Trang Chủ Tin tức Sự kiện Giao lưu trực tuyến: Thực hiện Luật phòng, chống HIV/AIDS và việc...

Giao lưu trực tuyến: Thực hiện Luật phòng, chống HIV/AIDS và việc tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội.

86
0

Trong thời gian qua, các tổ chức xã hội đã tích cực tham gia hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Sự tham gia của các tổ chức xã hội dưới nhiều hình thức đã đóng góp những kết quả tích cực trong công cuộc phòng, chống đại dịch. Đây là bước tiến đáng ghi nhận trong việc huy động các nguồn lực xã hội tham gia phòng, chống HIV/AIDS.

Trong thời gian qua, các tổ chức xã hội đã tích cực tham gia hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Sự tham gia của các tổ chức xã hội dưới nhiều hình thức đã đóng góp những kết quả tích cực trong công cuộc phòng, chống đại dịch. Đây là bước tiến đáng ghi nhận trong việc huy động các nguồn lực xã hội tham gia phòng, chống HIV/AIDS.

Vậy đâu là những yếu tố nâng cao vai trò của các tổ chức XH trong công cuộc phòng chống đại dịch? Các bước hoàn thiện căn cứ pháp lý cho các tổ chức này đẩy mạnh hoạt động ra sao? Giải pháp thực tế đẩy mạnh việc triển khai Luật Phòng, chống HIV/AIDS vào cuộc sống hiệu quả?… Để làm rõ hơn điều này, Báo Đại biểu nhân dân tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề “Thực hiện Luật Phòng, chống HIV/AIDS và việc tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội”.

aids-Giao lưu trực tuyến

Các khách mời tham gia giao lưu gồm: Phó cục trưởng thường trực Cục phòng, chống HIV/AIDS – Bộ Y tế PGS. TS Bùi Đức Dương; Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng, Phó giám đốc Dự án thành phần VUSTA- Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS Khuất Thị Hải Oanh; Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Hải Dương Nguyễn Văn Hải.

Phạm Hữu Đức, Thọ Xuân, Thanh Hóa: Một trong những yếu tố để phòng chống HIV/AIDS có hiệu quả là liên kết với các cơ quan chức năng, phát huy vai trò của các tổ chức xã hội. Điều này đã được Cục thực hiện ra sao trong thời gian qua?

PGS. TS Bùi Đức Dương: Chúng ta đều biết rằng, công tác phòng, chống HIV/AIDS sẽ không thành công nếu chỉ có một cấp hay một ngành nào đó làm, do vậy việc liên kết với các cơ quan chức năng, phát huy vai trò của các tổ chức xã hội cũng như huy động toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS đã là một quan điểm, một chủ trương của Đảng và Nhà nước ngay từ những năm đầu tiên của công cuộc phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam. Trong những năm vừa qua, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã chỉ đạo cũng như phối hợp với các Bộ, ngành tích cực và chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên toàn quốc trong hệ thống ngành dọc. Việc phối hợp ngang giữa các ban ngành, đoàn thể cùng cấp cũng đã được đẩy mạnh từ phối hợp xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đến hướng dẫn các chế độ chính sách trong phòng chống HIV/AIDS, chia sẻ thông tin, nguồn lực và triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS… Các tổ chức chính trị, xã hội và các cơ quan khác như Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Tổng cục Du lịch, Hội chữ thập Đỏ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh, Hội người cao tuổi, Hội Nông dân Việt Nam đã chủ động và tích cực tham gia các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, góp phần huy động sức mạnh toàn xã hội tham gia các hoạt động phòng chống HIV/AIDS.

Các vị khách mời tham gia buổi giao lưu Ảnh: Duy Thông
Vũ Hữu Thụy (40 tuổi), Ý Yên, Nam Định:Là một trong các tổ chức tích cực tham gia công cuộc phòng chống HIV/AIDS, bà có thể cho biết một số hoạt động tiêu biểu của Trung tâm thời gian qua và hoạt động nào là hiệu quả và thiết thực nhất?

Giám đốc TT Khuất Thị Hải Oanh: Hoạt động tiêu biểu và cũng là hiệu quả và thiết thực nhất của Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) và Dự án thành phần VUSTA – Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS trong thời gian qua là việc hỗ trợ hình thành và phát triển các nhóm tự lực của những người có HIV hoặc chịu ảnh hưởng nhiều nhất của HIV – như người sử dụng ma túy, người bán dâm, nam có quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới và những người là vợ, bạn tình của người có HIV hoặc người sử dụng ma túy. Việc hình thành các nhóm này đã được SCDI thử nghiệm trong những năm qua và Quỹ Toàn cầu triển khai trên diện rộng. Hiện nay dự án đã hỗ trợ hơn 70 nhóm tự lực như vậy, tiếp cận đến hơn 30.000 người thuộc các nhóm kể trên.

Lương Văn Nam (39 tuổi), Thanh Xuân, Hà Nội: Công cuộc đấu tranh phòng chống HIV/AIDS luôn cần phát huy vai trò của tổ chức xã hội. Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả hoạt động của các tổ chức xã hội hoạt động trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS?

Giám đốc TT Nguyễn Văn Hải: Nhiều năm qua, các tổ chức xã hội đã luôn chủ động và tích cực tham gia hợp tác với các cơ quan nhà nước, các tổ chức quốc tế trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Sự hợp tác này đã mang lại những kết quả tích cực trong việc ứng phó với đại dịch HIV/AIDS. Đối với Hải Dương, có nhiều tổ chức xã hội đã và đang tham gia ngày càng tích cực các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Hiện tại, trong khuôn khổ Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS, Dự án Thành phần Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị tại địa phương hỗ trợ các nhóm cộng đồng (CBO) để cung cấp các dịch vụ dự phòng HIV cho các nhóm như: nam quan hệ tình dục với nam (MSM), Nhóm người có HIV, nhóm bạn tình âm tính của người có HIV… Qua các tổ chức xã hội, các kiến thức, dịch vụ về phòng, chống HIV/AIDS đã được truyền tải trực tiếp đến với những người nhiễm HIV/AIDS, chịu ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và cộng đồng dân cư, góp phần giảm kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; tăng cường hiệu quả của các hoạt động chăm sóc, điều trị, tư vấn, truyền thông trong cộng đồng. Hiệu quả hoạt động của các tổ chức xã hội được các cấp chính quyền của tỉnh và cộng đồng dân cư trên địa bàn đánh giá rất cao, tạo được hình ảnh tốt trong cộng đồng người dân trong việc tham gia phòng chống HIV/AIDS.

