Để duy trì điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV, thời gian tới, ngành y tế sẽ huy động thêm các nguồn tài chính từ Trung ương đến địa phương;
Để duy trì điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV, thời gian tới, ngành y tế sẽ huy động thêm các nguồn tài chính từ Trung ương đến địa phương; phân cấp, lồng ghép điều trị HIV vào hệ thống y tế; tăng cường tiếp cận với bảo hiểm y tế, đảm bảo tính bền vững đối với công tác quan trọng này.
Đó là thông tin tại “Hội thảo Đảm bảo bền vững và tăng cường tiếp cận với tư vấn xét nghiệm và điều trị HIV/AIDS” vừa diễn ra tại TP.HCM ngày 26/12/2014 do Cục Phòng, chống HIV/AIDS (VAAC) tổ chức.
Đại diện VAAC cho biết, hiện nay công tác PC HIV/AIDS đang gặp nhiều khó khăn: các yếu tố dẫn đến nguy cơ lây nhiễm HIV như: nghiện chích ma túy, mại dâm nam, tình dục đồng giới nam… biến đổi phức tạp, khó kiểm soát; độ bao phủ của chương trình phát bao cao su và bơm kim tiêm chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu.
Đáng lưu ý là hiện nay tỷ lệ bệnh nhân AIDS được duy trì điều trị ARV còn ở mức thấp, tỷ lệ duy trì điều trị liên tục không ổn định. Về cơ sở vật chất, mạng lưới điều trị HIV tuy đã được mở rộng trong cả nước, nhưng hoạt động chưa thực sự bền vững; số lượng phòng khám ngoại trú mới chỉ đáp ứng một phần nhỏ so với nhu cầu thực tế.
Theo thống kê củaVÂC, đến hết tháng 8/2014, cả nước có 318 phòng khám ngoại trú, có khả năng tiếp nhận và điều trị ARV cho hơn 88.600 bệnh nhân (chiếm 37% trong tổng số hơn 200.000 bệnh nhân nhiễm HIV còn sống hiện nay). Mặt khác, có tới 60% tổng số bệnh nhân đang điều trị ARV có số lượng tế bào CD4 dưới 250 tế bào/mm3 và tỷ lệ duy trì điều trị ARV sau 5 năm cũng chỉ ở mức 66%.
Khó khăn nữa hiện nay là vấn đề về nguồn thuốc điều trị. Trong khi 93% thuốc ARV đang điều trị cho bệnh nhân được lấy từ các nguồn viện trợ quốc tế thì đến nay nguồn lực này vẫn đang tiếp tục bị cắt giảm. Đây sẽ là yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến công tác duy trì điều trị cho bệnh nhân trong thời gian tới.
Để đảm bảo bền vững trong chăm sóc điều trị sớm HIV, ngành y tế sẽ tập trung vào một số giải pháp như: tập trung điều trị ARV ngay cho các đối tượng có nguy cơ cao như gái mại dâm, nam giới có quan hệ đồng giới, người nhiễm HIV có bạn tình không nhiễm HIV, đồng nhiễm gan, lao, phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 5 tuổi…; mở rộng điều trị ARV ở các trại giam; nâng cao chất lượng tư vấn trước và sau xét nghiệm, lồng ghép xét nghiệm và điều trị để tăng khả năng thành công.
Công tác PC HIV/AIDS cũng tập trung vào một số hoạt động quan trọng khác như: tăng cường phát bao cao su, bơm kim tiêm; triển khai xã hội hóa điều trị Methadone; huy động thêm nguồn tài chính từ Trung ương và địa phương; phân cấp, lồng ghép điều trị HIV vào hệ thống y tế; tăng cường tiếp cận với bảo hiểm y tế; cung cấp gói dịch vụ chăm sóc và điều trị HIV liên tục.
Đặc biệt, trong năm 2015, ngành y tế sẽ mở rộng điều trị ARV cho các đối tượng nhiễm HIV có số lượng tế bào CD4 dưới 500 tế bào/mm3, thay vì 350 tế bào/mm3 như trước đây; đồng thời nâng số lượng người nhiễm HIV được điều trị lên 105.000 người.
Vân Anh ( Theo Báo Sài Gòn Giải Phóng)