Trang Chủ Tin tức Tâm sự và chia sẽ Đứng lên từ tận cùng nỗi đau

Đứng lên từ tận cùng nỗi đau

165
0

HIV/AIDS – Nỗi đau viết thành tên

Kỳ I:
Đối với nhiều người, kết quả xét nghiệm dương tính với HIV cũng giống như tấm giấy báo tử. Từ đây, không chỉ từng ngày đấu tranh với căn bệnh thế kỷ, họ còn phải đối diện với sự kỳ thị khắc nghiệt. Nỗi đau tưởng chừng vô hình bắt đầu được viết thành tên.


Đắng đót phận người


Gặp anh L.V.T., ít ai nghĩ người đàn ông này mang trong mình căn bệnh thế kỷ. Anh hay cười và nói nhiều về dự định tương lai. “Cả nhà đã chuẩn bị lễ tang cho tôi. Bởi lẽ, trong số 10 đứa bạn của tôi đã có 8 đứa qua đời vì HIV”, anh L.V.T. bắt đầu câu chuyện bằng lời tâm sự nghe chua chát. Sinh ra và lớn lên ở miền quê nghèo Vĩnh Linh, 18 tuổi, anh T. cùng một số thanh niên địa phương khăn gói vào Nam lập nghiệp. TP.Hồ Chí Minh hoa lệ đón chào anh với bao điều mới lạ. Chàng trai quanh năm chỉ biết cuốc cày bắt đầu làm quen với công việc làm tài xế xe tải, rồi thợ xây. Một lần tò mò, anh T. thử dùng ma túy và trượt dài cùng “nàng tiên nâu”. Gia đình đưa anh vào trại cai nghiện nhưng chàng trai ngoài 30 tuổi này lại trốn ra. Sau đó, anh trở nên ốm yếu, phải nhập viện vì xuất hiện những khối u. Qua xét nghiệm, các bác sĩ thông báo anh nhiễm HIV. “Gia đình vào đón tôi trở về quê sống. Lúc đó, ai cũng nghĩ tôi sắp chết. Thế nhưng, nhờ điều trị thuốc kịp thời, tôi dần hồi phục và có thể lao động như người bình thường”, anh T. bộc bạch.

 003

Người có H chia sẻ câu chuyện về nỗi đau do căn bệnh thế kỷ gây nên

Theo số liệu thống kê của Ban chỉ đạo Phòng chống tội phạm, tệ nạn ma túy, mại dâm, HIV/AIDS tỉnh Quảng Trị, tính đến 31/12/2014, toàn tỉnh có 279 trường hợp nhiễm HIV. Trong đó, nhiều phụ nữ không may lây nhiễm từ chồng. Trường hợp chị L.T.L. là một trong số đó. Chồng chị là người Thái Nguyên, mưu sinh bằng việc khai thác vàng. Trong những ngày tìm vận may ở chốn rừng thiêng, nước độc, anh vướng vào ma túy. Chị L. biết tin mình bị nhiễm HIV khi chăm sóc chồng ở bệnh viện. Bấy giờ, chị đang mang thai cháu thứ hai. Ngày chồng chị L. qua đời, cả thôn xôn xao chuyện anh mất vì căn bệnh thế kỷ. Từ thương xót, nhiều người quay sang khinh bỉ, miệt thị gia đình chị L.

Không ít trường hợp phát hiện mình nhiễm HIV khi đã quyết tâm từ bỏ những thú vui không lành mạnh và đang xây dựng cuộc sống mới. Trước đây, anh T.Đ.L.T. được ăn học tử tế và có công việc ổn định. Thế nhưng, chính cuộc sống đủ đầy lại đẩy anh vào bi kịch. Thường đi công tác xa, trong khi bản thân luôn cho rằng “HIV/AIDS chỉ là thông tin ảo”, anh đã “tìm cảm giác lạ” với gái mại dâm. Năm 2006, anh T. gặp một cô gái đẹp người, đẹp nết và nên duyên. Từ đó, anh quyết tâm từ bỏ những thú vui không lành mạnh. Thế nhưng, ngay trong năm ấy, anh T. bị sốt cao, phải nhập viện và biết tin mình nhiễm HIV. Nhớ lại ngày ấy, anh T. tâm sự: “Hơn 3 tháng nằm trong Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tôi luôn nghĩ đến cái chết. Tinh thần suy sụp khiến sức khỏe ngày một yếu đi. Các thông tin mà tôi cho là ảo giờ thành sự thật. HIV là có thật. HIV đang ở trong cơ thể mình”.

