thành đúng tiến độ, nên dự kiến ban soạn thảo sẽ trình Chính phủ ban hành theo hình thức rút gọn, nghĩa là Nghị định mới ra đời sẽ có hiệu lực ngay.
Đồng quan điểm, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết: Sau hai năm thực hiện, đến nay cả nước đã có 80,8% dân số tham gia BHYT; nên mục tiêu đến năm 2020 đạt 91% dân số tham gia BHYT chắc chắn sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn cũng băn khoăn về tính bền vững của đối tượng tham gia BHYT; tính khả thi trong thực hiện (mở rộng quyền lợi người tham gia BHYT). Bởi, hiện có những kỹ thuật điều trị bệnh với công nghệ hiện đại cần rất nhiều tiền, nên quỹ BHYT liệu có đủ khả năng chi trả.
Dự thảo Nghị định sửa đổi gồm 10 chương, 42 điều, với nhiều điều khoản rất cụ thể và nhiều điểm mới theo hướng mở rộng đối tượng và quyền lợi cho người tham gia BHYT. Trong đó đáng chú ý như: Về đối tượng tham gia BHYT được hỗ trợ, có thêm các đối tượng người lao động là người nước ngoài đang hưởng lương tại Việt Nam, dân công hoả tuyến, nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân, người nhiễm HIV/ADIS; về mức đóng năm 2018, ngân sách nhà nước sẽ tăng mức hỗ trợ cho nhiều đối tượng như: Hộ cận nghèo được hỗ trợ 100% mệnh giá thẻ BHYT, học sinh, sinh viên được hỗ trợ 50%, người làm nông – lâm – ngư – diêm nghiệp được hỗ trợ 50%. Tham gia BHYT theo hộ gia đình không bắt buộc tất cả các thành viên cùng tham gia một lúc…
Kiều Trang