Trang Chủ Tin tức Tâm sự và chia sẽ Hạnh phúc giản đơn

Hạnh phúc giản đơn

52
0

Mỗi lần về quê, làng  xóm ai cũng tiếc nuối và thương cảm cho chị, lại buông lời “Con M, đúng là hồng nhan bạc phận, nó mà lấy chồng làng thì bây giờ có phải…” !

Mỗi lần về quê, làng  xóm ai cũng tiếc nuối và thương cảm cho chị, lại buông lời “Con M, đúng là hồng nhan bạc phận, nó mà lấy chồng làng thì bây giờ có phải…” !

M. xinh đẹp, giỏi giang và rất đảm việc.  Ai gặp chị lần đầu đều có ấn tượng tốt. Chị thật thà và thân thiện. Điều đặc biệt đó chính là nụ cười luôn trực trên môi. Chẳng thế mà, trai trong làng rồi làng bên đều biết đến và muốn tìm hiểu chị. Thi tốt nghiệp hết lớp 12, chị quyết định ở nhà giúp bố mẹ vì làng sẵn có nghề truyền thống rồi. Bao nhiêu anh đến tán tỉnh, chị nhận lời và có một mối tình 4 năm rất nhiều kỷ niêm với anh H, làng bên, người học cùng cấp 3. Cứ ngỡ duyên trời định, người thân làng xóm đều chờ đợi ngày chị lên xe hoa với anh. Vậy mà chẳng hiểu vì sao, gần đến ngày cưới, mẹ anh lỡ lời nói gì đó với chị làm bố mẹ chị tự ái và cấm chị kết hôn với anh. Chị khóc. Khóc suốt. Đôi mắt chị sưng húp. Chị suy sụp….Chị gắng gượng để vượt qua…lấy lại nụ cười vốn có…dù trong lòng, nỗi buồn còn sâu lắm!

…..Mấy tháng sau, nghe hàng xóm bàn tán với nhau, dạo này nhà con M cứ thấy có một người thanh niên cuối tuần hay đến chơi. Anh này không phải trai làng. Trai làng thời đó chưa có xe máy. Anh này có xe máy và là người Hà Nội nhưng có họ hàng với người cùng làng chị. Nghe người làng đồn, nhà anh giàu lắm, có vài cái nhà trên Hà Nội, của ăn mấy đời không hết. Người họ hàng của anh quen biết mẹ chị nên họ muốn giới thiệu cháu họ cho chị.  Chi xinh, chị giỏi giang, chăm chỉ và đảm đang nên tiếng lành đồn xa đến họ.

Suốt hai ba tháng, cuối tuần nào anh cũng về nhà chị đều đặn. Mỗi lần về, anh đều mang vài túi chôm chôm và nhãn biếu bố mẹ chị. Thời đó, chôm chôm và nhãn là một thứ quà rất xa xỉ, chỉ con nhà có điều kiện mới dám bỏ tiền ra mua….Thỉnh thoảng, hàng xóm thấy anh và chị ngồi dưới gốc mít trước cửa nhà chị chuyện trò vui vẻ.

…Chị lên xe hoa với anh trong sự vui mừng của bố mẹ, người nhà và làng xóm. Trong ngày cưới, có người thì thầm “ Con M đúng là chuột sa chĩnh gạo, lấy thằng Th khỏi phải vất vả làm nghề làng…”! Nhưng cuộc đời ai biết được chữ NGỜ.

Nhà chồng chị giàu thật. Giàu nổi tiếng khu phố Khương Thượng. Nhưng mãi 3 tháng sau lấy chồng, chị mới biết em trai chồng đang trong trại cải tạo được 9 tháng để cai  nghiện. Bố chồng chị ốm bệnh vì suy nghĩ và qua đời đột ngột  trước khi thấy con trai thứ 2 cái nghiện trở về. Bố mất chưa kịp viết di chúc, mấy bà chị chồng xúm lại đòi chia tài sản cùng. Hôm họp gia đình để bàn bạc về tài sản, chị cũng mới hay nhà chồng còn nợ nhiều người, ngay cả người làng chị. Vâỵ mà trước đó chị không hay, người ta toàn bảo gia đình chồng chị giàu nứt đố đổ vách, chẳng ai bảo họ cũng nợ nhiều lắm.

