Trang Chủ Tin tức Kiến thức HIV Một số thắc mắc về kiến thức HIV/AIDS và giải đáp

Một số thắc mắc về kiến thức HIV/AIDS và giải đáp

141
0

Hỏi: Hiện nay bảo hiểm y tế đang chi trả những khoản nào cho người nhiễm HIV? Chi phí xét nghiệm HIV? Chi phí các xét nghiệm để được điều trị ARV? Điều trị viêm gan virus B, C?
Trả lời: Người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế khi khám, chữa bệnh liên quan đến HIV được Bảo hiểm Y tế chi trả theo quy định tại Điều 6 của Thông tư số 15/2015/TT-BYT hướng dẫn thực hiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với người nhiễm HIV và người sử dụng các dịch vụ liên quan đến HIV.
Điều 6. Phạm vi quyền lợi và mức hưởng bảo hiểm y tế
1. Người tham gia BHYT nhiễm HIV và người tham gia BHYT khi sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS được hưởng quyền lợi theo phạm vi quyền lợi, mức hưởng theo quy định của pháp luật về BHYT.
2. Người tham gia BHYT nhiễm HIV và người tham gia BHYT khi sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS được quỹ BHYT chi trả:
a) Thuốc (bao gồm cả thuốc ARV), hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật thuộc phạm vi chi trả của quỹ BHYT;
b) Xét nghiệm HIV đối với phụ nữ trong thời kỳ mang thai và khi sinh con theo yêu cầu chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh nếu không được các nguồn kinh phí khác chi trả;
c) Kỹ thuật đình chỉ thai nghén ở phụ nữ mang thai nhiễm HIV;
d) Khám bệnh, xét nghiệm HIV, thuốc ARV và các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh HIV/AIDS khác đối với trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV;
đ) Xét nghiệm HIV theo yêu cầu chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh (trừ chi phí xét nghiệm HIV đối với người hiến bộ phận cơ thể người, người cho tinh trùng, noãn);
e) Xét nghiệm HIV, điều trị bằng thuốc kháng HIV đối với người phơi nhiễm với HIV, người nhiễm HIV do tai nạn rủi ro (trừ các trường hợp tai nạn rủi ro nghề nghiệp đã được ngân sách nhà nước chi trả);
g) Điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội.

Câu hỏi: Với hành vi nào thì người tiêm chích ma túy bị bắt vào cơ sở cai nghiện tập trung?
Trả lời: Việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người sử dụng ma túy được quy định tại Điều 96 của Luật Xử lý vi phạm hành chính
Điều 96. Đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
1. Đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định.
Như vậy, người sử dụng ma túy khi có đủ các điều kiện sau sẽ bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc:
Trường hợp 1:
+ Từ 18 tuổi trở lên
+ Đã từng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn về hành vi sử dụng ma túy (Có quyết định xử lý vi phạm hành chính bằng hình thức giáo dục tại xã phường)
+ Vẫn còn nghiện (Việc xác định tình trạng nghiện ma túy được thực hiện theo thông tư liên tịch số 17/2015/TTLT-BYT-BLĐTBXH-BCA ngày 9/7/2015 quy định thẩm quyền, thủ tục và quy trình xác định tình trạng nghiện ma túy)
Một số nội dung quan trọng của việc xác định tình trạng nghiện là:
+ Người có thẩm quyền xác định tình trạng nghiện ma túy là bác sỹ hoặc y sỹ, có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, có chứng chỉ hoặc chứng nhận tập huấn về chẩn đoán và điều trị cắt cơn nghiện ma túy  Rất nhiều trường hợp công an bắt người sử dụng ma túy và test ma túy ngay tại trụ sở công an phường là sai quy định này.
Trường hợp 2:
+ Từ 18 tuổi trở lên
+ Chưa bị áp dụng biện pháp giao dục tại xã, phường, thị trấn
+ Không có nơi cư trú ổn định
+ Xác định tình trạng nghiện theo Thông tư liên tịch số 17.

Câu hỏi: Có những thông tin nào mới về luật xử phạm hành chính? Liên quan đến phụ nữ bán dâm?
Trả lời: Từ ngày 01/7/2013 (Ngày Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực) phụ nữ bán dâm sẽ không thuộc đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc. Vì theo quy định tại Điều 94 của Luật Xử lý vi phạm hành chính về đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc không có đối tượng là phụ nữ bán dâm. Tuy nhiên, hành vi bán dâm vẫn bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 23 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính:
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi bán dâm.
2. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng trong trường hợp bán dâm cho nhiều người cùng một lúc.
3. Người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này, thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”

Đường dây nóng tư vấn pháp luật miễn phí: 18001029
Email: tvphapluat@gmail.com