“Không phát hiện = Không lây truyền” được dịch từ tiếng Anh U=U (Undetectable = Untransmittable) là một phát hiện mới về lợi ích của điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV) với người nhiễm HIV dựa trên bằng chứng khoa học. Một người nhiễm HIV, được điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV) và khi đạt tải lượng vi rút ở ngưỡng không phát hiện được trong máu thì nguy cơ lây truyền HIV sang người khác qua đường tình dục rất thấp (từ không đáng kể đến không có nguy cơ). Tải lượng vi rút không phát hiện được định nghĩa là khi có dưới 200 bản sao/ml máu. Điều này có ý nghĩa rằng, một người nhiễm HIV được điều trị ARV khi có tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện sẽ vừa bảo vệ sức khoẻ cho người sống chung với HIV và ngăn ngừa lây nhiễm HIV sang bạn tình.
Tham dự Hội thảo có PGS.TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Ông John Blanford, Giám đốc CDC tại Việt Nam cùng gần 100 đại biểu đến từ Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội…các tổ chức quốc tế: UNAIDS, WHO, CDC, PATH, USAID, SAMSHA…., các tổ chức cộng đồng cùng phóng viên các đơn vị báo chí Trung ương và Hà Nội. Đặc biêt, Hội thảo có sự tham dự của TS. Bruce Richman, Giám đốc điều hành và sáng lập Tổ chức Prevention Access Campaign. Ông là người khởi xướng phong trào K=K trên toàn thế giới.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Hoàng Long cảm ơn và đánh giá cao sự hợp tác, hỗ trợ, đồng hành của các đơn vị trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Ông cũng cho biết: Việt Nam ủng hộ phong trào K=K dựa trên những chỉ số điều trị tương đối tốt tại Việt Nam. Bên cạnh đó, phong trào K=K giúp đẩy mạnh cam kết của cộng đồng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Tuy nhiên, phong trào K=K là quá trình liên tục, lâu dài cần có sự cố gắng, nỗ lực của cả bệnh nhân, thầy thuốc và các bên liên quan. Ngoài HIV, vẫn cần phải dự phòng các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục và máu. Do vậy, cần truyền thông cụ thể, chính xác và liên tục. Tại hội thảo, các đại biểu sẽ được chia sẻ các bằng chứng khoa học về “Không phát hiện = Không lây truyền” (K=K) và tầm nhìn của các chuyên gia quốc tế về điều trị ARV trong dự phòng lây truyền HIV.
Cũng tại Hội thảo, Ông John Blanford, Giám đốc CDC tại Việt Nam nhận định: Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong trong các hoạt động K=K do đã sớm đưa các phát hiện này vào các chính sách và chương trình quốc gia. Việt Nam được đánh giá là có tỷ lệ ức chế virus HIV thuộc hàng cao nhất thế giới. Thông điệp K=K được xây dựng dựa trên các bằng chứng khoa học từ các nghiên cứu chứng minh rằng điều trị HIV đạt hiệu quả cao trong việc giảm lây truyền HIV. K=K đã được 859 tổ chức y tế và tổ chức cộng đồng tại hơn 97 quốc gia công nhận và ủng hộ.
Tại hội thảo, TS. Bruce Richman – Giám đốc điều hành và sáng lập Tổ chức Prevention Access Campaign chia sẻ về Dự phòng điều trị và giảm kỳ thị phân biệt đối xử liên quan đến HIV: Tầm nhìn và kinh nghiệm toàn cầu. Ông khẳng định, K=K làm thay đổi cuộc đời với tất cả những người sống chung với HIV/AIDS; xóa bỏ kỳ thị HIV; khuyến khích xét nghiệm HIV và thêm động lực để bắt đầu và điều trị, chăm sóc. Để thúc đẩy sự hiểu biết của công chúng về Điều trị với mục đích dự phòng (TasP), Tổ chức Prevention Access Campaign đã phát triển chiến dịch K=K. Mục tiêu của chiến dịch K=K là tăng cường nhận thức về mối quan hệ giữa sự ức chế virus và lây truyền HIV qua đường tình dục. Cụ thể, những người uống thuốc ARV hàng ngày theo chỉ định, đạt được và duy trì tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện sẽ không thể lây truyền HIV sang bạn tình của họ. Theo Prevention Access Campaign, thông điệp K=K giúp cải thiện cuộc sống của người sống chung với HIV bằng việc giảm nỗi sợ lây truyền qua đường tình dục, giảm kỳ thị HIV, khuyến khích tuân thủ điều trị và tăng cường các nỗ lực vận động để tiếp cận phổ cập với điều trị HIV.
Thay mặt Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Ths. Đỗ Hữu Thủy, Phó trưởng phòng Dự phòng lây nhiễm HIV đã trình bày tại Hội thảo về kế hoạch chiến dịch quốc gia K=K tại Việt Nam và sự tham gia của các đối tác. Ông cho biết hiện cả nước có 135.000 bệnh nhân đang điều trị ARV và có thể sử dụng K=K mở rộng độ bao phủ điều trị. Chiến dịch quốc gia K=K tập trung ở Trung ương và 11 tỉnh/thành phố PEPFAR với các tài liệu truyền thông, sự kiện cộng đồng, các hoạt động truyền thông xã hội từ đó lồng ghép thông điệp K=K vào điều trị ARV là dự phòng trong chiến lược phòng, chống HIV/AIDS. Các tỉnh, thành phố khác sẽ lồng ghép thông điệp K=K trong Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS. Mục tiêu của chiến dịch là nâng cao nhận thức của cộng đồng, bao gồm cả người cung cấp dịch vụ về nội dung và ý nghĩa của K=K. Từ đó thay đổi quan niệm nhiễm HIV không còn là “án tử hình”, mà là một bệnh truyền nhiễm mãn tính có thể dự phòng và quản lý được…Chiến dịch này sẽ diễn ra từ tháng 9 đến tháng 12 năm 2019. Trong thời gian 4 tháng này sẽ diễn ra nhiều hoạt động nhằm tăng cường nhận thức về K=K trong cộng đồng những người sống chung với HIV, các nhóm nguy cơ cao bị ảnh hưởng hoặc có nguy cơ nhiễm HIV cùng các tổ chức cộng đồng, cán bộ y tế và toàn xã hội.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng chuyên gia quốc tế
Hội thảo “Không phát hiện = Không lây truyền” (K=K)
Ngày 6/8, tại Hà Nội, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế phối hợp với Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) tổ chức hội thảo "Không phát hiện = Không lây truyền" (K=K).