Phan Hữu Quý (57 tuổi), Lạng Sơn: Tôi ở địa phương có tỷ lệ người nhiễm HIV khá cao. Tôi xin hỏi ông trong phòng và chống HIV/AIDS thì phòng hay chống gặp nhiều khó khăn hơn? Trong thời gian qua ở một số địa phương việc phòng và chống chưa thật sự được phân định và thực hiện một cách rõ ràng, rành mạch mà chỉ tuyên truyền chung chung là phòng, chống…?

PGS. TS Bùi Đức Dương: Cảm ơn câu hỏi của bạn. Trước hết chúng ta cần xác định giữa phòng lây nhiễm và chống lây nhiễm HIV là như thế nào. Khái niệm phòng lây nhiễm HIV là cung cấp những kiến thức cơ bản về HIV/AIDS như đường lây truyền và cách phòng tránh như thế nào cho toàn thể nhân dân. Tiếp theo là cung cấp các biện pháp dự phòng: sử dụng vaccine, sử dụng các biện pháp dự phòng cho những người có hành vi dễ bị lây nhiễm HIV như bao cao su, bơm kim tiêm và điều trị nghiệm các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone. An toàn trong truyền máu, các thủ thuật liên quan đến xăm trổ và tiêm chích qua da và niêm mạc và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con…

HIV là một nguồn lây nhiễm nguy hiểm cho những người xung quanh, cần phải được kiểm soát và điều trị để ngăn chặn nguồn lây cho cộng đồng. Việc sử dụng các biện pháp điều trị để ngăn ngừa các tình trạng lây nhiễm và kéo dài tuổi thọ của người bệnh. Do vậy, việc điều trị cũng là biện pháp để phòng lây nhiễm và cắt đứt nguồn lây. Hiện tại Việt Nam đã và đang cung cấp các dịch vụ điều trị đặc hiệu bằng thuốc kháng HIV, dự phòng nhiễm trùng cơ hội kể cả dự phòng mắc lao, điều trị các nhiễm trùng cơ hội. Các biện pháp này vừa có ý nghĩa là chống HIV/AIDS và có ý nghĩa phòng lây nhiễm HIV sang người xung quanh. Theo tôi, việc phòng và chống đều có những khó khăn nhất định và không thể đánh giá là hoạt động nào khó hơn hoạt động nào.

Đàm Văn Phương (35 tuổi), Sóc Sơn, Hà Nội: Vai trò của các tổ chức xã hội tham gia phòng chống HIV/AIDS được xác định trong các văn bản pháp luật như thế nào, thưa bà?

Giám đốc TT Khuất Thị Hải Oanh: Luật Phòng chống HIV/AIDS đã đề cập về việc huy động các tổ chức xã hội tham gia phòng chống HIV/AIDS ở các Điều 19, 20 và 43. Các điều này đề cập đến việc khuyến khích, tạo điều kiện để các nhóm đồng đẳng, các tổ chức tôn giáo, phi chính phủ, từ thiện tham gia các hoạt động tuyên truyền, dự phòng và chăm sóc cho người nhiễm. Tuy nhiên, chưa có các quy định cụ thể trong các văn bản dưới luật là khuyến khích và tạo điều kiện như thế nào.

Trần Ngọc Bích (58 tuổi), Nam Đàn, Nghệ An: Thưa ông Hải, trong quá trình triển khai thực hiện việc phòng chống HIV/AIDS hiện nay, một số tổ chức xã hội cho rằng, do khuôn khổ pháp lý của nước ta về các tổ chức này chưa hoàn thiện nên đã ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các tổ chức. Ông đánh giá về vấn đề này như thế nào?

Giám đốc TT Nguyễn Văn Hải: Về vấn đề trên, nhìn nhận của tôi trên hai khía cạnh, thứ nhất đối với Nhà nước cần có khuôn khổ pháp lý cho việc đăng ký và quản lý các tổ chức xã hội, đồng thời định hướng cụ thể hơn trong việc phối hợp, kết hợp nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong bối cảnh các nguồn lực hỗ trợ quốc tế đang giảm dần, bảo đảm sự tham gia của các tổ chức xã hội, phù hợp với chủ trương xã hội hóa và huy động cộng đồng trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS. Thứ hai, về các tổ chức xã hội, thực tế cho thấy nhiều tổ chức xã hội đã phát huy rất tốt vai trò của mình trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Tuy nhiên, còn có một số tổ chức xã hội hoặc một số cá nhân lợi dụng để thực hiện những việc trái với pháp luật, hay vì những lợi ích cá nhân. Điều này không những làm ảnh hưởng tới hoạt động của các tổ chức xã hội mà còn bị cộng đồng lên án.

Những bài học kinh nghiệm được rút ra từ thực tế triển khai tại Hải Dương là các tổ chức xã hội hoạt động phải có mục tiêu rõ ràng, tuân thủ các quy định của pháp luật, bảo đảm phù hợp với văn hóa của địa phương thì sẽ được cộng đồng ủng hộ và sẽ tạo được những thành công mang lại hiệu quả tốt, góp phần ngăn chặn đại dịch HIV/AIDS.

