Tham dự Hội thảo có TS. Nguyễn Thị Minh Tâm, Trưởng Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV thuộc Cục Phòng, chống HIV/AIDS; BS. Ramona Bhatia, chuyên gia cấp cao của văn phòng Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ tại Việt Nam cùng đại diện các Phòng thuộc Cục Phòng, chống HIV/AIDS; đại diện Trường Đại học Y Hà Nội, Trường đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh, VUSTA, HAIVN, LIFE, DOH… và đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật/Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS, các nhóm cộng đồng của các tỉnh: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Bình Dương, Long An, Bà Rịa Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, Hội thảo cũng sẽ được truyền trực tuyến qua Zoom cho các tỉnh/thành phố khác có quan tâm.
Hiện nay, nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) đang được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam; Tỷ lệ hiện nhiễm HIV tăng rõ rệt; tỷ lệ nhiễm mới HIV cao, tăng lên từng năm; MSM được dự báo có thể trở thành nhóm chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng số người nhiễm mới HIV được ước tính hàng năm trong thời gian tới. Kết quả ước tính và dự báo những ca nhiễm mới, dựa trên mô hình dịch AIDS/mô hình dịch tại Châu Á (Asian/AIDS Epidemic Model) cho thấy MSM là nhóm nguy cơ cao duy nhất tại Việt Nam có tỷ lệ nhiễm mới HIV tăng liên tiếp trong 20 năm qua.
Tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm MSM khác nhau ở các tỉnh thành phố nhưng thường tập trung ở các khu vực đô thị, các tỉnh, thành phố lớn hoặc các tỉnh du lịch như Cần Thơ (20,3%), TP Hồ Chí Minh 13,8%, Bà Rịa Vũng Tàu 16%, Khánh Hòa 14,6%, Hải Phòng 5,3%.
Trước hình thái lây nhiễm HIV qua con đường tình dục tăng và tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM tăng rất nhanh trong thời gian gần đây, nhiều biện pháp can thiệp đã được triển khai: truyền thông tạo cầu sử dụng các dịch vụ HIV (xét nghiệm HIV, PrEP, điều trị ARV…..), cung ứng BCS, chất bôi trơn, dịch vụ PrEP, khám và điều trị STIs, điều trị HIV……, tuy nhiên, việc cung ứng và sử dụng các dịch vụ này vẫn còn hạn chế, chưa đủ để khống chế tình hình lây nhiễm HIV trong cộng đồng MSM.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Minh Tâm cho biết: Để góp phần ngăn chặn dịch HIV có xu hướng tăng nhanh ở nhóm MSM và ở những người có hành vi nguy cơ cao, việc triển khai điều trị PrEP là hiệu quả, kịp thời và phù hợp trong bối cảnh hình thái dịch đang dần chuyển sang lây truyền qua đường tình dục, trên nhóm tỷ lệ nhiễm HIV mới cao trong nhóm Nam (tập trung nhóm MSM). Thời gian tới Bộ Y tế sẽ mở rộng nhanh chương trình như là một trong những can thiệp dự phòng mũi nhọn hiện nay để giảm tỷ lệ nhiễm mới HIV. Với quan điểm thay đổi cách tiếp cận truyền thống, Bộ Y tế sẽ linh hoạt tổ chức các mô hình cung cấp dịch vụ hoặc kết hợp, đa dạng hoá nhiều mô hình trong cung cấp dịch vụ điều trị PrEP để đảm bảo phù hợp với khách hàng; Chúng tôi sẽ chú trọng các giải pháp tiếp cận đối với nhóm người trẻ tuổi có hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV hiện nay, đặc biệt là các MSM trẻ tuổi.
BS. Ramona Bhatia, chuyên gia cấp cao của văn phòng Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ tại Việt Nam đã đánh giá cao những thành quả của Việt Nam trong kiểm soát dịch bệnh HIV/AIDS, đặc biệt trong triển khai Chương trình dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP). Tính đến 30/9/2020, tổng số khách hàng sử dụng ít nhất 1 lần dịch vụ PrEP là hơn 13.000 khách hàng, số khách hàng đang điều trị PrEP là hơn 10.000 người, đạt 86,7% chỉ tiêu đã đặt ra cho năm 2020. Trong số khách hàng điều trị PrEP, có 78,6% là nhóm khách hàng MSM có nguy cơ cao nhiễm HIV. Nhận thức về PrEP của các nhà lãnh đạo, cán bộ y tế, các tổ chức dựa vào cộng đồng, tổ chức xã hội, khách hàng có nguy cơ cao nhiễm HIV và người dân ngày càng được nâng cao. CDC cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong thời gian tới.
Tại Hội thảo, các đại biểu được cập nhật tình hình dịch HIV/AIDS trong cộng đồng MSM ở Việt Nam cũng như khung can thiệp phòng, chống HIV/AIDS cho cộng đồng MSM; Chia sẻ kết quả và bài học kinh nghiệm của Australia về chiến lược chấm dứt HIV trong cộng đồng MSM; Chia sẻ mô hình cung cấp dịch vụ hiệu quả, bài học kinh nghiệm và thực hành tốt, bao gồm: Sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội: ứng dụng hẹn hò, facebook, zalo…. để tiếp cận, xét nghiệm HIV và giới thiệu chuyển gửi đến các dịch vụ phòng, chống HIV (PrEP, ARV, STI…), Các hình thức lôi cuốn cộng đồng MSM (ví dụ: diễn đàn cộng đồng, tổ chức sự kiện online và offline), truyền thông xã hội và kết nối với các dịch vụ dự phòng HIV (bao cao su, TVXN HIV, PrEP, STI…), Tư vấn xét nghiệm cộng đồng, bao gồm thông báo và xét nghiệm cho bạn tình của người có HIV là MSM, và chuyển gửi dịch vụ điều trị ARV và PrEP; Thảo luận về khoảng trống, thách thức và giải pháp trong việc triển khai thực hiện các can thiệp dự phòng HIV cho cộng đồng MSM.
Nhằm ghi nhận những đóng góp của các tổ chức dựa vào cộng đồng và mạng lưới MSM đối với việc triển khai các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, tại Hội thảo, đại diện Cục Phòng, chống HIV/AIDS và CDC Hoa Kỳ đã trao giấy khen cho các cá nhân/đơn vị có thành tích trong các hoạt động can thiệp cho cộng đồng MSM năm 2019-2020.
Một số hình ảnh tại Hội thảo
Màn trình diễn sôi động của các bạn cộng đồng .
Các gian hàng để trưng bày các vật phẩm truyền thông của các tỉnh, thành phố và một số đơn vị tham dự Hội thảo.