Trang Chủ Tin tức Hội thảo tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân...

Hội thảo tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân trong chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam

Ngày 30/8, tại Hà Nội, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bô Y tế đã phối hợp với Dự án USAID/PATH Healthy Markets tổ chức hội thảo về sự tham gia của khu vực tư nhân trong chương trình Phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam nhằm điểm lại những tiến bộ, cơ hội và thách thức làm cơ sở đưa ra các định hướng chiến lược tiến tới “Chấm dứt AIDS vào năm 2030”.

31
0

Hội thảo do TS. Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế cùng bà Caryn R. McClelland, Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam chủ trì. Tham dự Hội thảo có Lãnh đạo và chuyên viên của Bộ Y Tế (BYT), Đại sứ quán Hoa Kỳ, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (VAAC), tổ chức phi chính phủ PATH, Bộ Kế hoạch và Đầu Tư, Bộ Tài chính, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các tổ chức quốc tế, nhà tài trợ, nhà đầu tư, vườn ươm doanh nghiệp, chính quyền địa phương, các tổ chức cộng đồng, các công ty tư nhân, các doanh nghiệp xã hội và các phóng viên báo chí Trung ương và Hà Nội.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: hiện nay HIV/AIDS vẫn là vấn đề sức khỏe cộng đồng đáng quan ngại ở Việt Nam. Mỗi năm vẫn có khoảng 10.000 người nhiễm HIV mới được phát hiện. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) và nhóm nghiện chích ma túy tăng nhanh. Độ bao phủ dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS còn hạn chế. Kinh phí cho phòng, chống HIV/AIDS dựa nhiều vào nguồn viện trợ nước ngoài và đang bị cắt giảm nhanh. Bên cạnh việc huy động các nguồn lực từ Nhà nước, sự tham gia của khu vực tư nhân đóng vai trò rất quan trọng trong phòng, chống HIV/AIDS. Trong những năm qua, khu vực tư nhân tham gia khá sâu rộng vào công tác phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam, giúp tăng khả năng tiếp cận của người sử dụng đến các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. Về tư vấn xét nghiệm HIV, mạng lưới đồng đẳng viên, tổ chức dựa vào cộng đồng tham gia tích cực vào việc tiếp cận các đối tượng có nguy cơ cao, tuyên truyền, vận động họ đi xét nghiệm HIV. Từ năm 2015 cho đến nay, hơn 150.000 người đã được xét nghiệm HIV thông qua các tổ chức cộng đồng và các doanh nghiệp xã hội của cộng đồng. Các tổ chức cộng đồng đóng vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp các vật dụng can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV, như phân phát bơm kim tiêm, bao cao su. Hiện nay, hơn 50% số vật dụng can thiệp này được cấp phát thông qua mạng lưới đồng đẳng viên và các tổ chức cộng đồng. Về điều trị, hiện cả nước có gần 140.000 bệnh nhân đang điều trị HIV/AIDS tại các cơ sở y tế công. Ngoài ra, ước tính có khoảng 10.000 bệnh nhân khác đang điều trị HIV/AIDS tại các cơ sở y tế tư nhân, trong đó có cả những cơ sở y tế tư nhân điều trị HIV/AIDS sử dụng thuốc ARV nguồn BHYT. Sự tham gia của y tế tư nhân đã góp phần tăng sự lựa chọn cho người bệnh, đồng thời giúp mở rộng điều trị HIV/AIDS tại Việt Nam. Về điều trị dự phòng tiền phơi nhiễm (PrEP), cả nước hiện có hơn 3000 khách hàng đang điều trị PrEP, trong đó hơn 70% số bệnh nhân này là điều trị tại các sở y tế tư nhân. Các doanh nghiệp tư nhân trong nước cũng tham gia tích cực vào việc cung ứng thuốc, sinh phẩm xét nghiệm và vật dụng phòng chống HIV/AIDS. Hiện nay, các doanh nghiệp trong nước đã cung ứng 100% nhu cầu thuốc Methadone cho điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Thuốc ARV sử dụng nguồn BHYT cũng đã được các doanh nghiệp dược phẩm trong nước cung ứng. Vật phẩm can thiệp giảm hại như bơm kim tiêm, bao cao su cũng được mua trong nước…Thứ trưởng đề nghị: Trong thời gian tới, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cần tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan, với sự hỗ trợ của các nhà tài trợ, tiến hành rà soát tình hình thực tế, đề xuất những giải pháp mới nhằm huy động nhiều hơn nữa sự tham gia của cộng đồng và khu vực tư nhân nhằm thực hiện mục tiêu 90-90-90, hướng đến kết thúc đại dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030.

