30 C
Hà nội
Thứ Sáu, Tháng Chín 13, 2024
Trang Chủ Tin tức Báo chí viết về chúng ta Hướng tới sự phát triển bền vững của các tổ chức xã...

Hướng tới sự phát triển bền vững của các tổ chức xã hội dưới góc độ tài chính

213
0

(ĐCSVN) – Ngày 22/12, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức hội thảo “Hướng tới sự phát triển bền vững của các tổ chức xã hội dưới góc độ tài chính”.

Hình ảnh tại hội thảo (Ảnh: M.P)


Nhóm các tổ chức xã hội đang phải đối diện với nhiều thách thức tồn tại

Tại hội thảo, PGS- TS Vũ Sỹ Cường thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, kể từ sau khi chính sách Đổi mới được thực thi, các tổ chức xã hội, bao gồm hội, hiệp hội, các tổ chức phi chính phủ Việt Nam (VNGOs), các tổ chức cộng đồng (CBOs), và một phần nào đó là các doanh nghiệp phi lợi nhuận, hiện đang giữ vai trò ngày càng quan trọng trong đời sống kinh tế xã hội của đất nước. Theo thống kê, hiện cả nước có hơn 43 nghìn hội, hiệp hội không hưởng ngân sách, hơn 2000 VNGOs và hàng trăm nghìn CBOs. các tổ chức này góp phần không nhỏ thực hiện công tác an sinh xã hội, trợ giúp người yếu thế, và là kênh truyền thông hiệu quả giữa người dân.

Sự hình thành và phát triển của nhóm các tổ chức này là một yếu tố quan trọng việc xây dựng ba mũi nhọn trong định hướng phát triển ở Việt Nam, bao gồm chính phủ kiến tạo, kinh tế thị trường, và xã hội công dân.

Tuy vậy, PGS- TS Vũ Sỹ Cường  cho rằng, trong khoảng vài năm trở lại đây, nhóm các tổ chức xã hội đang phải đối diện với nhiều thách thức tồn tại, đặc biệt là vấn đề thiếu hụt nguồn lực tài chính để hoạt động.

Trước tình trạng này, VEPR đã phối hợp với Ban quản lý Dự án quỹ toàn cầu thực hiện nghiên cứu “Hướng tới sự phát triển bền vững của các tổ chức xã hội dưới góc độ tài chính”.

Nghiên cứu của VEPR được thực hiện từ tháng 5/2016 đến tháng 12/2016 với cuộc khảo sát tại 5 địa phương (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Sóc Trăng, Thừa Thiên Huế và Điện Biên).

Kết quả nghiên cứu cho thấy, nếu xét về số lượng, có thể thấy không gian các tổ chức xã hội ở Việt Nam phần nhiều vẫn là hệ thống hiệp hội, đặc biệt là các hiệp hội được thành lập với quyết định hành chính và hoạt động ở những vùng biên.

Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, chính sách quản lý của các tổ chức xã hội hiện nay chưa hiệu quả, không phát huy được năng lực của các tổ chức này trong việc giải quyết các vấn đề xã hội; Ngoài các rào cản liên quan đến pháp lý và tài chính, tổ chức xã hội Việt Nam cũng đang gặp phải những rào cản liên quan đến môi trường hoạt động. Trong đó, đáng kể nhất là thái độ của người dân về hoạt động của tổ chức xã hội.

Đa số các tổ chức hội, hiệp hội khảo sát gặp khó khăn trong việc huy động nguồn lực xã hội cho hoạt động của mình. Chỉ có 31% các hội, hiệp hội đạt mức “hiệu quả” và “tuơng đối hiệu quả”. Khi bỏ qua nguồn hỗ trợ từ nhà nước (trực tiếp, gián tiếp, và các dịch vụ nhà nuớc phân bổ), tỷ lệ các hội, hiệp hội hiệu quả trong việc thu hút nguồn lực giảm xuống còn 18%. Trong khi đó, các tổ chức NGO nhìn chung hiệu quả trong việc thu hút nguồn lực, bao gồm nguồn lực tài chính và nguồn lực lao động (tình nguyện). 63% các tổ chức khảo sát đạt mức “hiệu quả” hoặc “tuơng đối hiệu quả” khi xét về chỉ số đầu ra. Nhóm tổ chức CBO có 2 tổ chức đạt mức “hiệu quả” và “tương đối hiệu quả” trên tổng số 4 tổ chức được khảo sát. Các tổ chức NGO và CBO không thay đổi về mức độ “hiệu quả” trong việc thu hút nguồn lực khi loại bỏ đi yếu tố nguồn lực nhà nước. Điều này cho thấy sự ít phụ thuộc của NGO và CBO với nguồn lực tài chính từ nhà nước.

Tạo điều kiện để các tổ chức xã hội phát triển bền vững

Tại hội thảo, đại diện nhóm nghiên cứu PGS- TS Vũ Sỹ Cường đã đưa ra một số kiến nghị. Theo đó,  cần đơn giản hoá các thủ tục thành lập tổ chức xã hội, quản lý tổ chức xã hội, đặc biệt ở những lĩnh vực phúc lợi xã hội, phục vụ nhóm yếu thế ,.. .để tạo điều kiện cho tổ chức xã hội tự huy động nguồn lực dễ dàng hơn, đặc biệt trong bối cảnh xu hướng tài trợ thiện nguyện không qua các tổ chức nhà nước, hoặc thiện nguyện tự phát đang phát triển mạnh. Thực tế cho thấy, mặc dù thủ tục đăng ký, thành lập hội và tổ chức xã hội còn phức tạp và khó khăn, nhiều tổ chức xã hội vẫn hoạt động được bằng nhiều cách khác nhau. Vì thế, nếu không đơn giản hoá việc đăng ký và quản lý tổ chức xã hội thì sẽ gây khó cho chính cơ quan chức năng trong việc quản lý hiệu quả các tổ chức xã hội.

Bên cạnh đó, dựa trên khung khổ pháp luật mới về tổ chức xã hội, cần tái phân loại các tổ chức xã hội thành các các tổ chức tương hỗ và các tổ chức công ích. Theo đó, chỉ có các tổ chức công ích, tham gia vào các hoạt động phục vụ cộng đồng sẽ có điều kiện để được hưởng các ưu đãi từ phía nhà nước. Các điều kiện trở thành tổ chức công ích có thể tham khảo luật quy định ở các quốc gia khác.

Ngoài ra, cần rà soát lại việc phân bổ nguồn lực NSNN cho các hiệp hội, kể cả những hội không phải đặc thù; sử dụng khoản tiết kiệm được xây dựng quỹ hỗ trợ cộng đồng cạnh tranh ở các địa phương như gợi ý phía trên.

Đặc biệt, cần yêu cầu các tổ chức tổ chức xã hội, kể cả các tổ chức quần chúng công, minh bạch các nguồn ngân quỹ sử dụng từ việc huy động vốn cho công tác thiện nguyện. Có thể xem xét việc xây dựng một cổng thông tin để từ đó các tổ chức xã hội có thể đăng tải báo cáo tài chính cho các hoạt động của mình. Xây dựng chính sách ưu đãi cụ thể, rõ ràng hơn cho những đóng góp thiện nguyện của doanh nghiệp cho các tổ chức xã hội không thuộc nhà nước, đặc biệt là chính sách về thuế./.

Minh Phương