Trang Chủ Tin tức Hỗ trợ người có HIV tại Hải Phòng tiếp cận điều trị...

Hỗ trợ người có HIV tại Hải Phòng tiếp cận điều trị HIV qua bảo hiểm y tế

383
0

Trong khuôn khổ dự án VUSTA – Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS, ngày 05-06 tháng 6 năm 2017 tại Hải Phòng, Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) phối hợp cùng Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS thành phố Hải Phòng (PAC) tổ chức Hội thảo “Hỗ trợ người có HIV tại Hải Phòng tiếp cận điều trị HIV qua bảo hiểm y tế”.  
Tham dự Hội thảo có Bs. Khuất Thị Hải Oanh – Giám đốc và các cán bộ SCDI, đại diện văn phòng PEPFAR tại Việt Nam – Hoàng Thanh Hải, đại diện công an thành phố Hải Phòng – anh Nguyễn Đình Xoang, cùng các bác sĩ, đối tác tại Đại học Y Hải Phòng, PAC Hải Phòng, đại diện Viện nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS), đại diện ban điều hành Ban Điều hanh (BĐH) Liên minh Hỗ trợ Tuân thủ Điều trị dành cho Người sống chung với HIV (SATA +), đại diện các tổ chức dựa vào cộng đồng (CBOs) Sống tích cực cũng như các CBOs  thực hiện dự án thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tại Hải Phòng.

Báo cáo viên trình bày tại Hội thảo
Báo cáo viên trình bày tại Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về các vấn đề như: Kế hoạch tổng thể và lộ trình chuyển điều trị HIV từ nguồn tài trợ sang nguồn BHYT tại Hải Phòng; những khó khăn, rào cản của người có HIV (NCH) tại Hải Phòng trong tiếp cận và tuân thủ điều trị HIV bằng nguồn bảo hiểm y tế; cùng những giải pháp, nhất là cho các vấn đề liên quan đến NCH và cho các vấn đề liên quan đến cán bộ y tế. Các đại biểu cũng thảo luận về hướng dẫn kỹ thuật của mô hình và kế hoạch triển khai hoạt động của nhóm Sống Tích Cực và SATA+.

Theo báo cáo của các đại biểu, hiện nay các cơ sở y tế đang dần được kiện toàn để nhận và chuyển gửi bệnh nhân có HIV. Tại Hải Phòng có gần 70% người nhiễm HIV còn sống đang được điều trị ARV. Số người có HIV đang điều trị tại các phòng khám ngoại trú có bảo hiểm y tế (BHYT) chiếm 73%. Tuy nhiện trong quá trình triển khai thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là rào cản trong việc tiếp cận và điều trị bằng bảo hiểm y tế đối với người nhiễm HIV/AIDS (như không có giấy tờ tùy thân; tâm lý sợ bị lộ danh tính, sợ bị kỳ thị nếu phải cung cấp thông tin tên tuổi thật; cán bộ chuyên trách, cán bộ BHYT còn thiếu kiến thức về bệnh nhân nhiễm HIV nên vẫn còn thái độ ứng xử chưa phù hợp; không có nhân viên cộng đồng hỗ trợ tư vấn tại các cơ sở điều trị…). Tại Hải Phòng, vẫn còn 27% người có HIV chưa có thẻ BHYT.

Các đại biểu tham dự Hội thảo
Các đại biểu tham dự Hội thảo

Để đối phó với những khó khăn và rào cản trong quá trình thực thi chính sách, một mô hình hoạt động thí điểm hỗ trợ người có HIV tiếp cận điều trị HIV qua bảo hiểm y tế sẽ được triển khai tại Hải Phòng. Mô hình này nằm trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội và các tổ chức công đồng trong phòng, chống HIV/AIDS”  do Quỹ Toàn Cầu Phòng, Chống AIDS, Lao và Sốt Rét tài trợ.

Với mục tiêu tất cả NCH đều có thể tiếp cận được điều trị ARV thông qua BHYT, SCDI đã đề xuất Quỹ Toàn Cầu phòng chống HIV/AIDS thí điểm mô hình hỗ trợ NCH chuyển sang BHYT. Nhóm Sống tích cực – CBO của NCH tại Hải Phòng, đồng thời là thành viên của liên minh SATA+ được SCDI lựa chọn làm đối tác thực hiện hoạt động này. Dự kiến trong năm 2017 nhóm sẽ hỗ trợ được 720 khách hàng là người có HIV chuyển đổi điều trị HIV sang bảo hiểm y tế thành công và 70% số khách hàng sẽ tuân thủ điều trị sau khi chuyển đổi.

Hội thảo cũng đã đưa  ra khuyến nghị cho các bên liên quan như Bộ Y Tế; Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Vụ Bảo hiểm y tế; Cục Phòng, chống HIV/AIDS; các cơ sở y tế điều trị HIV/AIDS; Cục cảnh sát quản lý Hành chính và Trật tự xã hội và các nhóm đồng đẳng. Điều mấu chốt, theo các đại biểu, là cần truyền thông, phổ cập kiến thức về BHYT một cách rộng rãi, giúp người có HIV có thể tiếp cận điều trị thông qua BHYT, đảm bảo cho 100% người có HIV được điều trị thông qua BHYT. Ngoài ra vấn đề giảm kỳ thị phân biệt đối xử liên quan đến HIV trong các cơ sở y tế cũng cần được quan tâm để các bác sỹ, nhân viên y tế thân thiện hơn với bệnh nhân có HIV.

Các nhóm đồng đẳng đóng vai trò rất quan trọng trong việc truyền thông về lợi ích và sự cần thiết của BHYT cho người có H; tìm kiếm, khuyến khích và hỗ trợ người có HIV điều trị HIV thông qua BHYT. Để làm được điều đó, cần kết hợp với các cơ sở điều trị để tư vấn, hỗ trợ tuân thủ điều trị cho người có HIV và liên tục cập nhật những thông tin về luật, nghị định, thông tư hướng dẫn về BHYT cho nhóm khách hàng là người có HIV.

Vân Anh