Cũng tại Hội thảo, bà Caryn R. McClelland, Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết: để giải quyết đại dịch HIV ở Việt Nam và trên toàn thế giới đều cần phải có sự kết hợp chặt chẽ nỗ lực của nhiều bên bao gồm Chính phủ, khu vực tư nhân và các tổ chức cộng đồng. Đó là chính là chìa khóa dẫn đến thành công của chương trình phòng chống HIV/AIDS. Hay nói cách khác cần chuyển giao trách nhiệm phòng, chống HIV/AIDS cho nhiều bên liên quan hơn trong toàn xã hội. Bà cho rằng sự tham gia của khu vực tư nhân vào công cuộc phòng chống HIV/AIDS là rất tươi sáng, các doanh nghiệp xã hội, các tổ chức xã hội dân sự đã nâng cao được danh tiếng và tác động của mình cũng như lợi ích mà họ gặt hái được từ sự tham gia vào lĩnh vực này. Như vậy, điều đó mang lại lợi ích cho những người bị ảnh hưởng bởi HIV cũng như lợi ích cho doanh nghiệp. Đó là cách tiếp cận có nhiều bên tham gia, các doanh nghiệp tư nhân cũng như các tổ chức dựa vào cộng đồng, các tổ chức hiểu các nhóm đích của mình rõ nhất. Khu vực tư nhân là một thành phần then chốt và sẽ tiếp tục là một nguồn lực chính trong tương lai khi mà các nhà tài trợ quốc tế không còn tham gia tài trợ cho các nỗ lực phòng chống HIV/AIDS trong một nền kinh tế phát triển mạnh mẽ như của Việt Nam.


Khẳng định vai trò và tầm quan trọng của khu vực tư nhân trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, PSG.TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: về phía Nhà nước, sẽ tạo điều kiện thuận lợi về thể chế để tư nhân cung cấp dịch vụ, xác định danh mục dịch vụ và các yêu cầu, điều kiện để tư nhân tham gia cung cấp; hỗ trợ nâng cao năng lực thông qua tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật, tập huấn, giám sát…và có cơ chế hợp tác cung cấp dịch vụ và cơ chế tài chính đi kèm. Đối với khu vực tư nhân cần khẳng định tư cách pháp nhân; tăng cường năng lực, đáp ứng các yêu cầu của cơ quan quản lý; tham gia hoạt động phòng, chống HIV/AIDS không vì lợi nhuận; hợp tác với y tế công trong thống kê, báo cáo. Còn đối với các đối tác phát triển vừa hỗ trợ kỹ thuật đồng thời hỗ trợ tài chính và xây dựng mô hình

Ts. Kimberly Green, Giám đốc dự án USAID/PATH Healthy Markets điểm lại tại Hội thảo những tiến triển trong sự tham gia của khu vực tư nhân trong Chương trình Phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam. Bà cũng nhấn mạnh sự tham gia của khu vực tư nhân chính là một cột mốc quan trọng trong công tác phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam. Năm 2014, khoảng 80% các quỹ tại Việt Nam đến từ các nhà tài trợ nước ngoài. Và đã đến lúc cần thiết phải khuyến khích huy động nguồn tiền trong nước và nó đến từ sự tham gia đóng góp đặc biệt là về mặt tài chính của khu vực tư nhân tại Việt Nam. Với sự lãnh đạo của Bộ Y tế, Cục phòng chống HIVAIDS (VAAC) chúng tôi cùng nhau thực hiện các dự án và nhận định sự đóng góp to lớn của khu vực tư nhân, đặc biệt về mặt tài chính.

Một số hình ảnh tại Hội thảo

Tọa đàm về các yếu tố quyết định sự tham gia của khu vực tư nhân trong chương trình phòng, chống HIV/AIDS

Trao Chứng nhận và quà cho các nhóm cộng đồng, doanh nghiệp xã hội và doanh nghiệp thương mại có thành tích nổi bật đóng góp vào chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam

Tiết mục trình diễn thời trang của nhóm cộng đồng

Các gian hàng tại Hội thảo thu hút sự quan tâm của người tham dự