Nghĩ lại ngày trước lúc còn mang trong mình nhiều ước mơ, hoài bão chỉ muốn vẫy vùng biển cả, xách ba lô lên và đi đâu đó ra khỏi vùng quê nghèo khổ. Giờ đây đã đặt chân lên một thành phố xa lạ tròn tám năm, chốn lạ giờ thành chốn quen mà sao H cứ đau đáu về quê nghèo, nơi ngày ấy anh muốn ra đi bằng được.
Nghĩ lại ngày trước lúc còn mang trong mình nhiều ước mơ, hoài bão chỉ muốn vẫy vùng biển cả, xách ba lô lên và đi đâu đó ra khỏi vùng quê nghèo khổ. Giờ đây đã đặt chân lên một thành phố xa lạ tròn tám năm, chốn lạ giờ thành chốn quen mà sao H cứ đau đáu về quê nghèo, nơi ngày ấy anh muốn ra đi bằng được.
Vốn sinh ra trên một vùng quê nghèo miền Trung đầy nắng gió, gia đình H cũng không mấy khá giả. Nhà đông anh em nên các anh chị phải nghỉ học sớm. Tuổi thơ của H là những ngày rong ruổi khắp cánh đồng để hái rau cho lợn, là những trưa hè bắt hến trên sông. Tuổi thơ H nghèo lắm… Áo quần H mặc là của anh trai để lại với năm ba mảnh vá vội vàng. May là con út nên H cũng được ba mẹ lo đi học cho bằng bạn bằng bè.
Còn nhớ cái ngày H ngược dòng vào Nam mang theo ước mơ con chữ, với tấm giấy báo Đại học. Ngày H đi mẹ đã khóc rất nhiều còn ba thì dặn dò đủ thứ. Đôi mắt mẹ nhìn theo dáng H gày còm đen đúa đang cố bước nhanh cho kịp chuyến xe. H cố bước và quay đi thật nhanh để che giấu những giọt nước mắt của đứa con trai trưởng thành lăn nhẹ trên gò má. H dường như cảm nhận được hết những lo toan của ba mẹ, H thấy được sự xa cách dài lâu với gia đình tự dưng… giờ H chỉ muốn ở nhà.
Dường như sự nhộn nhip của đất Sài Thành đã làm H quên đi những kí ức về một vùng quê nghèo khổ. Rồi thời gian cũng dần trôi qua mọi cảm giác của ngày đầu đến chốn phồn hoa này cũng theo từng cơn gió mà bay đi. H không còn nghĩ nhiều, đơn giản một điều là vì cuộc sống buộc H phải tập quên đi.
Thời gian đầu còn rảnh nên H cố tìm cho mình một công việc làm thêm, H làm tất thẩy mọi việc vừa với sức lực và thời gian của H cho phép để không ảnh hưởng đến việc học tập. H biết rồi đây con đường đến với ước mơ đang dần khó khăn hơn. Cứ sau buổi làm việc nhìn đồng hồ đã gần hai giờ sáng, vội vã đi bộ ra về với tổ ấm nhỏ chưa đầy 9m2. Lấy khăn nhúng vội qua chậu nước rửa mặt, lau qua người lại lên giường lăn ra ngủ, nhưng nào có ngủ được. Nằm vắt tay lên chán, ký ức về vùng quê nghèo lại ùa về, nỗi ám ảnh về bệnh tật của mẹ cứ mỗi khi trở trời lại đau nhức nhối, giọng nói yếu ớt những vẫn cố gắng thốt thành lời trong những cơn đau cùng tiếng khóc nhớ con của mẹ. Bị bệnh là thế nhưng chưa bao giờ H nghe mẹ la than, những cơn đau dài dai dẳng đã dần lấy đi sức khỏe của mẹ. Nghĩ đến mẹ là nước mắt H cứ trào ra, H cố kìm nén nhưng không được. Đôi lúc H dường như không còn đứng vững trên con đường “tương lai” của mình.
Rồi chuyện gì đến cũng sẽ đến, không ai biết trước được, H đã quên đi lời động viên của ba mẹ và trượt dốc theo tiếng gọi sức mạnh của đồng tiền. Lúc đó, H chỉ nghĩ rằng: “Vì nhà nghèo nên mẹ phải mang bệnh tật, học hành thì sau cũng ra kiếm tiền cả thôi. Học làm gì nữa, đi làm kiếm tiền chữa bệnh cho mẹ. Mẹ chỉ có một và thời gian mẹ ở bên mình không nhiều”.
Làm ở quán Bar, thời gian đầu H chăm chỉ với công việc bồi bàn của mình. Tuổi con trai mới lớn nên nhìn H phổng phao, vạm vỡ hơn so với lúc đầu mới bước chân lên Sài Thành. Chính vì thế, H được anh chủ quán đầu tư chi phí cho đi học nhảy và tiền phụ cấp lương hàng tháng vẫn nhận đều, thậm chí còn cao gấp đôi lương bồi bàn mà H đang làm. Sau 06 tháng học làm Dancer, H về phục vụ cho sàn nhảy của quán, vì trẻ và khéo léo trong từng nhịp nhảy nên H được nhiều quý cô trung tuổi để ý và chào mời nhảy cùng. Và cứ như vậy cuộc sống tiếp diễn ngày qua ngày, người làm vẫn làm,…
Rồi đến một ngày, người bạn nhảy (đáng tuổi mẹ mình) đề nghị H về nhà chơi và dạy nhảy cho riêng mình, tiền Bo cho H là 10.000.000 VNĐ (mười triệu đồng), H sững người trong giây lát và chấp nhận nếu như được sự đồng ý cho đi của ông chủ.