Mỗi trường hợp có H mà chúng tôi gặp đều có một câu chuyện buồn. Với họ, căn bệnh HIV/AIDS cũng giống như một bản án nghiệt ngã. Tận cùng nỗi đau, ước mong lớn nhất của họ là có một bàn tay chìa ra với mình.

Sự kỳ thị đáng sợ

Việt Nam phát hiện ca nhiễm HIV đầu tiên vào năm 1990. 25 năm nước ta đương đầu với đại dịch thế kỷ, mặc dù đã có sự thay đổi đáng kể trong nhận thức về căn bệnh này nhưng ở nhiều nơi, sự kỳ thị vẫn tồn tại. Tại tỉnh Quảng Trị, những người đang sống cùng căn bệnh thế kỷ cũng đang âm thầm gánh chịu nỗi đau này.

Đến giờ, mỗi lần nhắc lại những ngày tháng đầu phát hiện mình bị nhiễm HIV, chị L.T.L. vẫn rùng mình. Từ một người phụ nữ hay nói cười, chị thu mình lại, sợ hãi khi đối diện với ánh mắt của mọi người. Nhiều lần chị định quyên sinh nhưng đứa con trong bụng đã ngăn chị lại. Không có việc làm, chị đi bán rau, cá ở chợ song chẳng ai mua. Ngay cả những con vật nuôi trong nhà chị cũng bị gán… lây bệnh từ chủ. Cuộc sống của mẹ con chị L. vốn đã cùng cực nay càng bế tắc hơn. Hoàn cảnh của chị L. cũng chính là câu chuyện chung của nhiều người mắc căn bệnh thế kỷ.

Thực tế, ngay cả thân nhân còn ngại ngần khi tiếp xúc với người có H. Nhiều người nhiễm HIV không được ngồi chung mâm, sống cùng phòng với bố mẹ, anh chị em. Có trường hợp khi phát hiện vợ chồng con bị nhiễm HIV, ông bố đã lấy đi hầu hết vật dụng trong nhà để mặc họ sống chết. Tuy nhiên, đối với những nạn nhân có H, điều khiến họ giày vò nhất vẫn là việc những đứa con do mình sinh ra cũng phải chịu đựng sự kỳ thị. Một người mẹ có H kể: “Tôi muốn gửi con trai vào nhà trẻ nhưng hiệu trưởng từ chối và bảo là không còn chỗ nữa. Sau đó, tôi phát hiện nhà trường vẫn nhận học sinh. Khi con trai tôi chơi với những đứa trẻ khác, cháu luôn bị gọi là “thằng SIDA”. Rất nhiều lần tan trường, con tôi vừa khóc, vừa đi về nhà”. Cũng gặp tình cảnh tương tự, chị H.T.V. (trú tại Cam Lộ) cho biết: “Ban giám hiệu nhà trường yêu cầu tôi phải đi xét nghiệm cho con để chứng minh cháu không bị nhiễm HIV. Tôi đã làm theo và kết quả là cháu không mắc bệnh. Tuy nhiên, họ lại nghi ngờ, bảo kết quả đó là giả. Tôi không biết phải làm sao”.

Không chỉ chịu áp lực từ cộng đồng, người có H còn “tự kỳ thị” bản thân. Sau khi biết mình mắc căn bệnh thế kỷ, anh T.Đ.L.T. quyết định bỏ việc cơ quan, hạn chế giao tiếp với mọi người. Anh cũng quyết định ly hôn với vợ dẫu chị không đồng ý. Hay tin chị không bị lây nhiễm HIV, anh chỉ có một mong muốn duy nhất là vợ mình sẽ có tương lai tốt đẹp hơn. Cũng giống như anh T., nhiều bạn trẻ đã đoạn tuyệt với mong muốn có một mái ấm, không mở lòng với bất cứ ai từ khi có H. Họ thu mình để tự bảo vệ nhưng lại gây tổn thương cho chính mình.

Trương Quang Hiệp