Tham dự Hội thảo có bà Asia Nguyễn – Cố vấn cao cấp của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh dịch Hoa Kỳ tại Việt Nam; PGS. TS. Phạm Lê Tuấn – Chủ tịch Cơ chế điều phối quốc gia Quỹ Toàn cầu Việt Nam (CCM) cùng 105 đầu cầu tham dự bao gồm đại diện các tổ chức, mạng lưới cộng đồng; các tổ chức phi Chính phủ trong nước; Doanh nghiệp xã hội; Trường Đại học Y Hà Nội; Đại diện các thành viên của Liên hiệp Hội Khoa học Kỹ thuật Trung ương và các địa phương v.v… TS. Phạm Nguyên Hà, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án VUSTA, Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS tham dự và chủ trì Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Phạm Nguyên Hà – Phó Giám đốc dự án đã nhấn mạnh: Viết đề xuất hiện nay đã là một kỹ năng then chốt trong tất cả các ngành nghề, từ trường học cho đến kinh doanh. Mục tiêu của viết đề xuất là nhận được hỗ trợ cho dự án mà chúng ta mong muốn tiến hành. Ý tưởng có nhiều khả năng được thông qua nếu chúng ta biết cách truyền đạt chúng một cách rõ ràng, súc tích và lôi cuốn. Biết cách viết một cách thuyết phục, lôi cuốn là điều cần thiết cho sự thành công. Do vậy Dự án VUSTA cùng với các đối tác, nhà tài trợ mong muốn nâng cao năng lực cho các tổ chức xã hội để hiểu và xây dựng được những nội dung cơ bản của một đề xuất dự án can thiệp của cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS.
TS. Phạm Nguyên Hà – Phó Giám đốc dự án VUSTA điều hành Hội thảo
TS. Phạm Nguyên Hà cũng hy vọng rằng với sự tham gia chia sẻ kinh nghiệm của của các Nhà tài trợ, các tổ chức cộng đồng đã tham gia viết và trúng nhiều các đề xuất qua các năm qua; chia sẻ của đại diện giám khảo tham gia chấm một số dự án, các tổ chức cộng đồng sẽ có năng lực để có thể viết các đề xuất trong thời gian tới có chất lượng hơn.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Phạm Lê Tuấn cũng cho rằng, hiện nay không chỉ có dự án phòng, chống HIV/AIDS mới có các đề xuất dự án, trong thời gian tới, các dự án của Quỹ Toàn cầu về HIV/AIDS; Lao và Sốt rét cũng sẽ tăng cường kêu gọi các sáng kiến của các tổ chức cộng đồng đề xuất các can thiệp sáng tạo trong các lĩnh vực phòng, chống Lao và Sốt rét. Do vậy những hội thảo như này rất hữu ích giúp các tổ chức cộng đồng nâng cao năng lực trong xây dựng đề xuất thời gian tới.
Chia sẻ kinh nghiệm viết đề xuất của các nhóm cộng đồng tại Hội thảo
Tại Hội thảo các đại biểu đã được nghe các chia sẻ về: “Những lời khuyên để viết đề xuất thành công” của bà Asia Nguyen – Cố vấn cao cấp của US.CDC; “Những điểm chính trong kêu gọi đề xuất năm 2021 và các phần của đề xuất, tiêu chí chấm điểm, công bố, theo dõi và giám sát các hoạt động” của Trường Đại học Y Hà Nội; Kinh nghiệm viết đề xuất của các Nhóm Kết nối trẻ; Nhóm Sóng Biển; Tổ chức LIFE; Tổ chức Mặt trời của Bé; Gia tộc Rồng; Mạng lưới VYKAP và Lời khuyên của đại diện Ban Giám khảo
Người tham dự Hội thảo
Từ năm 2018 đến nay, Trường đại học Y Hà Nội phối hợp với Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh dịch Hoa Kỳ (US CDC) tại Việt Nam với sự tài trợ của PEPFAR, đã tiến hành 4 đợt tài trợ cho 28 đề xuất của cộng đồng. Các khoản tài trợ lên tới 3.000 USD cho một đề xuất được lựa chọn. Tháng 7/2021, dự án VUSTA thông báo cơ hội nhận tài trợ cho các sáng kiến của các mạng lưới và các CBO nhằm nâng cao trao quyền cho cộng đồng trong hoạt động phòng chống HIV/AIDS trong bối cảnh COVID-19. Có 5 đề xuất được tài trợ với kinh phí 100 triệu đồng/đề xuất và thực hiện trong 3 tháng từ 1/9 – 1/12/2021. Trong thời gian tới, Hợp đồng xã hội cũng sẽ được mở rộng và đòi hỏi các Tổ chức cộng đồng cần có năng lực để đề xuất những dự án phù hợp, hiệu quả và sáng tạo. Đây cũng là định hướng mới với các tổ chức cộng đồng trong thời gian tới.