Trang Chủ Tin tức Hội thảo tăng cường vai trò của cộng đồng trong phòng, chống...

Hội thảo tăng cường vai trò của cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS

Ngày 14/11/2019, tại Hà Nội, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS và PEPFAR tại Việt Nam cùng các đối tác phối hợp tổ chức Hội thảo “Tăng cường vai trò của cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS” với sự tham gia của đại diện trung tâm kiểm soát bệnh tật, trung tâm phòng chống HIV/AIDS của 19 tỉnh, thành phố, các đơn vị, dự án, các nhóm cộng đồng, mạng lưới và doanh nghiệp xã hội cùng phóng viên các đơn vị báo chí ....

62
0

Các nhóm cộng đồng, mạng lưới và doanh nghiệp xã hội ngoài vai trò cung cấp các dịch vụ như truyền thông, phân phát bơm kim tiêm, bao cao su, chuyển các đối tượng đến các cơ sở y tế nhận dịch vụ thích hợp hay chăm sóc tại nhà, thời gian gần đây các tổ chức xã hội còn cung cấp các dịch vụ khác như: tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) hay vận động chính sách, tham gia lập kế hoạch và theo dõi, đánh giá. Hội thảo được tổ chức để cùng ghi nhận sự đóng góp của các tổ chức cộng đồng trong phòng, chống HIV; huy động sự tham gia của cộng đồng và tổ chức dựa vào cộng đồng vào các mục tiêu kiểm soát dịch HIV/AIDS. Đây cũng cơ hội để các cá nhân, đơn vị học hỏi lẫn nhau và nhân rộng các sáng kiến nhằm giải quyết các khoảng trống trong chương trình phòng, chống HIV/AIDS hiện nay.
Năm 2019, Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy mại dâm chọn chủ đề cho Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS với chủ đề “Cùng hành động để kết thúc dịch AIDS” để khẳng định vai trò của tổ chức xã hội trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) năm nay chọn chủ đề cho Ngày thế giới phòng, chống AIDS (01/12) là “Communities make the diference – Tạm dịch là Cộng đồng tạo nên sự khác biệt”. Với chủ đề như vậy, cho thấy vai trò của các tổ chức cộng đồng thực sự quan trọng trong phòng, chống HIV/AIDS.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. BS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: Gần 30 năm đại dịch HIV xuất hiện tại Việt Nam cũng như 5 năm Việt Nam cam kết hưởng ứng mục tiêu 90 – 90 – 90 của Liên Hiệp Quốc, dịch HIV/AIDS tiếp tục có xu hướng giảm: Giảm số người nhiễm mới, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong do AIDS. Với hơn 131 nghìn bệnh nhân đang được điều trị ARV; hơn 52 nghìn người đang được điều trị bằng Methadone; mỗi năm xét nghiệm HIV cho khoảng 2 triệu người; hàng chục triệu lượt người được tiếp cận truyền thông, bao cao su, bơm kim tiêm mỗi năm. Những thành tựu trên có được là do các tổ chức dựa vào cộng đồng đã và đang đóng một vai trò hết sức quan trọng. Ước tính ở Việt Nam, các tổ chức xã hội đã đóng góp từ 25-50% trong một số các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.

Cũng tại Hội thảo, Ông Mark P. Troger – Giám đốc điều phối PEPFAR – Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội ghi nhận những đóng góp to lớn của các tổ chức cộng đồng cho chương trình phòng chống HIV/AIDS cũng như mối quan hệ hợp tác tích cực giữa Cục Phòng, Chống HIV/AIDS, các cơ quan quản lý y tế ở các địa phương và các tổ chức cộng đồng. Đồng thời, ông Troper cũng rất ấn tượng về cách thức tổ chức, chia sẻ trách nhiệm, cùng chung tay hướng tới mục tiêu to lớn là kiểm soát dịch và cải thiện chất lượng cuộc sống của những người chịu ảnh hưởng bởi HIV.

Bà Phạm Thị Minh – trưởng Liên Minh Câu lạc bộ Về nhà, đại diện cho các nhóm cộng đồng phát biểu tại Hội thảo: Từ những ngày đầu các nhóm hoạt động còn gặp nhiều khó khăn cả về tài chính cũng như kỹ thuật. Sau này khi có các dự án và các tổ chức trong nước và quốc tế hỗ trợ, bản thân từng thành viên các nhóm cộng đồng đều gặp rất nhiều thuận lợi, được tập huấn kỹ năng tiếp cận, kiến thức về MMT, ARV, viêm gan C, dịch vụ xét nghiệm HIV… tự tin hơn để tiếp cận với các anh chị em, hỗ trợ họ biết được đến các dịch vụ y tế như điều trị MMT, ARV…đặc biệt là nâng cao được quyền của các nhóm tự lực, giúp họ có cơ hội sống lành mạnh, tích cực, tìm lại được niềm tin trong gia đình, cộng đồng, được điều trị y tế, quan trọng hơn họ thấy cuộc sống của chính họ có ý nghĩa khi tiếp tục lại giúp đỡ những người có cùng hoàn cảnh. Quan trọng hơn, các nhóm cộng đồng đã có được sự ghi nhận của chính quyền địa phương, của các cơ quan như y tế như Trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh/huyện, chi cục phòng chống tệ nạn xã hội, công an quận/huyện, đến nay các đối tác đều hết lòng ủng hộ các hoạt động của chúng tôi.
Hội thảo sẽ diễn ra trong một ngày. Tại Hội thảo, các đại biểu sẽ được các chuyên gia đến từ các đơn vị, tổ chức chia sẻ về: Vai trò của cộng đồng trong ứng phó với dịch HIV/AIDS: mong đợi từ chương trình phòng, chống HIV/AIDS Quốc gia; Định hướng chiến lược của PEPFAR trong việc huy động sự tham gia của các tổ chức cộng đồng; Đóng góp của các tổ chức cộng đồng thuộc dự án QTC (GF/VUSTA) trong chương trình phòng, chống HIV/AIDS; Mô hình tiếp cận cộng đồng và tìm ca HIV thành công; Phối hợp giữa hệ thống y tế và các tổ chức cộng đồng; Giảm kỳ thị, Chương trình K=K và các dịch vụ KP thân thiện; Một số mô hình dịch vụ HIV do các tổ chức cộng đồng cung cấp: mô hình, kết quả, bài học kinh nghiệm
Cũng tại Hội thảo, các nhóm cộng đồng (CBO) có nhiều thành tích trong công tác phòng, chống HIV/AIDS sẽ được trao Giấy khen của Cục Phòng, chống HIV/AIDS.
Một số hình ảnh tại Hội thảo

TS. BS. Nguyễn Thị Minh Tâm trình bày tại hội thảo

Giám đốc Ritu Phòng y tế USAID, giám đốc Kim tổ chức PATH trao giấy khen cho các tập thể CBO xuất sắc

Phó Cục trưởng Hoàng Đình Cảnh và Giám đốc UNAIDS trao giấy khen cho các cá nhân tích cực trong hoạt động nhóm cộng đồng

Các đại biểu thảo luận tại hội thảo

Các gian hàng tại hội thảo

Đại biểu tham dự chụp hình lưu niệm tại Hội thảo