Sau 6 năm triển khai, chương trình điều trị cai nghiện ma túy bằng thuốc Methadone đã giúp cải thiện sức khỏe cho nhiều người, góp phần ổn định kinh tế và an ninh trật tự ở nhiều địa phương trên cả nước. Hiện toàn quốc có 92 cơ sở điều trị theo phương pháp này tại 32 tỉnh, thành phố với hơn 17.000 bệnh nhân (BN). Trong đó, TPHCM có 5 cơ sở với trên 1.400 người tham gia.
TỶ LỆ BỎ ĐIỀU TRỊ THẤP
Chương trình được triển khai tại TPHCM từ tháng 4-2008 và mở rộng từ năm 2011 đến nay. Hiện đa số áp dụng theo phương pháp này đã cai nghiện thành công và tái hòa nhập cộng đồng. Tư vấn viên tại các cơ sở điều trị cho biết họ đã chủ động cấp phát thuốc, BN cũng phối hợp và chấp hành tốt quy định về giờ giấc điều trị, giúp hơn 80% người cải thiện sức khỏe… Theo Ủy ban Phòng chống HIV/AIDS TPHCM, cai nghiện ma túy bằng Methadone đáp ứng được nguyện vọng của người nghiện và cộng đồng. Sau 6 năm triển khai, số nghiện ma túy ở thành phố giảm đáng kể.
Các địa phương trên cả nước cũng đang áp dụng mô hình này nhằm góp phần giảm số người nghiện, đồng nghĩa với việc giảm tệ nạn xã hội và sự lây truyền HIV trong cộng đồng. Trên thế giới, điều trị cai nghiện bằng Methadone không phải là giải pháp mới trong hoạt động can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV (từng được triển khai ở 80 quốc gia, vùng lãnh thổ với hơn 1.000.000 người tham gia). Điều trị theo phương pháp này đã góp phần làm giảm sự lây truyền HIV trong nhóm người nghiện ma túy và từ nhóm này ra cộng đồng.
Tư vấn cai nghiện ma tuý
Nghiên cứu của Bộ Y tế cho thấy, tỷ lệ tuân thủ điều trị sau 24 tháng là 93%, đặc biệt số tiếp tục sử dụng ma túy sau 24 tháng chỉ còn 15,87% (trước đó là 100%). Những BN tham gia điều trị bằng Methadone thời gian càng dài thì mức độ ổn định về sức khỏe thể chất, tinh thần và chất lượng cuộc sống càng cao, đồng thời số vụ vi phạm pháp luật cũng giảm đáng kể. Cụ thể sau hai năm điều trị, nhiều BN tăng từ 10 – 12kg, tỷ lệ có hành vi vi phạm pháp luật giảm từ 40,8% xuống còn 1,34%, số có hành vi ảnh hưởng đến cuộc sống bản thân và gia đình giảm nhanh từ 90,3% còn 2,27%… Đặc biệt, sau 24 tháng điều trị chỉ phát hiện 1 trường hợp nhiễm HIV mới trong tổng số 1.000 BN.
CHI PHÍ THẤP
Điều trị bằng Methadone là phương pháp hiệu quả, chi phí rẻ, phù hợp với điều kiện kinh tế của Việt Nam. Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS Nguyễn Hoàng Long cho biết, sử dụng phương pháp này ngoài việc giúp giảm chi phí đối với các gia đình có người nghiện ma túy, sau khi điều trị, người bệnh không phải chịu tác động và chẳng còn bị ám ảnh bởi việc tìm kiếm ma túy nên nếu trước điều trị chỉ có 64,4% BN tìm được việc làm thì sau 24 tháng, con số này đã lên 75,9% và thu nhập cũng tăng dần. Mặt khác, theo kết quả điều tra của 11 tỉnh, thành phố trên cả nước, trước đây trung bình một BN tiêu tốn 230.000 đồng/ngày để mua heroin (khoảng 84 triệu đồng/năm), trong khi đó chi phí điều trị bằng Methadone chỉ khoảng 6-8 triệu đồng/người/năm. Như vậy, với 17.521 người tham gia điều trị tại các tỉnh, thành phố, chương trình đã tiết kiệm được khoảng 1.470 tỷ đồng/năm.
Hiện nay, thuốc Methadone sử dụng cho BN đều được nhập khẩu thông qua Chương trình kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Hoa Kỳ về phòng chống HIV/AIDS (PEPFAR) tại Việt Nam và dự án Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS tài trợ. Tính đến tháng 4-2014, Việt Nam đã nhập khẩu 183.228 lít thuốc Methadone, trong đó sử dụng 123.475 lít; còn lại 59.727 lít đang được bảo quản tại Công ty dược phẩm trung ương I. Dự kiến cuối tháng 9-2014 sẽ nhập thêm 21.000 lít. Tuy nhiên, về lâu dài không thể cứ chờ nguồn tài trợ nên Bộ Y tế cũng đã phê duyệt danh sách 5 doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia sản xuất Methadone phục vụ công tác điều trị cai nghiện giai đoạn 2010-2015. Hiện Việt Nam đã có một công ty dược sản xuất thành công loại thuốc này là Công ty CP dược phẩm Trung ương Vidipha.
Việc triển khai điều trị cai nghiện ma túy bằng thuốc Methadone tại Việt Nam bước đầu góp phần tạo sự ổn định về an ninh trật tự cũng như hiệu quả về y tế, cải thiện kinh tế, việc làm, đảm bảo đời sống và đem lại hạnh phúc cho các gia đình… Bộ Y tế đã có kế hoạch mở rộng chương trình, theo đó đến cuối năm 2015 trên toàn quốc sẽ có 182 cơ sở điều trị cho khoảng 39.360 BN.
MINH KHÔI