Tham gia phiên khai mạc về phía Việt Nam có Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ; Lãnh đạo các Bộ, ngành có liên quan: UBND thành phố Hà Nội, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế;
Phía các tổ chức quốc tế có ông Donald Kaberuka, Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét cùng hơn 250 thành viên thuộc Hội đồng điều hành của Quỹ Toàn cầu gồm các quan chức Ngoại giao, Y tế, An sinh xã hội một số nước; đại diện của các Quỹ từ thiện; đại diện khối Cộng đồng bị ảnh hưởng bởi ba bệnh AIDS, Lao và Sốt rét; đại diện các Quỹ từ thiện toàn cầu như Bill & Melinda Gates Foundation,…; Cán bộ và Ban thư ký của Văn phòng Quỹ Toàn cầu.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Quỹ Toàn cầu được thành lập vào năm 2002 để chống lại những đại dịch nguy hiểm nhất mà nhân loại phải đối mặt lúc bấy giờ đó là dịch bệnh AIDS, lao và sốt rét. Đây là một phong trào toàn cầu nhằm khống chế dịch bệnh lao, sốt rét và AIDS và đảm bảo một tương lai lành mạnh hơn, an toàn hơn cho tất cả mọi người.
Trong hơn 20 năm vừa qua, Quỹ Toàn cầu đã nỗ lực tài trợ hơn 55 tỷ đô la Mỹ, cứu sống 50 triệu người và giảm được hơn một nửa tỷ lệ tử vong do 3 căn bệnh AIDS, lao và sốt rét ở các quốc gia được tài trợ.
Việt Nam là một trong những quốc gia nhận được tài trợ của Quỹ Toàn cầu từ vòng đầu tiên vào năm 2003. Đến nay, Quỹ Toàn cầu đã hỗ trợ không hoàn lại cho Việt Nam hơn 650 triệu USD cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, lao và sốt rét.
“Với sự hỗ trợ quý báu cả về kỹ thuật và kinh phí từ Quỹ Toàn cầu cùng với những cam kết mạnh mẽ từ Chính phủ và sự đồng lòng của nhân dân, chúng ta rất đáng tự hào về kết quả phòng, chống HIV/AIDS, lao và sốt rét đã đạt được đến ngày hôm nay”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu khai mạc hội nghị
Về công tác phòng, chống HIV/AIDS, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nêu rõ: Sau hơn 30 năm kể từ ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện ở Việt Nam vào năm 1990, đến nay là năm thứ 15 liên tiếp, dịch HIV/AIDS ở Việt Nam được kiểm soát và liên tục đà giảm trên cả 3 tiêu chí đó là: giảm số người nhiễm mới HIV được phát hiện; giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong liên quan đến AIDS.
Tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư luôn được kiểm soát ở mức dưới 0,3%, giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con dưới mức 0,2%, ước tính dự phòng được khoảng nửa triệu người không bị nhiễm HIV, cứu được khoảng 200.000 người không bị tử vong do AIDS.
Mỗi năm, ngân sách của Quỹ Toàn cầu hỗ trợ cho hơn 120.000 khách hàng tiếp cận các dịch vụ dự phòng HIV; Hơn 300.000 khách hàng được tiếp cận xét nghiệm HIV, trong đó có hơn 50.000 phạm nhân trong trại giam; Cung cấp toàn bộ 100% thuốc điều trị HIV cho trẻ em nhiễm HIV trên toàn quốc, Hỗ trợ thuốc điều trị HIV cho khoảng 50.000 bệnh nhân HIV. Điều trị viêm gan C cho hơn 16.000 người nhiễm HIV và người tiêm chích ma túy năm 2022.
Về phòng, chống lao, trong 20 năm trở lại đây, Việt Nam đã cứu sống được khoảng 1 triệu người mắc lao. Chương trình chống lao quốc gia hiện tại đã triển khai bao phủ được 100% số quận huyện và 100% số xã, phường trên toàn quốc, 100% dân số được tiếp cận với chương trình phòng, chống lao.
“Nguồn kinh phí từ Quỹ Toàn cầu cùng các nguồn ngân sách của Việt Nam đã được sử dụng tối ưu để tăng cường chất lượng trên tất cả các lĩnh vực từ chẩn đoán, điều trị, cung cấp hệ thống máy GeneXpert trên toàn quốc, hệ thống X-quang di động được cung cấp để thực hiện hoạt động phát hiện chủ động, và đặc biệt là nguồn thuốc điều trị lao hàng 2 để điều trị cho nhóm bệnh nhân lao kháng thuốc” – Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết.