Được ông chủ đồng ý, H lên xe theo người bạn nhảy. Sau khoảng 30 phút lân la trên đường thì chiếc xe cũng dừng lại, mở cửa bước xuống trước mặt H là ngôi biệt thự 5 tầng. Bạn nhảy mở cổng đẩy cửa vào và nói: Em vào đi, nhà chỉ có mình chị ở thôi. Chồng chị thì đi công tác suốt mấy tháng nay rồi, các con thì du học bên Pháp, chị ở một mình cũng buồn nên cần người tâm sự, em không có gì phải ngại, cứ tự nhiên như nhà mình em nhé.
H cũng vô tư lắm. Đêm hôm đó, H ở lại nhà bạn nhảy, trong bữa cơm chỉ có hai người, sau khi uống mấy ly rượu H cảm thấy quay cuồng, không gian ngôi nhà như đang bay bổng, H như không biết trời đất gì nữa. Đến khi tỉnh dậy thì trời đã sáng, H giật mình khi thấy nằm cạnh mình là người bạn nhảy, cả hai đang không một mảnh vải che thân. H lúc đó chỉ biết lắc đầu nhẹ và chấp nhận, việc gì đã diễn ra thì cũng đã qua rồi và việc gì đến sẽ đến.
Trước khi trở về quán với công việc của mình, H cũng tranh thủ đi gửi tiền về quê cho bố mẹ để chi tiêu sinh hoạt và lo thuốc thang bệnh tật cho mẹ. Kể từ đó, H được bạn nhảy chiều chuộng, mua sắm đủ thứ, từ quần áo hàng hiệu đến trang sức, điện thoại,..v.v…Vì có tiền và kết nối với nhiều bạn bè đến vui chơi ở quán nên trong thời gian ngắn H đã không tưởng được mình đã sa ngã tồi tệ đến như vậy. Sau những cuộc vui với bạn bè H mới nhận ra mình đã dính vào làn khói trắng (ma túy) ấy tự bao giờ. Bạn nhảy biết được nên cũng bỏ H mà đi, không liên lạc, không chu cấp gì nữa. Để có tiền sử dụng ma túy H đã bán dần bán mòn những tài sản gì còn giá trị trên cơ thể mình và trở thành trai bán dâm lúc nào không hay. Không lâu sau, H cũng bị bắt trong một đợt truy quét tại quán bar cùng với nhóm bạn bè. H đi cai nghiện bắt buộc 18 tháng tại Trung tâm cai nghiện. Lúc ấy, bố mẹ và người thân H mới ngỡ ngàng về cuộc sống của con trai mình.
Trong thời gian đó, H đã suy nghĩ và hối hận rất nhiều về những gì mình đã làm. H tự trách mình đã không làm chủ được bản thân để rồi bị đồng tiền làm lu mờ và phải nhận lấy hậu quả đáng buồn này.Thời gian cũng thấm thoát trôi đi, H lại về.với gia đình. Bữa cơm tối hôm đó của gia đình lắm lúc khiến H ướt nhòe nước mắt. Chẳng phải vì mâm cao cỗ đầy mà đơn giản là vì bữa cơm nhà có ba, có mẹ có anh chị em quây quần bên nhau. Nghe theo lời anh trai, hôm sau H lại khăn gói cùng anh ra Hà Nội, đến chỗ bạn thân với anh trai, nên H được nhận vào làm ở Cửa hàng sửa chữa Xe máy, vừa học nghề vừa làm việc. H cũng hiểu bố mẹ và anh chị vẫn tin tưởng ở H, và H cũng muốn bắt đầu một cuộc sống mới ý nghĩa hơn, tốt đẹp hơn để không phụ lòng người thân của mình, đặc biệt là để H tránh xa những nơi đầy cám dỗ không lấy gì tốt đẹp ấy.
Thoáng nhìn lại giờ cũng đã năm năm trôi qua rồi, kể từ về với ánh sáng. Niềm vui của H càng được nhân lên sau nhiều năm miệt mài học hỏi và được sự giúp đỡ của bạn bè, người than, H đã có cửa hàng sửa chữa xe máy riêng với sáu nhân công phụ việc.
Cuộc sống kiếm cơm áo gạo tiền nơi xứ người tuy vất vả nhưng H vẫn vui vẻ và nói: “Kiếm tiền bằng chính đôi tay mình làm ra và có ý nghĩa là tôi vui và hạnh phúc rồi. Gia đình mãi là tổ ấm tôi nghĩ để tinh thần thêm vững. Cuộc sống bây giờ với tôi dường như chỉ mới bắt đầu. Mỗi lần về thăm nhà tôi lại thấy khuôn mặt mẹ thêm nhiều nếp nhăn hơn. Giờ đây cả ba lẫn mẹ tóc đã điểm trắng…”.
Nói đến đó, H chững lại, đứng lặng im và cảm thấy buồn rầu….
VI QUANG LỊCH