Võ Linh An (39 tuổi), Tân Phú, TP Hồ Chí Minh: Hiện nay, chúng ta vẫn thường nói là giảm kỳ thị và phân biệt đối xử đối với những người nhiễm HIV và trên thực tế thì kỳ thị và phân biệt đối xử là các thách thức nghiêm trọng nhất trong việc phòng chống HIV/AIDS? Sự phân biệt kỳ thị đối với người nhiễm HIV là từ đâu? Làm thế nào để khắc phục tình trạng này?

PGS. TS Bùi Đức Dương: Đúng như bạn đề cập là việc kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV đã cản trở việc sử dụng các dịch vụ và cung cấp các dịch vụ đối với người nhiễm HIV. Tuy nhiên hiện nay, việc kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV tại Việt Nam đã giảm đi đáng kể so với 10 – 15 năm trước đây. Thứ nhất, chúng ta tuyên truyền về HIV/AIDS như là bệnh tử thần, bệnh dịch dễ mắc và khó chữa làm người dân rất sợ và dẫn đến kỳ thị, phân biệt đối xử. Thứ hai, do những người nhiễm HIV hầu hết là người nghiện chích ma túy hoặc mại dâm là những người vi phạm pháp luật.

Sau nhiều năm truyền thông, kiến thức của người dân về HIV/AIDS cũng được nâng lên. Mọi người biết rằng, nhiễm HIV không phải dễ dàng mà việc lây nhiễm phải có tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc dịch sinh học của người nhiễm HIV hoặc thông qua đường tình dục không an toàn và nếu có nhiễm HIV thì cũng vẫn còn nhiều biện pháp điều trị để có cuộc sống kéo dài và khỏe mạnh. Muốn khắc phục tình trạng này, theo tôi cần tăng cường cung cấp kiến thức và các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV cho người dân, cộng đồng.

Nguyễn Văn Bình, Hạ Long, Quảng Ninh: Để phát huy vai trò của các tổ chức xã hội trong phòng, chống HIV, theo ông cần chú trọng đến nội dung gì?

Giám đốc TT Nguyễn Văn Hải: Với những đóng góp và kết quả đạt được trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, cho thấy các tổ chức xã hội là lực lượng không thể thiếu đối với công cuộc phòng, chống HIV/AIDS. Trong thời gian qua, đã có sự hỗ trợ rất lớn từ các tổ chức quốc tế, tổ chức dân sự xã hội trong công tác hình thành các nhóm cộng đồng, tập huấn nâng cao năng lực và hỗ trợ kinh phí cho các nhóm tham gia hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, vì thế các nhóm đã hoạt động có quy củ hơn, chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, hoạt động của các tổ chức xã hội tham gia hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS theo nhìn nhận của chúng tôi trong thời gian qua và còn hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật, năng lực tổ chức, quản lý điều hành và thiếu thốn về cơ sở vật chất…

Để phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả hoạt động, đồng thời thúc đẩy phát triển của các tổ chức xã hội trong công tác phòng, chống HIV/AIDS tốt hơn nữa, cần chú trọng quan tâm nâng cao năng lực, cũng như kỹ năng hoạt động của các tổ chức dựa vào cộng đồng, mặt khác Nhà nước cũng cần có cơ chế dành cho các tổ chức xã hội và các nhóm cộng đồng có thể tiếp nhận nguồn lực tài chính trong nước, tiếp tục cung cấp các dịch vụ hỗ trợ phòng chống HIV/AIDS khi nguồn lực quốc tế ngày càng giảm dần trong thời gian tới.

Lê Vũ Sang (39 tuổi), Hồng Bàng, Hải Phòng: Một số các tổ chức xã hội tham gia phòng chống HIV/AIDS cho rằng khuôn khổ pháp lý tại Việt Nam trong lĩnh vực này còn thiếu, chưa hoàn thiện. Với tư cách là Giám đốc một trung tâm hoạt động trong lĩnh vực này, theo bà, khoảng trống lớn nhất hiện nay đó là gì và hướng hoàn thiện như thế nào?

Giám đốc TT Khuất Thị Hải Oanh: Mặc dù Luật Phòng chống HIV/AIDS đã đề cập đến việc huy động các tổ chức xã hội trong công tác phòng chống HIV/AIDS, tuy nhiên do thiếu các hướng dẫn cụ thể trong các văn bản dưới luật nên hiện nay vẫn còn rất nhiều vướng mắc cho việc tối đa hóa sự tham gia của các tổ chức này. Ví dụ như hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn nào của Chính phủ về việc đăng ký hoạt động của các tổ chức dựa vào cộng đồng, thiếu tư cách pháp lý, các tổ chức này gặp rất nhiều khó khăn trong huy động nguồn lực và tổ chức hoạt động cũng như duy trì tổ chức của mình. Với các tổ chức phi chính phủ trong nước, việc huy động nguồn lực trong nước là rất khó khăn do các quy định về thuế. Đa số các tổ chức này đang đăng ký tư cách pháp nhân như một tổ chức khoa học công nghệ, nên gặp rất nhiều rào cản trong  xin phê duyệt, thực hiện các can thiệp cụ thể tại cộng đồng đặc biệt trong trường hợp các can thiệp này không phải ở trong khuôn khổ một dự án do nước ngoài tài trợ.

Trong bối cảnh tài trợ nước ngoài đang giảm dần, các khó khăn kể trên hạn chế mức độ tham gia của các tổ chức xã hội trong phòng chống HIV/AIDS. Chính phủ đã xác định trong Chiến lược Quốc gia Phòng chống AIDS là: “HIV/AIDS là đại dịch nguy hiểm… Phòng chống HIV/AIDS phải được coi là một nhiệm vụ quan trọng, lâu dài…”, thì cần huy động nhân dân và phải triển khai tích cực. Chính phủ cần có hướng dẫn cụ thể, thực tế, khả thi về việc đăng ký hoạt động của các tổ chức dựa vào cộng đồng cũng như cơ chế cho họ huy động nguồn lực.

