Trang Chủ Tin tức Sự kiện Kết nối cộng đồng

Kết nối cộng đồng

95
0

Ngày 14/8/2014, Dự án Quỹ Toàn cầu thành phần VUSTA (Dự án QTC-VUSTA) đã họp giao ban Quý II, năm 2014. Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phạm Văn Tân và Giám đốc Dự án QTC-VUSTA

Ngày 14/8/2014, Dự án Quỹ Toàn cầu thành phần VUSTA (Dự án QTC-VUSTA) đã họp giao ban Quý II, năm 2014. Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phạm Văn Tân và Giám đốc Dự án QTC-VUSTA Đỗ Thị Vân đã đến chủ trì Hội nghị. Kết nối cộng đồng là một trong các vấn đề được Hội nghị quan tâm.

Nhu cầu đoàn kết và kết nối

Tại Liên Hợp Quốc, các nghị quyết của Đại Hội Đồng thường khó có thể đạt được sự chấp thuận của tuyệt đại đa số các nước thành viên. Trái lại, đại dịch AIDS lại là cơ hội để kết nối các quốc gia trên thế giới với nhau và Liên Hợp Quốc đạt được sự nhất trí hoàn toàn, thể hiện tinh thần đại đoàn kết của các dân tộc vì mục tiêu chung là đặt dấu chấm hết cho một đại dịch của thế kỷ.

Trong CONCEPT NOTE 2015-2017 đề xuất lên CCM và Quỹ Toàn Cầu (QTC) giai đoạn 2015-2017,  Dự án QTC-VUSTA, trang 5, điểm 4.4 có nêu: “Kết nối cộng đồng, điều phối và hợp tác: Thúc đẩy kết nối ngang của các tổ chức xã hội dân sự Hợp tác phòng chống AIDS (VCSPA); Đẩy mạnh sự kết nối của các mạng lưới với các tổ chức cộng đồng (CBO), đặc biệt là CBO tại 15 tỉnh thuộc Dự án QTC-VUSTA; Tăng cường hợp tác giữa các đơn vị triển khai dự án tại các tỉnh với Trung tâm PC HIV/AIDS tỉnh (PAC), Liên Hiệp Hội tỉnh (PUSTA), Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội và hệ thống y tế xã, phường.”. Tôi xin bàn đến một khía cạnh là kết nối cộng đồng, thúc đẩy kết nối ngang.

Thúc đẩy kết nối ngang giữa các tổ chức nhà nước với các tổ chức cộng đồng và đơn vị kết nối là các tổ chức xã hội

VCSPA đã thành công trong việc hỗ trợ thành lập mạng lưới những người sử dụng ma túy (VNPUD), mạng lưới những người lao động tình dục (VNSW) và mạng lưới nam giới có quan hệ tình dục đồng tính và người chuyển giới (VNMSM-TG). Đó là hệ thống dọc của các TCCĐ. Kết nối ngang của các tổ chức xã hội (TCPCP và TCCĐ) như trong Concept Note đề ra cũng rất quan trọng. Có thể đưa ra nhiều dẫn chứng về kết nối ngang ở tuyến tỉnh, thành giữa câc cơ quan y tế nhà nước và các TCCĐ.

 Chương trình phát bơm kim tiêm. Các Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh cung cấp và quản lý việc phát BKT. Báo cáo của ngành y tế cho thấy tới trên 4/5 số BKT này là thông qua các nhóm giáo dục đồng đẳng (GDĐĐ). Hơn nữa, một việc quan trọng là thu hồi BKT bẩn và làm sạch môi trường cũng do các nhóm GDĐĐ.

aids-kết nối cộng đồng

Nhóm Năng Cuối Trời thu nhặt bơm kim tiêm bẩn, làm sạch môi trường tại TP Vĩnh Yên

Tư vấn và xét nghiệm tự nguyện

Cơ quan y tế  thực hiện các công việc tư vấn trước và sau xét nghiệm, tổ chức xét nghiệm và trả kết quả. Song bằng chứng cho thấy rằng nhiều người có hành vi nguy cơ cao rất ngại đến phòng xét nghiệm vì sợ lộ bí mật, nhất là sợ bị kỳ thị và phân biệt đối xử. Một số người không đến còn vì lý do thiếu thông tin về lợi ích của xét nghiệm sớm, về nơi xét nghiệm, thủ tục xét nghiệm, chi phí xét nghiệm. Bằng chứng  cho thấy các trở ngại trên đã được các tổ chức cộng đồng khắc phục, họ đã làm tốt công tác tư vấn trước xét nghiệm, hướng dẫn và hỗ trợ những người đi xét nghiệm và sau khi có kết quả trở về..

aids-ket noi cong dong

 Trong 6 tháng đầu năm 2014, Nắng Cuối Trời đã chuyển gửi thành công 71.1% khách hàng (KH) đi VCT (434 trên tổng số 610 KH); còn Cát Trắng đã chuyển gửi thành công 61.5% KH (193 trên tổng số 314 KH).