Sau buổi họp gia đình, anh và chị được chia cho ngôi nhà trong ngõ sâu cùng phố. Cuộc sống của chị từ đó cũng rẽ sang một ngả mới. Chồng chị không còn nhẹ nhàng với chị như thuở nào nữa. Anh cáu bẳn. Anh nhăn nhó. Anh quát tháo chị thường xuyên….và có lần uống rượu về, anh còn đánh chị vì chị không đồng ý đưa dây chuyền mẹ cho trong ngày cưới để anh bán lấy tiền. Anh đánh bạc và chơi lô đề. Ngày chị sinh đứa đầu, anh đánh bạc thâu đêm không về. …Những ngày tiếp theo, cuộc sống ngày càng khó khăn, không khí gia đình căng thẳng. Bao nhiêu năm làm nghề ở làng, chị tiết kiệm được, anh lấy hết để đi đánh bạc. Anh phá cả két để cắm sổ đỏ lấy tiền…Không biết bao nhiêu đêm, chị nằm thao thức đợi anh về. Anh về trong men rượu say nồng nặc và những tiếng chửi rủa không ngớt. Ngày anh ngủ và tối anh đi miệt mài. Chị thương anh nhưng không khuyên nổi. Anh gầy rộc, hốc hác, mắt lờ đờ thiếu ngủ. Chị linh cảm điều chẳng lành. Anh đã nghiện lúc nào không biết.  Chị âm thầm chịu đựng. Người làng ở nhà không biết, vẫn rỉ tai nhau “Con M đúng là chuột sa chĩnh gạo”!…

 Ảnh chỉ mang tính chất minh họa (Nguồn: Internet)

Chị khóc hết nước mắt, trong nhà giờ không còn gì nữa, đến cái nồi cơm điện anh cũng bán cho đồng nát. Chị ôm con về nhà ngoại. Anh van vỉ hứa lên hứa xuống. Chị thương anh, mủi lòng, tin anh thêm lần nữa. Trong nhà chẳng còn gì, đến mấy trăm nghìn tiền con được mừng tuổi anh cũng lấy. Chị không dám li dị vì sợ về làng mang tiếng… Hàng ngày, chị đi bán hoa  kiếm sống và vẫn phải lo trông anh, trông con. Nhưng những lúc cơn nghiện lên, anh vật vã, quằn quại và đập phá….Thời gian cứ thế trôi, cuộc sống quẩn quanh không lối thoát…Cho đến một  ngày anh vào trại. Chị mừng rơi nước mắt!. Niềm vui không lời của chị khi thấy anh sau bao nhiêu lần đã quyết chí . Tháng nào chị cũng đến thăm anh. Chị kể anh nghe cuộc sống “bên ngoài”; kể anh nghe việc chị về làng lấy ga gối, lúc chưa có vốn chị bán rong. Sau một vài tháng, chị đã đủ tiền thuê cửa hàng để bán. Chị bảo, chị đợi anh ngày về để bán hàng cùng, không phải thuê người nữa. Anh cúi đầu, lặng im nghe chị chia sẻ.

Ngày anh ra trại, chị mừng rơi nước mắt! Ngày đầu tiên về, chị nấu anh ăn một bữa thật ngon. Ngày thứ hai anh đèo chị về làng để lấy chăn, ga gối đi ra bày ở cửa hàng. Những ngày tiếp theo, trời lập thu, anh chị bận rộn vì khách bắt đầu mua thêm hàng. Giờ ngoài việc bán hàng, lấy hàng, anh còn đèo và đón con gái đi học. Chị cơm nước thêm.

 Mỗi lần chị về làng, vẫn có người nói “ Giá mà con M lấy chồng làng có phải sướng”, chị vẫn mỉm cười như thưở nào. Giờ, với chị niềm vui chính là thấy chồng mỗi ngày cùng vợ chia sẻ công việc và cùng nuôi dạy con gái. Và lần này, chị tin anh đã cai nghiện thành công. Với chị, hạnh phúc chỉ  giản đơn thế thôi!

Kim Nguyễn