Trần Kiều Nhị (41 tuổi), Đống Đa, Hà Nội: Hiện nay, nhiều ý kiến lo ngại rằng nguồn kinh phí của các tổ chức xã hội… bị cắt giảm sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc phòng chống HIV/AIDS tại nước ta. Vậy thời gian tới, Cục sẽ có những giải pháp gì để giải quyết vấn đề này?

PGS. TS Bùi Đức Dương:  Chúng ta đều biết rằng, khi kinh tế của Việt Nam phát triển và Việt Nam trở thành quốc gia có mức thu nhập bình quân đầu người ở mức trung bình thì các nguồn viện trợ tài chính từ các tổ chức quốc tế sẽ giảm. Để duy trì được các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, chúng tôi đã tham mưu cho chính phủ thực hiện một loạt các nhóm giải pháp sau:

Nhóm giải pháp thứ nhất: Quán triệt, vận động lãnh đạo các cấp các ngành. Tăng cường các hoạt động quán triệt, tuyên truyền vận động, thuyết phục lãnh đạo các cấp, các ngành về quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về vấn đề HIV/AIDS.

Nhóm giải pháp thứ hai: Tăng cường huy động nguồn ngân sách nhà nước; Nâng cấp dự án phòng, chống HIV/AIDS thành Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS; tăng mức đầu tư của nhà nước cho Chương trình mục tiêu quốc gia này, đạt mức đầu tư ngang bằng với một số nước trong khu vực, vào khoảng 01 USD/người dân/năm.

Cho đến nay Quốc hội đã chính thức thông qua việc tách dự án phòng, chống HIV/AIDS thành chương trình mục tiêu quốc gia, điều này không chỉ thể hiện cam kết và quyết tâm của Đảng và Nhà nước với công tác phòng, chống HIV/AIDS mà chắc chắn nguồn lực đầu tư trong nước cho công tác phòng, chống HIV/AIDS sẽ được tăng cường. – Tăng ngân sách đầu tư cho phòng, chống HIV/AIDS của các địa phương. Đưa nội dung công tác phòng, chống HIV/AIDS thành một trong những mục tiêu ưu tiên trong Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tất cả các cấp chính quyền và các ngành, đoàn thể, bao gồm kế hoạch kinh phí cho phòng, chống HIV/AIDS và được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nội dung phòng, chống HIV/AIDS được đưa vào các hoạt động thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể. Tận dụng nguồn nhân lực và vật lực hiện có cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Nhóm giải pháp thứ ba: Thực hiện nghiêm các quy định của Luật phòng, chống HIV/AIDS và Nghị định 108/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 về việc lồng ghép công tác phòng, chống HIV vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội.

Nhóm giải pháp thứ tư: Huy động sự tham gia của cộng đồng vào công tác phòng, chống HIV/AIDS. Đưa nội dung phòng, chống HIV/AIDS vào các phong trào, các cuộc vận động quần chúng; các tiêu chí đánh giá thi đua, khen thưởng, tôn vinh danh hiệu, bao gồm cả danh hiệu đối với các doanh nghiệp; Thiết lập mạng lưới cộng tác viên làm công tác phòng, chống HIV/AIDS ở cơ sở, bao gồm cả sự tham gia của người nhiễm HIV; Nhân rộng các mô hình phòng, chống HIV/AIDS dựa vào cộng đồng, bao gồm cả mạng lưới tự lực của người nhiễm HIV…

Nhóm giải pháp thứ năm: Từng bước đưa nội dung phòng, chống HIV/AIDS vào các hoạt động thường quy của ngành y tế, như: Đưa tư vấn về HIV/AIDS vào các chương trình y tế, chương trình kế hoạch hoá gia đình, chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ bà mẹ, trẻ em và chăm sóc sức khoẻ ban đầu; Đưa dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con vào hệ thống chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em hiện có;  Cung cấp điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS thông qua bảo hiểm y tế theo quy định của Luật Phòng, chống HIV/AIDS và việc thanh toán như đối với các bệnh tật khác; Đưa nội dung phòng, chống HIV/AIDS vào các trường y, dược ở tất cả các bậc học; Sản xuất thuốc ARV, Methadone trong nước; Xem xét đưa một số chi phí cho phòng, chống HIV/AIDS vào chi phí chăm sóc y tế thường quy, như chi phí xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai…

Nhóm giải pháp thứ sáu: Xã hội hóa công tác phòng chống HIV/AIDS trong một số lĩnh vực như huy động các tổ chức xã hội tham gia vào việc cung cấp các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ, chăm sóc, điều trị… người nhiễm HIV/AIDS với các chính sách khuyến khích thích hợp; Triển khai thực hiện thu phí, lệ phí theo thông tư 232/2009/TT-BTC ngày 9/12/2009 trong lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS.

Nguyễn Quỳnh Anh, Tĩnh Gia, Thanh Hóa: Trên thực tế, những người sống chung với HIV có thể hiểu được tình cảnh của nhau, có thể tư vấn cho nhau, biết được những quyết định và chính sách nào của các cơ quan, tổ chức thực sự hữu ích với họ. Vậy thời gian qua, việc tiếp cận với vấn đề này đã được Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Hải Dương thực hiện thông qua những giải pháp nào?

Giám đốc TT Nguyễn Văn Hải: Là người tham gia làm công tác phòng, chống HIV/AIDS nhiều năm, tôi nhận thấy công tác chăm sóc hỗ trợ cho người có H tại công đồng là công việc gặp nhiều khó khăn đối với cán bộ y tế. Do người có H thường mặc cảm và sợ bị kỳ thị nên khi còn khỏe mạnh đa số đi làm ăn xa, đến khi chuyển sang giai đoạn AIDS mới về và nhờ vào sự chăm sóc của gia đình và các cơ sở y tế.