Tóm lại, muốn khiêng một người nặng phải có hai người, gánh vác một việc nặng ít nhất cũng phải có hai người. Các cơ quan y tế nhà nước là người thứ nhất, không thể thiếu được người thứ hai là các TCCĐ. Còn người thứ ba vận động sự kết nối này, bắc cầu cho sự phối hợp cần thiết này là VUSTA và các tổ chức xã hội. Đó là người vận động chính sách, tương trợ và hợp tác với cơ quan nhà nước; người  cổ vũ, động viên và chuyển giao kỹ thuật, kinh nghiệm cho các TCCĐ. Đó là cái thế “vững như kiềng ba chân”.

Các mô hình kết nối ngang

Hội phòng, chống HIV/AIDS thành phố Hà Nội, một cái kiềng ba chân: cơ quan nhà nước, tổ chức phi chính phủ và tổ chức cộng đồng có thể xem là một mô hình thành công.

Ban lãnh đạo Hội PC HIV/AIDS Hà Nội được bầu ra 5 năm một lần đã thể hiện được sự kết nối giữa các cơ quan nhà nước (đại diện là Trung tâm PC HIV/AIDS Hà Nội và một số các đơn vị y tế quận, huyện) với các tổ chức phi chính phủ như Trung tâm Tư vấn pháp luật và chính sách về Y tế và HIV/AIDS, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cộng đồng bền vững..) và  hơn 50 tổ chức cộng đồng của Người sống chung với HIV (Mặt Trời của Bé, Vì Ngày mai tươi sáng…), Người sử dụng ma túy (Gạch Đầu Dòng, Cát Trắng..), nam giới có quan hệ tình dục đồng tính (Niềm Tin Xanh, Chúng tôi là Sinh Viên..) và người chuyển giới (Ruby), người lao động tình dục (Nơi Bình Yên..).

Tuy nhiên, sẽ có nhiều mô hình kết nối ngang khác nhau, tùy theo điểu kiện từng tỉnh.Các TCCĐ ở các tỉnh thành như PUD/IDU, SW, MSM-TG, bạn tình âm tính của người sống chung với HIV và bạn tình của người nghiện phải kết nối với nhau, vì “kết đoàn chúng ta là sức mạnh..” (lâu lắm hình như ta quên mất bài hát này rồi); đồng thời phải kết nối được với tổ chức nhà nước để vừa nâng cao năng lực, vừa chứng tỏ năng lực và kinh nghiệm cung cấp dịch vụ đồng đẳng có chất lượng của mình . Người bắc cầu tốt nhất cho sự kết nối này, người dễ đặt quan hệ nhất với các tổ chức nhà nước như các cơ quan y tế, chính quyền địa phương, các ngành và  người dễ gần nhất, dễ làm việc nhất với các TCCĐ là các tổ chức xã hội. Tùy từng địa phương mà tổ chức bắc cầu này ở tuyến tỉnh như các Liên Hiệp Hội (PUSTA), hoặc Hội PC HIV/AIDS, Liên Hiệp Phụ nữ tỉnh, thành và VCSPA ở thành phố Hồ Chí Minh. Mong các bạn trong thảo luận sẽ đưa ra nhiều ý kiến sáng tạo và khả thi.

Các văn bản dưới luật nên nói rõ vai trò của các tổ chức xã hội và các tổ chức cộng đồng

Trong các văn bản của Cục phòng chống HIV/AIDS, nên chăng có mục đề cập minh bạch và công bằng sự kết nối này. Ví dụ trong Hướng dẫn về Tư vấn và xét nghiệm HIV, hướng dẫn sẽ nói rõ, dù chỉ vài dòng thôi “Các tổ chức cộng đồng có trách nhiệm tham gia tư vấn, vận động và hỗ trợ để những người có hành vi nguy cơ cao chủ động tìm đến các dịch vụ của các phòng tư vấn và xét nghiệm trong cả nước”.

Danh có chính thì ngôn mới thuận, các TCCĐ sẽ phấn khởi và ngân sách nhà nước sẽ có để có thể hỗ trợ TCCĐ làm tốt hơn nhiệm vụ của người gánh vác thứ hai. Hi vọng Cục phòng, chống HIVAIDS và các TCCĐ sẽ  cùng gánh vác một việc nặng và cùng đi đến đích. Vâng, cái đích 3 KHÔNG về HIV/AIDS đổi với Việt Nam hiện nay có vẻ còn khá xa!

                                                                                    NGƯT.BS Đặng Văn Khoát