Về phòng, chống sốt rét: Vào những năm 1991, toàn quốc ghi nhận hơn 1 triệu ca mắc sốt rét, gần 5.000 ca tử vong và gần 200 vụ dịch, nhưng đến hết năm 2022 chỉ còn hơn 400 ca mắc sốt rét (giảm trên 90%), không có dịch sốt rét và không còn trường hợp tử vong do sốt rét, Việt Nam đã có 42/63 tỉnh loại trừ được sốt rét. Nhà nước cũng đầu tư ngân sách cho công tác phát hiện, chẩn đoán sốt rét sớm, điều trị kịp thời trên toàn quốc.
“Đạt được những thành công như vậy có sự hỗ trợ quý báu của Quỹ Toàn cầu thông qua các hoạt động phòng, chống sốt rét như: cung cấp hơn 3 triệu màn đôi, màn đơn, cung cấp hàng trăm kính hiển vi, hàng nghìn máy vi tính để phục vụ hệ thống phát hiện chẩn đoán sốt rét sớm, điều trị kịp thời” – Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết thêm, khi cả thế giới và Việt Nam phải đối mặt với dịch COVID-19, Quỹ Toàn cầu đã kịp thời chung tay với Việt Nam để giảm thiểu tác động của dịch bệnh COVID-19 ngay thời điểm dịch bùng phát mạnh ở Việt Nam, bao gồm: cung cấp máy móc, thiết bị y tế phục vụ chẩn đoán và điều trị COVID-19, trang bị phòng hộ cá nhân cho nhân viên y tế, kiểm soát lây nhiễm, đảm bảo duy trì các dịch vụ dự phòng, chăm sóc điều trị…
Quang cảnh Lễ khai mạc hội nghị
“Để có được những kết quả tốt đẹp như vậy, thay mặt nhân dân Việt Nam và hàng triệu bệnh nhân đã được cứu sống và dự phòng từ các căn bệnh trên, tôi xin bày tỏ sự tri ân và trân trọng cảm ơn nguồn ngân sách quý báu của Quỹ Toàn cầu và sự hỗ trợ to lớn của các đối tác quốc tế có mặt ngày hôm nay đã dành cho Việt Nam sự tin tưởng, khích lệ, chia sẻ” – Bộ trưởng bày tỏ.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt các chiến lược với mục tiêu của Việt Nam đến năm 2030 là “cơ bản chấm dứt các dịch bệnh AIDS, lao và loại trừ sốt rét”.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan và các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm
Thay mặt Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, lao và sốt rét, ông Donald Kaberuka, Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ trân trọng cảm ơn Chính phủ Việt Nam; sự hợp tác và hỗ trợ của Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao đã phối hợp hoàn thành tốt công tác triển khai hội nghị. Ông cũng khẳng định, sự thành công trong công tác phòng, chống AIDS, lao và sốt rét của Việt Nam là cảm hứng cho các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới…
Ông Donald Kaberuka, Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ Toàn cầu phát biểu
Năm 2023, Việt Nam đăng cai tổ chức hội nghị lần thứ 49 của Quỹ Toàn cầu nhằm góp phần triển khai đường lối đối ngoại chủ động tích cực hội nhập quốc tế, phù hợp với chủ trương tại Chỉ thị 25-CT/TW của Ban Bí thư về việc đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trao tặng Bằng khen cho Quỹ Toàn cầu phòng chống HIV, lao và sốt rét
Trong khuôn khổ hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế đã trao tặng Bằng khen cho Quỹ Toàn cầu phòng chống HIV, lao và sốt rét (Global Fund) và tặng Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” cho các cá nhân thuộc Quỹ Toàn cầu phòng chống HIV, lao và sốt rét để ghi nhận những đóng góp tích cực, hiệu quả cho sự pháp triển y tế Việt Nam nói riêng và sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân Việt Nam nói chung.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan trao tặng Kỷ niệm chương “Vì Sức khỏe nhân dân” cho 5 cá nhân thuộc Quỹ Toàn cầu vì đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển y tế Việt Nam
Hội nghị của Hội đồng Điều hành Quỹ Toàn cầu được tổ chức hai lần trong năm (vào tháng 5 và tháng 11 hàng năm). Hội nghị vào tháng 5 hàng năm được tổ chức tại một nước nhận viện trợ và năm 2023, Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị lần thứ 49 của Hội đồng Điều hành Quỹ Toàn cầu.