Để làm tốt công việc này, Trung tâm phòng chống HIV/AID Hải Dương đã xây dựng kế hoạch phối hợp, hỗ trợ các Trung tâm y tế huyện và các trạm y tế xã tích cực chủ động triển khai nhiều hình thức đa dạng, giúp cho việc tiếp cận tư vấn, chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS được dễ dàng và thuận lợi hơn, như: thành lập nhóm giáo dục đồng đẳng, câu lạc bộ người có H; tiến hành tập huấn kiến thức chăm sóc hỗ trợ, điều trị ARV, tuân thủ điều trị xử lý các bệnh thường gặp của người có H cho thành viên nòng cốt; tổ chức giao lưu chia sẻ kinh nghiệm giữa các nhóm, triển khai các dịch vụ miễn phí một cách thuận lợi nhất gồm: cung cấp bao cao su, cung cấp bơm kim tiêm, thuốc nhiễm trùng cơ hội, thuốc kháng virut… bố trí cán bộ phụ trách để các nhóm trực tiếp liên lạc khi có nhu cầu hỗ trợ, tích cực chủ động tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các tổ chức xã hội dân sự, các NGO về kinh phí, kỹ thuật trong việc hình thành và phát triển các nhóm tại địa phương.

Tất cả các hoạt động trên đã giúp cho nhiều người nhiễm HIV/AIDS, những người sống chung với HIV có nhận thức tốt, xóa bỏ mặc cảm, tự tin vào cuộc sống và tích cực tham gia vào công tác phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng.

Trần Hùng Xuân (45 tuổi), Thanh Liêm, Hà Nam: Có một điểm dễ nhận thấy là hoạt động của các tổ chức xã hội hoạt động trong lĩnh vực này chưa thực sự đồng đều, chủ yếu tập trung ở khu vực đô thị, nhất là tại các thành phố lớn. Bên cạnh đó, năng lực của các nhóm cũng còn nhiều hạn chế, chất lượng hoạt động chưa đồng đều. Với VUSTA vấn đề này được giải quyết như thế nào?

Giám đốc TT Khuất Thị Hải Oanh: Nhận xét của bạn rất là chính xác. Sở dĩ có tình trạng này một phần là do trong nhiều năm trước, dịch HIV tập trung nhiều ở các khu vực đô thị, những một phần nữa cũng là do nguồn lực cả về con người cũng như vật chất cũng tập trung ở các địa bàn đó. Chúng tôi đang cố gắng khắc phục tình trạng này bằng việc hỗ trợ thiết lập và phát triển các mạng lưới của các tổ chức xã hội, đặc biệt là các CBO, các nhóm tự lực của chính các cộng đồng những người nhiễm và có nguy cơ cao. Các mạng lưới này có rất nhiều kinh nghiệm và đặc biệt tâm huyết trong việc hỗ trợ bạn bè của mình ở các khu vực khó khăn hơn nâng cao năng lực để có thể thực hiện một cách hiệu quả các can thiệp dự phòng và chăm sóc cho chính những người trong cộng đồng mình. Chúng tôi tin tưởng rằng các mạng lưới này chính là con đường hiệu quả nhất để nâng cao năng lực và huy động các tổ chức xã hội ở các địa bàn còn trống hoặc còn yếu.

Trần Thanh Hà (36 tuổi), Việt Trì, Phú Thọ: Tôi xin được hỏi ông Bùi Đức Dương: trong thực hiện Luật Phòng, chống HIV/AISD hiện nay đâu là điểm khó khăn nhất trong việc phát huy vai trò và sự tham gia có hiệu quả của tổ chức xã hội?

PGS. TS Bùi Đức Dương: Thời gian qua, mặc dù đã có những đóng góp đáng kể trong việc phòng, chống HIV/AISD song các tổ chức xã hội đang gặp phải một khó khăn đó là chưa có văn bản pháp lý quy định về việc thành lập. Do đó, các tổ chức này chưa có hành lang pháp lý để hoạt động.

Bên cạnh đó, kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho hoạt động của các tổ chức xã hội còn hạn chế, phần lớn là nguồn kinh phí hỗ trợ cho các tổ chức này đều từ nguồn hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Do đó, chưa phát huy được sức mạnh của các tổ chức này lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS.

Vương Văn Anh (52 tuổi), Nghệ An: Tạo việc làm, bảo đảm cuộc sống cho người nhiễm HIV là vấn đề đã được nói đến nhiều, bởi đây là điều rất cần thiết để giảm thiểu kỳ thị cũng như tạo động lực cho người nhiễm HIV vươn lên, hòa nhập vào cộng đồng. Nhưng trên thực tế số người này có được việc làm trong cộng đồng là không nhiều. Vậy đâu đang là rào cản trong vấn đề này, thưa Ông?

Giám đốc TT Nguyễn Văn Hải: Trong công tác phòng chống HIV/AIDS khi tiếp xúc với người có H hầu hết họ cho biết trở ngại lớn nhất của họ khi đến làm việc tại cơ quan không phải là sức khỏe mà chính là sự kỳ thị phân biệt đối xử của mọi người. Mặc dù sự kỳ thị phân biệt đối xử hiện nay không còn nặng nề như trước nữa, nó được thể hiện kín đáo hơn bằng cách tiếp xúc, ánh mắt nhìn… làm cho người có H luôn mặc cảm với tình trạng của bản thân, họ rất ngại tiếp xúc với mọi người. Sở dĩ có tình trạng như vậy, nguyên nhân chính là do mọi người chưa hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS. Thực tế, trong công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Hải Dương cho thấy, người nhiễm HIV dù bị lây nhiễm vì bất kỳ lý do nào nếu không được xã hội tạo môi trường thuận lợi, những người nhiễm HIV thường dấu diếm, thiếu hòa nhập cộng đồng, đây cũng chính là vấn đề làm khó khăn cho công tác phòng chống HIV/AIDS hiện nay.

Để từng bước hạn chế và đẩy lùi tình trạng kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV theo tôi, ngoài việc cung cấp cho mọi người hiểu rõ về cơ chế truyền bệnh, vì sự thiếu hiểu biết là nguồn gốc của sự kỳ thị thì bản thân của người bệnh cũng phải thoát khỏi sự mặc cảm, tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Sự có mặt của họ trong cuộc sống hàng ngày sẽ trở nên quen thuộc và gần gũi, dần dần mọi người sẽ hiểu và xem họ như những người bình thường khác.

Lê Bảo Tân, Gia Viễn, Ninh Bình: Tôi xin hỏi bà Oanh là việc “đưa” những người nhiễm HIV từ “tối” ra “sáng” hiện nay có những khó khăn gì? Việc này mang lại ý nghĩa gì cho công cuộc phòng, chống HIV/AIDS?

Giám đốc TT Khuất Thị Hải Oanh: Việc người có HIV từ “tối” bước ra “sáng” hiện nay vẫn bị rào cản lớn bởi sự kỳ thị. Nếu tất cả mọi người có HIV đều có thể nói đến tình trạng nhiễm của mình như nói đến các vấn đề sức khỏe mãn tính khác mà mình mắc phải như cao huyết áp, tiểu đường hay viêm gan thì việc điều trị cho họ sẽ thuận lợi hơn nhiều, và đặc biệt là nguy cơ lây nhiễm cho người khác sẽ giảm đi. Tôi biết có những người nhiễm HIV không dám chia sẻ thông tin này với ngay cả vợ hoặc bạn tình của mình do sợ bị kỳ thị, bị lên án, bị chối bỏ. Điều này dẫn đến tình trạng tâm lý bị ức chế của bản thân người đó và nguy cơ lây nhiễm cho bạn tình. Thêm vào đó, chỉ có một phần những người đã nhiễm HIV biết về tình trạng nhiễm của mình do nhiều người có hành vi nguy cơ cao không dám đi xét nghiệm hoặc những người nhiễm không dám nói cho bạn tình của mình biết để người đó đi xét nghiệm. Trong số những người đã biết là mình nhiễm cũng lại chỉ có một một tỷ lệ nhất định đến các điểm tư vấn, điều trị HIV để được tham gia vào chương trình điều trị. Người nhiễm HIV đến điều trị rất muộn, dẫn đến hiệu quả điều trị bị hạn chế. Như vậy, việc người có HIV vẫn ở trong bóng tối ảnh hưởng tiêu cực đến cả bản thân họ và cả cộng đồng. Nhưng muốn để họ có thể bước ra ánh sáng thì gia đình, cộng đồng, xã hội cần gỡ bỏ sự kỳ thị, thực sự coi HIV là một vấn đề sức khỏe mãn tính.

Nguyễn Văn Minh (55 tuổi), Thanh Liêm, Hà Nam: Thưa ông Dương, việc “tiếp sức” cho các tổ chức xã hội trong việc phòng chống HIV/AIDS là điều rất cần thiết. Vậy thời gian qua, Cục đã có những giải pháp gì để “tiếp sức” cho các tổ chức này?

PGS. TS Bùi Đức Dương: Trong những năm gần đây, Cục Phòng, chống HIV/AIDS có văn bản khuyến khích các tỉnh, thành phố thành lập Hội phòng, chống HIV/AIDS. Hàng năm có hỗ trợ một phần kinh phí cho một số tổ chức xã hội và tổ chức gặp mặt để cung cấp thông tin, định hướng hoạt động của các tổ chức. Bên cạnh đó, các tổ chức xã hội cũng đã tự xây dựng kế hoạch để tạo nguồn thu để phục vụ cho việc triển khai nhiệm vụ trong việc: tuyên truyền, tạo công ăn việc làm và sinh kế cho đối tượng bị nhiễm HIV/AIDS.

Đặng Xuân Chiến (40 tuổi), Tiên Lữ, Hưng Yên: Từ thực tế ở Hải Dương, Giám đốc có thể cho biết công tác truyền thông, giáo dục về phòng, chống HIV/AIDS có đặc thù gì và đã đạt được những kết quả như thế nào?

Giám đốc TT Nguyễn Văn Hải: Hiện nay, người nhiễm HIV/AIDS chưa có vaccine phòng và thuốc chữa khỏi, vì vậy thông tin giáo dục truyền thông thay đổi hành vi cho người dân về phòng chống HIV/AIDS vẫn được coi là những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.

Tại Hải Dương, hoạt động thông tin giáo dục truyền thông được thực hiện rất đa dạng, phong phú về hình thức và nội dung, như truyền thông trực tiếp, tổ chức các buổi nói chuyện về phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư; đưa các thông tin về phổ biến kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS lên các phương tiện thông tin đại chúng như truyền hình, tạp chí ngành, trang thông tin điện tử của ngành, đài phát thành của sở… nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi kiến thức thái độ hành vi của người dân, đặc biệt là những nhóm có nguy cơ cao.

Với đặc thù tại Hải Dương cũng đã hình thành và phát triển nhiều khu công nghiệp. Vì vậy, việc xây dựng, triển khai tập huấn cho các nhóm nòng cốt tại các khu công nghiệp đã được chú trọng để tập trung tuyên truyền cho các công nhân hiểu và phòng tránh các tệ nạn xã hội và HIV. Hoạt động truyền thông được triển khai mạnh mẽ trong tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, tháng hành động phòng chống HIV//AIDS và ngày thế giới phòng, chống AIDS 1/12 trên địa bàn toàn tỉnh. Trong năm 2013, chúng tôi đã cấp phát trên 100.000 tờ rơi các loại, phát trên 300 băng đĩa có nội dung tuyên truyền và phòng, chống HIV/AIDS và có hàng trăm ngàn lượt người đã được tiếp cận với kiến thức phòng, chống HIV/AIDS. Cùng với các hoạt động truyền thông, chúng tôi còn triển khai đồng bộ các hoạt động như can thiệp giảm tác hại, chương trình bơm kim tiêm, bao cao su, điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuôc phiện bằng Methadone, triển khai dự phòng lây truyền từ mẹ sang con, điều trị cho bệnh nhân HIV bằng thuốc kháng virut…

Tất cả những hoạt động trên, cùng với sự hỗ trợ của Bộ Y tế, sự ủng hộ và chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh Hải Dương, chúng tôi tin tưởng rằng Hải Dương sẽ thực hiện thành công Chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030.

Mai Hữu Minh, Gia Lai: Thưa bà, bà có thể chia sẻ về kế hoạch cũng như kỳ vọng của Dự án thành phần VUSTA và Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng trong thời gian tới?

Giám đốc TT Khuất Thị Hải Oanh: Trong thời gian tới, Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng cũng như Dự án Quỹ Toàn cầu phòng chống HIV/AIDS thành phần VUSTA đều có kế hoạch vận động để vai trò của tổ chức xã hội được nhìn nhận một cách đầy đủ hơn và hệ thống chính sách để tạo điều kiện cho các tổ chức này hoạt động được hoàn thiện hơn. Đồng thời, chúng tôi cũng đang nỗ lực hoàn thiện quy trình xây dựng và nâng cao năng lực của các tổ chức này để có thêm nhiều tổ chức hơn nữa, hoạt động hiệu quả hơn nữa trong công cuộc phòng chống HIV/AIDS cũng như tham gia giải quyết các vấn đề xã hội khác.

Kỳ vọng của chúng tôi là vai trò của các tổ chức xã hội được nhìn nhận một cách đầy đủ và được thật sự tạo điều kiện để phát huy được khả năng và lợi thế của mình. Chúng tôi mong được nhìn thấy các tổ chức tự lực của những người bị ảnh hưởng bởi HIV được công nhận về mặt pháp lý, nhận sự hỗ trợ từ nhà nước cho các hoạt động của mình. Chúng tôi mong có thêm nhiều quỹ từ thiện huy động được nguồn lực cho phòng chống AIDS. Mong sao các tổ chức xã hội không còn phải “xin” để được hoạt động phòng chống AIDS cũng như các hoạt động xã hội khác.

Hà Minh Tuyết, Phú Thọ: Thưa ông Dương, chúng ta coi HIV là bệnh lý. Nhưng nguồn lây bệnh hiện nay chủ yếu là do mại dâm và tiêm chích ma túy – là những hành động mà pháp luật không cho phép cũng như về phạm trù đạo đức xã hội chưa thể chấp nhận. Đây có phải là nghịch lý?

PGS. TS Bùi Đức Dương: Cảm ơn câu hỏi của bạn. Đối với nước ta, dịch HIV tập trung vào một số đối tượng có hành vi nguy cơ lây nhiễm cao đó là nghiện, chích ma túy và mại dâm và nam tình dục đồng giới. Song phải khẳng định rằng mại dâm và tiêm chích ma túy không phải là nguồn lây HIV chủ yếu. Tỷ lệ nhiễm HIV ở người nghiện, chích ma túy hiện nay là 11,6%, ở phụ nữ mại dâm là 2,7% và nam tình dục đồng giới là 2,3%. Như vậy, không đồng nghĩa nhiễm HIV với các hành vi nguy cơ trên. Nếu một người mại dâm sử dụng bao cao su thường xuyên khi quan hệ tình dục, người nghiện chích ma túy không dùng chung bơm kim tiêm với người nhiễm HIV thì cũng không thể lây nhiễm HIV. Hiện nay có rất nhiều người bị nhiễm HIV mà không liên quan đến hai tệ nạn xã hội trên, như vợ, chồng, bạn tình người nhiễm, trẻ em sinh ra từ mẹ nhiễm…

Bùi Thị Ngọc (41 tuổi), Kiến Xương, Thái Bình: Thưa ông Dương, nếu “phải” sống và làm việc với người nhiễm HIV ông sẽ có suy nghĩ như thế nào?

PGS. TS Bùi Đức Dương: Đối với tôi, việc sống và làm việc với người có HIV hay không có HIV là điều bình thường vì việc lây nhiễm của họ không phải dễ. Đặc biệt, trong điều kiện hiện nay những người nhiễm HIV đã có thuốc để điều trị và có các biện pháp để dự phòng. Sau khi được điều trị thuốc thì chỉ 3-4 tháng thì họ không còn khả năng lây nhiễm sang những người xung quanh và như vậy việc tiếp cận với họ cũng như tiếp cận với những người bị mắc những bệnh mãn tính khác. Tôi mong muốn, cộng đồng cũng có cách nhìn nhận tích cực hơn đối với những người bị nhiễm HIV.

Lê Nam Châu (31 tuổi), Nghĩa Hưng, Nam Định: Thưa ông, đâu là giải pháp mà ông cho là có hiệu quả, thiết thực nhất trong việc phòng, chống HIV/AIDS mà Cục đã triển khai?

PGS. TS Bùi Đức Dương: Phải nói rằng, trong hơn 20 năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả hết sức phấn khởi trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS. Đặc biệt trong những năm gần đây, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã triển khai đồng bộ các biện pháp. Về thông tin, giáo dục truyền thông: đã được triển khai trên toàn quốc với sự tham gia của các bộ, ban ngành, đoàn thể, bằng nhiều hình thức đa dạng phong phú, nhiều mô hình phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian qua đã được triển khai tại cộng đồng dân cư đã thu hút sự quan tâm và tham gia của các cấp lãnh đạo và người dân. Về can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV đã được đẩy mạnh: chương trình trao đổi bơm kim tiêm đã được triển khai ở 63 tỉnh/thành phố. Chương trình phát bao cao su cũng được tăng cường, mở rộng nhanh do có sự hỗ trợ mạnh mẽ của hệ thống chính trị từ tất cả các cấp. Một điểm đáng lưu ý là chúng ta đã triển khai thành công chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại 29 tỉnh/thành phố.

Có thể nói việc triển khai đồng bộ các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong thời gian qua ngoài việc giúp kiềm chế lây nhiễm HIV ở Việt Nam mà còn cho thấy rõ các điều Luật phòng, chống HIV/AIDS liên quan đến công tác can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV đã và đang được thực thi. Về chăm sóc và điều trị: Chương trình chăm sóc, hỗ trợ và điều trị người nhiễm HIV đã tập trung triển khai tại các cơ sở y tế tại tuyến tỉnh và tuyến huyện với các gói dịch vụ chăm sóc kết hợp giữa cơ sở y tế với dịch vụ chăm sóc dựa vào gia đình và cộng đồng. Với việc mở rộng việc tiếp cận với chương trình điều trị ARV chúng ta đã cứu sống được hàng chục ngàn bệnh nhân AIDS thoát khỏi tử vong.

Nguyễn Tú Lịch, Đăk Nông: Nếu một người có bằng cấp, trình độ chuyên môn phù hợp nhưng vì lý do nào đó không may họ nhiễm HIV mà bị phân biệt đối xử. Trong khi cơ quan Ông đang có nhu cầu tuyển dụng và đánh giá rất cao người này. Ông sẽ xử lý trường hợp này như thế nào?

Giám đốc TT Nguyễn Văn Hải: Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Hải Dương có một mô hình đặc thù riêng, ngoài mô hình của Bộ Y tế thì Trung tâm được giao 50 giường bệnh điều trị nội trú cho bệnh nhân (tiếp nhận những bệnh nhân HIV/AIDS giai đoạn cuối vào điều trị), có phòng khám điều trị ngoại trú cho gần 600 bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS người lớn và 55 bệnh nhân là trẻ em và một cơ sở điều trị Methadone cho gần 350 người. Vì vậy việc tiếp xúc trực tiếp để chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS là công việc hàng ngày của đa số cán bộ, nhân viên Trung tâm.

Đối với một môi trường làm việc như vậy thì việc người có trình độ chuyên môn sâu, nghiệp vụ giỏi về làm việc là rất hiếm. Vì vậy, nếu có một người người như bạn đã nêu tham gia làm việc cùng chúng tôi tại Trung tâm thì rất tốt. Thứ nhất là xóa bỏ được rào cản và phân biệt đối xử với người có H trong việc tìm kiếm việc làm; thứ hai là trí tuệ và tài năng được trong dụng, không bị bỏ phí trong khi cán bộ chuyên môn giỏi thì đang thiếu; thứ ba là cộng đồng nhìn nhận thân thiện hơn với những người có H. Thực tế, cho thấy trên địa bàn tỉnh hiện nay, nhiều người có H cũng đang tham gia vào các câu lạc bộ, các tổ chức xã hội và đã phát huy rất tốt trong phòng, chống HIV/AIDS.

Phạm Minh Hà (23 tuổi), Gia Lâm, Hà Nội: Việc huy động nguồn lực kỹ thuật và tài chính để hỗ trợ chương trình phòng, chống HIV có hiệu quả là việc làm rất cần thiết bởi không thể chỉ trông chờ vào Nhà nước. Ông suy nghĩ như thế nào về vấn đề này bởi việc thực hiện không phải là đơn giản?

Giám đốc TT Nguyễn Văn Hải: Tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến của bạn. Có thể nói, trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS thời gian qua ngoài nguồn lực của Nhà nước chúng ta đã được hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính từ các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ và nguồn lực của toàn xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS. Nhờ đó, hoạt động phòng, chống HIV/AIDS được triển khai đồng bộ và toàn diện hơn, nhận thức của người dân về phòng, chống HIV/ADS cũng được nâng lên. Chúng ta đã gặp hái được những thành công trong phòng, chống HIV/AIDS, tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong các nhóm nguy cơ cao giảm, số người nhiễm mới HIV được phát hiện ở nước ta giảm dần trong những năm gần đây. Trong thời gian tới, để thực hiện thành công chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030, Chính phủ cần có định hướng, cần có cơ chế để có thể huy động nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS đa dạng hơn ngoài nguồn lực của Nhà nước. Cụ thể, thứ nhất, nguồn lực từ các tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ; thứ hai là nguồn lực từ các tổ chức trong xã hội như doanh nghiệp, cá nhân…; thứ ba là nguồn lực từ những người sử dụng dịch vụ thông qua hình thức mua bảo hiểm y tế và chi trả các chi phí khi sử dụng các dịch vụ… Điều quan trọng nữa là nguồn lực có được cũng phải được sử dụng có hiệu quả.

ĐBND: Bạn đọc thân mến, phòng chống đại dịch HIV/AIDS là một cuộc chiến bền bỉ và không kém phần cam go. Đồng hành trong cuộc chiến này, các tổ chức xã hội đã luôn chủ động và tích cực tham gia hợp tác với cộng đồng dân cư, các cơ quan nhà nước, các tổ chức quốc tế trong phòng, chống HIV/AIDS. Trong điều kiện nguồn lực thu hẹp, việc thúc đẩy hơn nữa vai trò tính chủ động, tích cực của các tổ chức này trong công cuộc phòng chống AIDS là nỗi trăn trở của các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý, các chuyên gia và sự quan tâm của bạn đọc nhằm tìm kiếm các giải pháp thực tế, hiệu quả.

Với chủ đề: Thực hiện Luật Phòng, chống HIV/AIDS và việc tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội, Báo Đại biểu nhân dân nhận được rất nhiều câu hỏi của bạn đọc gửi tới 3 vị khách mời. Tuy nhiên, do thời gian dành cho giao lưu trực tuyến có giới hạn, Báo ĐBND xin trân trọng cám ơn bạn đọc đã quan tâm, gửi câu hỏi giao lưu. Xin hẹn bạn đọc vào lần giao lưu tiếp sau.

PGS. TS Bùi Đức Dương: Thay mặt các khách mời, chân thành cám ơn bạn đọc của Báo ĐBND.